Đó là trường hợp của ông Nguyễn Văn Khẩn (ngụ phường Tân Tạo, Bình Tân, TP.HCM). Gần 20 năm qua, ông Khẩn liên tục gửi đơn kêu oan khắp nơi nhưng không được cơ quan có trách nhiệm giải quyết bồi thường oan cho ông. Thậm chí ông gửi đơn kiện đến tòa án có thẩm quyền nhưng tòa vẫn không chịu thụ lý vì cho rằng cơ quan tố tụng đang xem xét lại vụ việc.
Hình sự hóa
Gần 20 năm qua ông Khẩn đã gửi đơn kêu cứu khắp nơi nhưng vẫn chưa được bồi thường oan. Ảnh: S.NGUYỄN
Năm 1991, ông Khẩn là giám đốc Công ty Cổ phần Thái Dương. Thời điểm này ông Khẩn ký hợp đồng bán cho ông C. gần 200.000 m2 đất (của 25 hộ dân) tại xã Tân Tạo, huyện Bình Chánh với giá hơn 1.000 lượng vàng 96%. Hợp đồng kinh tế này hai bên ký kết hợp pháp và được Phòng Công nghiệp Xây dựng huyện Bình Chánh (tại thời điểm đó) công nhận.
Sau đó ông Khẩn đã nhận gần 1.000 lượng vàng để chi trả cho các hộ dân theo thỏa thuận và đã chuyển nhượng cho ông C. hơn 22.000 m2 đất. Bất ngờ ngày 2-10-1992, UBND huyện Bình Chánh có công văn yêu cầu hai bên dừng việc chuyển nhượng với lý do đất thuộc vùng quy hoạch. Từ đó, ông Khẩn và ông C. phải cùng nhau giải quyết những hậu quả phát sinh từ việc hợp đồng mua bán bị chựng lại.
Do không thỏa thuận được với nhau nên ông C. yêu cầu Công an huyện Bình Chánh can thiệp giải quyết vụ việc vì cho rằng ông Khẩn có dấu hiệu lừa đảo. Vậy là ngày 10-11-1994, Công an huyện Bình Chánh ra quyết định khởi tố và bắt giam đối với ông Khẩn về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Sau đó, Công an huyện Bình Chánh chuyển vụ án lên Công an TP điều tra theo thẩm quyền.
Chỉ là quan hệ dân sự
Ngày 25-11-1995, ông Khẩn được cơ quan điều tra cho tại ngoại sau khi đã bị giam 380 ngày. Hai năm sau, VKSND TP.HCM ra quyết định đình chỉ điều tra, đình chỉ bị can đối với ông Khẩn. Quyết định đình chỉ nêu rõ: “Nguyên nhân do có công văn của UBND huyện Bình Chánh không cho tiếp tục chuyển nhượng mua bán đất, mặt khác phía ông C. có một phần lỗi theo điều 3 của phụ lục hợp đồng, nay đã khắc phục hậu quả. Do vậy quan hệ trong hợp đồng kinh tế nêu trên là dân sự nên không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với ông Khẩn”.
Hơn hai tháng sau, VKSND TP ra tiếp quyết định xử lý vật chứng của vụ án là hơn 1 tỉ đồng và giao số tiền này cho UBND huyện Bình Chánh quản lý.
Về phần mình, sau khi được đình chỉ bị can, ông Khẩn đã gửi đơn đến VKSND TP.HCM yêu cầu được bồi thường oan. Cụ thể, ông yêu cầu VKSND TP phải bồi thường thiệt hại về vật chất và tinh thần vì đã khởi tố, bắt giam ông 380 ngày, 720 ngày tại ngoại điều tra và thiệt hại do thu nhập bị mất trong suốt thời gian là bị can. Ông còn yêu cầu VKSND TP trả lại hơn 1 tỉ đồng (kèm lãi suất) mà trong quyết định xử lý năm 1997, cơ quan này đã giao cho UBND huyện Bình Chánh quản lý.
Né bồi thường bằng… ý kiến cấp trên
Tháng 8-2004, VKSND TP.HCM có văn bản trả lời ông Khẩn với nội dung: “Thực tế ông đã chiếm đoạt hơn 200 lượng vàng của ông C. cùng một số cá nhân khác. Tại thời điểm vụ án được đình chỉ, thực tế tiền cân đối được bồi thường là tiền đền bù giải tỏa mà chủ đầu tư chuyển cho VKS giải quyết, không phải tiền của cá nhân ông. Từ cân đối này, VKS đã xét đình chỉ miễn trách nhiệm hình sự cho ông.
Sau khi vụ án được đình chỉ, VKSND Tối cao đã yêu cầu VKSND TP xem xét lại vụ án. Ông C. và những người dân bán đất cũng liên tục khiếu nại quyết định đình chỉ và cách thức giải quyết tiền đền bù. Vì vậy VKSND TP đang xem xét lại vụ án để giải quyết theo đúng thủ tục. Khi vụ án được xem xét lại quyền và nghĩa vụ của ông sẽ được giải quyết đúng pháp luật. Vì thế VKSND TP không tiến hành thương lượng để bồi thường cho ông như yêu cầu”.
Cũng từ sau văn bản trả lời này, mọi đơn từ yêu cầu bồi thường của ông Khẩn đều bị chựng lại, không ai trả lời.
Tháng 11-2004, ông Khẩn khởi kiện VKSND TP ra TAND TP, TAND TP chuyển đơn kiện về TAND quận Bình Tân nhưng tòa quận này không thụ lý. Sau khi ông Khẩn khiếu nại, đầu năm 2005 chánh án TAND TP có công văn chỉ đạo TAND quận Bình Tân phải thụ lý đơn kiện. Nhưng mãi đến tháng 5-2008, TAND quận này mới chính thức có công văn trả lời cho ông Khẩn theo hướng không thụ lý vì chưa đủ điều kiện khởi kiện. TAND quận lấy lý do là vụ án đang được VKSND TP xem xét lại, nếu giải quyết xong quyền và nghĩa vụ của ông Khẩn sẽ được giải quyết đúng pháp luật. Trong văn bản từ chối thụ lý, tòa quận còn hướng dẫn ông Khẩn liên hệ với VKSND TP để biết kết quả giải quyết lại. Tuy nhiên, đến nay VKSND TP vẫn chưa thông báo kết quả giải quyết lại cho ông Khẩn. Vì vậy, vô hình trung ông Khẩn vẫn chưa được xem xét bồi thường oan.
Sổ tay Khi nào là khi nào? Có thể nói ngay rằng trường hợp của ông Nguyễn Văn Khẩn bị oan rõ rành rành. Ấy thế nhưng không hiểu sao cơ quan tố tụng, cụ thể là VKSND TP.HCM, lại cứ dây dưa không chịu giải quyết bồi thường oan cho ông. Ngoài việc gửi đơn yêu cầu bồi thường đến VKSND TP, ông Khẩn còn gửi đơn kêu cứu đi khắp nơi, trong đó có Ủy ban Pháp luật của Quốc hội để “tố” nỗi oan và thái độ né tránh của cơ quan có thẩm quyền. Và đã hai lần Ủy ban Pháp luật của Quốc hội có công văn yêu cầu VKSND Tối cao giải quyết và báo cáo kết quả. Nhưng trong công văn phúc đáp lại, VKSND Tối cao lại vẫn trả lời rằng: “VKSND TP.HCM đang xem xét lại vụ việc, khi nào giải quyết xong sẽ báo cáo…”. Đọc văn bản trả lời của VKSND Tối cao, một câu hỏi không thể không bật ra là “Khi nào là khi nào?”. Bởi lẽ vụ án được đình chỉ từ năm 1997, đến năm 2004 (tức sau bảy năm) thì VKSND TP.HCM mới cho biết là “đang xem xét lại” và mãi đến nay, sau 10 năm kể từ ngày viện này nói “đang xem xét lại”, ông Khẩn vẫn chưa hề nhận được văn bản thông báo nào về kết quả của cái sự xem xét lại ấy. Vậy thì đến bao giờ cái kết quả xem xét lại ấy mới có? 10 năm hay 10 năm sau nữa? Hay đến khi ông Khẩn - người bị oan - nhắm mắt xuôi tay? Đã hỏi thì phải hỏi cho trót, rằng không biết từ đó đến nay VKSND TP đã có động thái nào trong hoạt động tố tụng hay phi tố tụng để thực hiện cái gọi là “xem xét lại vụ án” hay không. Bởi ông Khẩn cho biết nhiều năm qua VKSND TP chưa một lần mời ông đến để thông báo diễn tiến “xem xét lại vụ án” hay để lấy lời khai nhằm phục vụ cho việc xem xét lại ấy. Trong hoạt động tố tụng, oan sai là chuyện không ai muốn nhưng thực tiễn vẫn luôn xảy ra, có khi do yếu tố khách quan, có khi do sự non kém nghiệp vụ của cán bộ tố tụng. Vì vậy, Nhà nước buộc phải dự liệu trường hợp này bằng việc ban hành Nghị quyết 388 (và sau này là Luật Trách nhiệm bồi thường Nhà nước) để đảm bảo người bị oan phải được bồi thường, xin lỗi kịp thời, xoa dịu phần nào nỗi đau và tổn thất do cơ quan tố tụng gây ra cho họ. Nhưng có vẻ như trong vụ của ông Khẩn, cơ quan tố tụng đã không thực hiện đúng tinh thần cầu thị, sửa sai của cơ quan đã gây ra nỗi oan cho ông. SONG NGUYỄN |
SONG NGUYỄN