Chủ động tâm thế gia nhập cuộc chơi
Năm 2021, tại COP 26, Việt Nam đưa ra cam kết về việc giảm phát thải ròng về 0 cho đến năm 2050. Đây là bước chuẩn bị để Việt Nam gia nhập “cuộc chơi” của thế giới trước thực tế biến đổi khí hậu đang ngày càng trở thành thách thức lớn.
Chính phủ cũng đặt ra "Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050” hay “Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030” với mục tiêu rõ ràng về giảm thiểu cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP, xanh hóa các ngành kinh tế…
Đến nay, việc thực hiện giảm phát thải nhà kính tại các doanh nghiệp sản xuất trong nước không còn là khẩu hiệu kêu gọi chung chung mà đang trở thành mục tiêu quan trọng, một xu thế chung, cũng là yêu cầu bắt buộc. Nhất là khi các nước phát triển đặt ra nhiều hơn các hàng rào kỹ thuật như quy định về Biên giới Carbon, Biên giới rừng… ảnh hưởng trực tiếp đến hàng hoá xuất khẩu trong nước. Theo đó, nếu doanh nghiệp không có sự chuẩn bị, không quan tâm đến giảm phát thải nhà kính thì sẽ hoàn toàn bị loại khỏi chuỗi mắt xích thương mại toàn cầu.
Là một doanh nghiệp sản xuất, với thị trường xuất khẩu ở nhiều quốc gia như Bắc Mỹ, Đức, Trung Quốc, Hàn Quốc… Công ty Cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan) hiểu rõ sự quan trọng của mục tiêu Net Zero (phát thải ròng bằng 0) và đã có sự chuẩn bị kỹ càng, thực hiện theo lộ trình cụ thể.
Tại hội thảo có chủ đề "Chia sẻ kinh nghiệm trong xây dựng chiến lược, giải pháp thực hiện giảm phát thải khí nhà kính, hướng tới phát triển bền vững", Phó Tổng Giám đốc Vissan, ông Trương Hải Hưng cho biết: “Vissan là một trong những doanh nghiệp sản xuất luôn đi đầu trong việc thực hiện theo các chính sách của Nhà nước. Vissan luôn thực hiện việc giảm phát thải theo đúng lộ trình và những giải pháp đồng bộ do Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn”.
Cụ thể, để đánh giá hiện trạng thực tế phát thải nhà kính tại doanh nghiệp, Vissan đã tiến hành đo lường, đánh giá mức độ phát thải thông qua các công cụ và phương pháp khoa học, đảm bảo độ chính xác cao.
Sau khi có các số liệu chi tiết, doanh nghiệp sẽ phân tích, đánh giá và phân loại vào hai nguồn: nguồn phát thải trực tiếp và nguồn phát thải gián tiếp. Từ đây, doanh nghiệp sẽ xây dựng các kế hoạch thực hiện chi tiết để giải quyết tình trạng phát thải, đồng thời liên tục đánh giá, theo dõi, không ngừng điều chỉnh và cải thiện kế hoạch khi cần thiết.
Bốn bước cơ bản trên là kim chỉ nam để Vissan từng ngày xây dựng các hành động cụ thể cho chuỗi sản xuất Xanh bền vững.
Bắt đầu từ những điều nhỏ nhất
Từ rất lâu, tại các cửa hàng phân phối của Vissan, khách hàng được sử dụng túi nylon bằng chất liệu thân thiện môi trường, có thể tự huỷ và an toàn cho người tiêu dùng. Các khay đựng thực phẩm cũng đã chuyển từ nhựa sang giấy.
Cùng đó, các sản phẩm của doanh nghiệp cũng được phát triển theo hướng tốt cho sức khoẻ người tiêu dùng và gần gũi với tự nhiên, hạn chế tối đa các phụ gia có hại, như sản phẩm heo thảo mộc, heo VietGAP, chả giò tôm cua, nem nướng đông lạnh, nem bò tiêu xanh…
Để mỗi ngày có sản phẩm Xanh, hương vị thơm ngon đến tay người tiêu dùng, Vissan phải tạo sự chuyển đổi đột phá từ khâu sản xuất, quản lý chất thải cho đến đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Doanh nghiệp mạnh tay đầu tư máy móc, công nghệ tiên tiến để tối ưu hóa quy trình sản xuất, một mặt giảm lượng nhiên liệu và năng lượng tiêu thụ, đồng thời tăng hiệu quả kinh tế.
“Vissan cũng đầu tư vào các hệ thống năng lượng tái tạo, như năng lượng mặt trời và năng lượng hơi từ lò hơi đốt trấu đã giúp chúng tôi giảm phụ thuộc vào nguồn năng lượng hóa thạch, từ đó giảm phát thải khí nhà kính”, ông Nguyễn Ngọc An cho biết.
Với bất kỳ doanh nghiệp sản xuất nào, việc xử lý chất thải chưa bao giờ là bài toán dễ. Lãnh đạo Vissan đã trăn trở nhiều để có thể xây dựng quy trình tối ưu nhất từ chuồng trại đến nhà máy sản xuất.
Cụ thể, Vissan áp dụng mô hình chăn nuôi theo công nghệ chuồng kín với hệ thống làm mát, hệ thống cung cấp thức ăn tự động, hệ thống thu gom phân và xử lý nước thải biogas, đảm bảo đáp ứng các tiêu chuẩn VietGAP. Đối với nhà máy sản xuất, Vissan đầu tư lắp đặt hệ thống xử lý nước thải hiện đại với hệ thống quan trắc nước thải tự động, liên tục truyền dữ liệu về Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường thuộc Sở Tài nguyên Môi trường TP.HCM để giám sát chất lượng nước thải.
Tất cả các biện pháp trên được thực hiện đồng bộ, nhất quán, theo sự chỉ đạo và quyết tâm đi đến cùng của ban lãnh đạo Vissan. Sự đồng chí đồng lòng từ trong nội bộ đã đưa doanh nghiệp từng bước chinh phục mục tiêu bảo vệ môi trường, hướng đến phát triển bền vững khi những thách thức, khó khăn phải đối mặt không hề ít.
“Đầu tư vào công nghệ xanh và các biện pháp giảm phát thải đòi hỏi có sự đầu tư đồng bộ và nguồn vốn lớn. Vì vậy, không thể thực hiện trong một sớm một chiều mà cần có lộ trình và kế hoạch thực hiện đồng bộ trong dài hạn”, lãnh đạo Vissan chia sẻ.
Kết thúc 6 tháng đầu năm nay, Vissan ghi nhận doanh thu hơn 1,5 ngàn tỷ đồng, lãi ròng gần 56 tỷ đồng. Doanh nghiệp vừa thông báo trả cổ tức năm 2023 bằng tiền với tỷ lệ 6% (600 đồng/cp), dự tính chi khoảng 49 tỷ đồng để trả cổ tức cho lượng 80,9 triệu cổ phiếu đang lưu hành.