Dây chuyền sản xuất pháo M777 'hồi sinh' sau thành công ở chiến trường Ukraine

(PLO)- Quân đội Mỹ ký hợp đồng với công ty quốc phòng BAE Systems của Anh khởi động lại dây chuyền sản xuất linh kiện pháo M777 để gửi tới Ukraine nhằm tân trang các khẩu pháo cũ.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Quân đội Mỹ đã ký hợp đồng với về việc

Ngày 4-1, công ty quốc phòng BAE Systems của Anh thông báo vừa ký hợp đồng trị giá 50 triệu USD với quân đội Mỹ, khởi động lại dây chuyền sản xuất các linh kiện pháo M777, theo trang Business Insider. Số linh kiện này sẽ được gửi tới Ukraine để tân trang các khẩu pháo cũ.

Đây là đơn đặt hàng mới đầu tiên sau 5 năm và cho thấy nhu cầu ngày càng tăng đối với lựu pháo sau màn thể hiện thành công của vũ khí này trên chiến trường Ukraine.

Mỹ đặt mua thêm linh kiện pháo M777 sau màn thể hiện thành công tại chiến trường Ukraine
Binh lính Mỹ lắp đặt lựu pháo M777 cho khóa huấn luyện pháo binh tại Đức năm 2023. Ảnh: ANNA SZILAGYI/EPA/SHUTTERSTOCK

Lựu pháo M777 là vũ khí pháo binh chủ chốt và nặng bằng một nửa so với các lựu pháo di động khác, mang lại cho binh lính khả năng cơ động tốt hơn để tái định vị nhanh chóng sau khi khai hỏa và tránh bị phát hiện.

Giới phân tích đánh giá rằng khả năng cơ động như vậy của vũ khí là rất quan trọng để tồn tại ở Ukraine.

“Pháo M777 cung cấp khả năng phản ứng nhanh và loại vũ khí này đã được chứng minh mang lại sức mạnh hỏa lực có tính quyết định khi cần thiết nhất trong điều kiện chiến đấu kéo dài” – BAE Systems cho biết.

Theo thỏa thuận mới, BAE Systems sẽ cung cấp titan để sản xuất pháo M777, với đợt giao hàng đầu tiên dự kiến diễn ra vào năm 2025.

BAE Systems cho hay có kế hoạch sản xuất các lựu pháo hoàn chỉnh. Các nước tại châu Âu, châu Á và châu Mỹ ngày càng quan tâm đến pháo M777 sau khi chúng cho thấy hiệu suất hoạt động tốt tại chiến trường Ukraine.

Mặc dù việc khởi động lại dây chuyền sản xuất vũ khí cũ hiếm khi xảy ra nhưng cuộc xung đột tại Ukraine đã trở thành nơi thử nghiệm ngành công nghiệp vũ khí.

“Các loại vũ khí có được độ tin cậy cao trong một cuộc xung đột thường tạo ra doanh số bán hàng ở nước ngoài” – ông Mark Cancian, cố vấn tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) nói với tờ The Wall Street Journal.

“Hợp đồng mới này tạo điều kiện tối ưu để khởi động lại việc sản xuất pháo M777 tại Anh, đồng thời đem đến cơ hội cho người dùng mới và người dùng hiện tại tham gia sáng kiến sản xuất M777” – tuyên bố của BAE Systems có đoạn.

Ukraine nhận được các loại lựu pháo từ ít nhất 15 đồng minh. Tuy nhiên, qua hai năm xung đột Nga- Ukraine, các nước phương Tây đang cạn kiệt thiết bị quân sự quan trọng và đối mặt sức ép lớn hơn trong nước về việc tiếp tục viện trợ quân sự cho Ukraine.

Để lấp vào sự thiếu hụt vũ khí, Ukraine cũng đã chuyển sang tự sản xuất vũ khí cho riêng mình, trong đó có lựu pháo.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm