Đầu tư tiếp 9 dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam theo hình thức PPP

Trong tờ trình vừa gửi Thủ tướng, Bộ GTVT đề xuất tiếp tục đầu tư dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông, giai đoạn 2 (2021-2025). Trong đó, bộ này kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội (QH) xem xét đầu tư tiếp 12 dự án thành phần để nối thông tuyến cao tốc này.

Giai đoạn 2016-2020, QH đã thông qua chủ trương đầu tư dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía đông giai đoạn 1 với tổng chiều dài 654 km, chia thành 11 dự án thành phần. Giai đoạn 2 của dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam dự kiến sẽ trình QH cho ý kiến quyết định chủ trương đầu tư vào kỳ họp cuối năm nay. 

Đầu tư tiếp 729 km đường bộ cao tốc

Bộ GTVT cho biết tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông từ cửa khẩu Hữu Nghị đến Cà Mau dài 2.063 km, đang khai thác 478 km và tiếp tục đầu tư 829 km, còn lại 756 km chưa đầu tư.

Để nối thông tuyến cao tốc Bắc - Nam, Bộ GTVT đề xuất hai phương án. Phương án 1, đầu tư khoảng 729 km với 12 dự án thành phần gồm các đoạn Hà Tĩnh - Quảng Trị (267 km), Quảng Ngãi - Nha Trang (353 km) và Cần Thơ - Cà Mau (109 km) đi qua địa phận 12 tỉnh, TP. Tổng mức đầu tư khoảng 146.990 tỉ đồng, trong đó vốn nhà nước khoảng 73.495 tỉ đồng.

Phương án 2, đầu tư 9/12 dự án thành phần, dài 552 km, gồm các đoạn Bãi Vọt - Vũng Áng (Hà Tĩnh, 90 km), Quảng Ngãi - Nha Trang (353 km) và Cần Thơ - Cà Mau (109 km). Đối với ba dự án thành phần đoạn Vũng Áng - Bùng, Bùng - Vạn Ninh và Vạn Ninh - Cam Lộ dài 177 km, giai đoạn 2021-2025 triển khai trước công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư (kinh phí khoảng 4.584 tỉ đồng) và chuyển tiếp đầu tư trong giai đoạn 2026-2030.

Cao tốc Nội Bài - Lào Cai là một trong các dự án thành phần thuộc tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam. Ảnh: V.LONG

Cả chín dự án này đều đầu tư theo hình thức PPP, loại hợp đồng BOT với tổng nhu cầu vốn khoảng 118.672 tỉ đồng. Trong đó, vốn nhà nước khoảng 61.628 tỉ đồng (giai đoạn 2021-2025 khoảng 49.233 tỉ đồng, giai đoạn sau năm 2025 khoảng 12.395 tỉ đồng), vốn nhà đầu tư huy động khoảng 57.044 tỉ đồng (trong đó vốn chủ sở hữu khoảng 8.557 tỉ đồng, vốn vay khoảng 48.487 tỉ đồng).

Trên cơ sở phân tích các phương án, Bộ GTVT đề xuất Thủ tướng lựa chọn phương án 2. “Trường hợp triển khai các dự án thành phần theo phương thức PPP không thành công, giao Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ QH xem xét, quyết định…” - Bộ GTVT kiến nghị.

Vì sao chỉ đầu tư 9/12 dự án

Theo Bộ GTVT, đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông là tuyến đường huyết mạch, có vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng an ninh của đất nước, do vậy việc đầu tư nối thông tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông là cần thiết.

Tuy nhiên, dự kiến nguồn vốn ngân sách nhà nước bố trí cho đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông khoảng 47.169 tỉ đồng. Với điều kiện nguồn lực khó khăn và phải cân đối cho các nhiệm vụ quan trọng, cấp bách khác nên cần tính toán, xác định lộ trình đầu tư để phù hợp.

Cạnh đó, tại khu vực miền Trung, do điều kiện địa hình thắt hẹp, về đường bộ đã có các tuyến quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh, đường ven biển, đường sắt và quy hoạch đường sắt tốc độ cao. Ngoài ra, theo kết quả dự báo nhu cầu vận tải của đơn vị tư vấn, đoạn Vũng Áng - Bùng, Bùng - Vạn Ninh, Vạn Ninh - Cam Lộ có nhu cầu vận tải thấp (đến năm 2030 là 13.665-19.317 xe con quy đổi/ngày đêm). Với năng lực vận tải của quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh và một số tuyến song hành khác có thể đáp ứng nhu cầu vận tải đến khoảng năm 2028.

“Do vậy, đối với ba đoạn tuyến trên trong giai đoạn 2021-2025 có thể thực hiện trước công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư và chuyển tiếp đầu tư trong giai đoạn 2026-2030…” - Bộ GTVT lý giải.

Về tính khả thi của các dự án trong huy động vốn ngân hàng, Bộ GTVT cho rằng dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 có thời gian thu phí 16-18 năm. Tuy nhiên, các dự án thành phần giai đoạn 2021-2025 có thời gian thu phí bình quân dài hơn 24,8 năm, trong đó có hai dự án thành phần đoạn Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau thời gian thu phí 31-32 năm.

Dù vậy bộ này nhận định lợi thế của giai đoạn 2 dự án là việc áp dụng theo Luật PPP. Cụ thể, Bộ GTVT sẽ kiến nghị được áp dụng cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu theo quy định của Luật PPP, đây là điều kiện thuận lợi khi các ngân hàng xem xét cung cấp tín dụng. Bên cạnh đó, ngoài nguồn cung cấp tín dụng của các ngân hàng, Luật PPP cho phép doanh nghiệp dự án được phát hành trái phiếu doanh nghiệp, được huy động vốn vay và các nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện dự án theo quy định tại hợp đồng dự án PPP (không bắt buộc vay từ nguồn tín dụng của các ngân hàng).

“Do vậy, mặc dù có thời gian thu phí hoàn vốn dài hơn nhưng chưa thể khẳng định khả năng huy động vốn vay các dự án thành phần giai đoạn 2021-2025 kém hấp dẫn hơn so với các dự án thành phần PPP giai đoạn 2017-2020…” - Bộ GTVT đánh giá.

12 dự án thành phần đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông, giai đoạn 2

STT

Tên dự án thành phần

Chiều dài
(km)

Quy mô
phân kỳ
(làn xe)

Sơ bộ tổng mức đầu tư
(tỷ đồng)

Thời gian hoàn thành vốn
(năm)

NSNN

BOT

Tổng

1

Bãi Vọt - Hàm Nghi

36

4

3.701

3.701

7.402

25

2

Hàm Nghi - Vũng Áng

54

4

5.093

5.093

10.186

17

3

Vũng Áng - Bùng

58

4

1.130

1.130

4

Bùng - Vạn Ninh

51

4

1.715

1.715

5

Vạn Ninh - Cam Lộ

68

4

1.739

1.739

6

Quảng Ngãi - Hoài Nhơn

88

4

10.448

10.448

20.896

29

7

Hoài Nhơn - Quy Nhơn

69

4

6.272

6.272

12.544

25

8

Quy Nhơn - Chí Thạnh

62

4

6.149

6.149

12.298

21

9

Chí Thạnh - Vân Phong

51

4

5.301

5.301

10.602

22

10

Vân Phong - Nha Trang

83

4

6.453

6.453

12.906

21

11

Cần Thơ - Hậu Giang

37

4

4.884

4.885

9.769

32

12

Hậu Giang -Cà Mau

72

4

8.742

8.743

17.485

31

Tổng cộng

729

61.628

57.044

118.672


Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm