Một ngày giữa tháng 6-2015. Một bạn đọc gọi điện thoại cho PV bày tỏ nỗi lo lắng. Hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận nhà đất của chị đang nộp ở quận, sắp đến ngày hẹn trả nhưng nghe râm ran thông tin sắp tới từ ngày 1-7, việc cấp, đổi giấy sẽ chuyển hết về TP nên nhiều khả năng sẽ trễ hẹn rất lâu.
“Cô ơi, nếu có gì thì nhờ cô giúp giùm được không? Chị cần có giấy tờ nhà để thế chấp ngân hàng lo cho việc làm ăn” - chị khẩn khoản. Động viên chị cứ chờ thử xem sao nhưng thật lòng tôi không thể yên tâm. Chỉ cần suy ra từ một nguyên lý cơ bản: Từ 24 người ký giấy nay chỉ còn một, hai vị lãnh đạo Sở ký thì chắc chắn hồ sơ sẽ ùn tắc, lâu hơn. Riêng khâu chuyển hồ sơ từ các quận/huyện đến Sở rồi chuyển trở về cũng đã tốn nhiều thời gian.
Xu thế phân cấp thẩm quyền đang được đẩy mạnh, vậy mà đề án của TP lại đang làm ngược lại. Biết rằng quyết định của TP xuất phát từ quy định của Luật Đất đai và các nghị định liên quan nhưng dù lý do gì đi nữa thì việc không xáo trộn, không ảnh hưởng cho người dân vẫn phải là yêu cầu tiên quyết. Thuận lợi, dễ dàng hơn cho dân chẳng phải là mục đích lớn nhất của cải cách hành chính hay sao?
Người dân luôn mong thủ tục nhà đất ngày càng thông thoáng. Ảnh: HTD
Cuối cùng điều đáng lo nhất đã xảy ra. Hồ sơ của người dân bị ách tắc không có ngày hẹn trả, nhiều nơi không chịu nhận hồ sơ vì không biết thẩm quyền giải quyết lĩnh vực của ai. Dân muốn khiếu nại trễ hẹn, khiếu nại giải quyết sai thì quận/huyện chỉ Sở, Sở bảo trách nhiệm của quận/huyện. Sở có tháo gỡ nhưng chỉ một phần và cũng không đáp ứng được nguyện vọng của người dân.
Pháp Luật TP.HCM đã liên tục có bốn bài báo phản ánh, phân tích tình trạng này. Sau mỗi bài viết, PV lại nhận được nhiều ý kiến đồng cảm, ủng hộ của người dân và cơ quan chức năng. Thật đáng mừng, lãnh đạo Sở TN&MT, lãnh đạo Văn phòng Đăng ký đất đai TP, những nơi “đứng mũi chịu sào” cũng đánh giá cao và ghi nhận những bài viết đó. Một số giải pháp đã được Sở ban hành để tháo gỡ phần nào những ách tắc, các cuộc họp được liên tục tổ chức. PV được thông tin, được tham gia.
Mới đây nhất, giám đốc Sở TN&MT cho biết Sở sẽ tổ chức một buổi trả lời những “chất vấn” từ báo chí. Hy vọng những nỗ lực, thiện chí của Sở cùng sự góp ý của các sở/ngành, quận/huyện, cái gốc của những vô lý, những vướng mắc trong việc cấp đổi giấy chứng nhận cho người dân tại TP sẽ được giải quyết triệt để trong thời gian sớm nhất.
Được bạn đọc tin tưởng chia sẻ, những bài báo của mình có tác động tích cực, khó khăn, bức xúc của dân được tháo gỡ - đó là mong ước, là niềm vui lớn lao nhất của mỗi tờ báo, của từng nhà báo.
Thay đổi quy định hợp lý hơn Lâu nay, nhiều người dân phải chịu thiệt thòi khi nhà đất mua hợp pháp, ngay tình vì bị cơ quan thi hành án (THA) dân sự kê biên để THA thay chủ nhà đất cũ. Có chuyện này là bởi Thông tư liên tịch số 12/2001 và sau này là Thông tư liên tịch số 14/2010 của Bộ Tư pháp - TAND Tối cao - VKSND Tối cao quy định: Kể từ thời điểm có bản án, quyết định sơ thẩm mà người phải THA bán, chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, bảo lãnh, cầm cố tài sản của mình cho người khác, không thừa nhận tài sản là của mình mà không sử dụng khoản tiền thu được để THA thì tài sản đó vẫn bị kê biên để THA, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác… Pháp Luật TP.HCM đã ghi nhận nhiều ý kiến cho rằng hướng dẫn trong hai thông tư trên trái Luật Nhà ở, Luật Đất đai, BLDS về quyền sở hữu nhà, quyền sử dụng đất, chưa bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người thứ ba mua nhà đất ngay tình. Điều đáng mừng là đến 18-7-2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 62 tháo gỡ một phần bất hợp lý nói trên. Nghị định 62/2015 quy định: Kể từ thời điểm bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, nếu người phải THA chuyển đổi, tặng cho, bán, chuyển nhượng, thế chấp, cầm cố tài sản cho người khác mà không sử dụng khoản tiền thu được để THA và không còn tài sản khác hoặc tài sản khác không đủ để đảm bảo nghĩa vụ THA thì tài sản đó vẫn bị kê biên, xử lý để THA, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác… Quy định mới này giúp giảm nhiều rủi ro đối với người mua tài sản hợp pháp. Thứ nhất, nó thu hẹp thời điểm xét kê biên là việc mua bán, tặng cho… tài sản đó phải diễn ra kể từ thời điểm bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật. Thứ hai, nó siết chặt phạm vi mà cơ quan THA xét kê biên tài sản của người thứ ba. Ngoài việc người phải THA không dùng số tiền đã bán tài sản để THA thì người phải THA phải thuộc trường hợp không còn tài sản khác hoặc tài sản khác không đủ để đảm bảo nghĩa vụ THA. |