Dạy Hoàng Sa - Trường Sa cho học sinh

Nhiều cử tri gửi tới kỳ họp Quốc hội khóa XIII (khai mạc hôm qua, 21-5) kiến nghị: Ngành giáo dục nên nghiên cứu đưa chủ quyền về Hoàng Sa - Trường Sa vào chương trình giảng dạy nhằm nâng cao nhận thức bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia của thế hệ trẻ.

Lớp 5 đã rành rọt về biển đảo

Một ngày đầu tháng 5, các em học sinh (HS) lớp 5A Trường Tiểu học số 2 An Vĩnh, huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) được thầy giáo Trần Duy Phúc nói chuyện về biển, đảo quê hương, về Hoàng Sa - Trường Sa trong giờ học lịch sử địa phương. Cầm trên tay những hình ảnh trong Âm Linh Tự, nơi thờ tự các bậc tiền hiền từng có công ra Hoàng Sa - Trường Sa, hình ảnh về lễ khao lề thế lính Hoàng Sa, thầy Phúc kể cho các em nghe câu chuyện về biển, đảo.

Tưởng rằng một học trò lớp 5 chỉ có thể hiểu và dừng lại ở câu trả lời “Hoàng Sa - Trường Sa là của Việt Nam” nhưng các em đã hiểu về hai quần đảo này chẳng khác những ngư dân thứ thiệt. “Hoàng Sa - Trường Sa là của Việt Nam. Con nghĩ vậy bởi vì ở Hoàng Sa - Trường Sa có những cột đá khắc tên của người Việt Nam. Ông bà của con ngày xưa đã ra Hoàng Sa và Trường Sa rồi. Bây giờ chúng ta phải có trách nhiệm giữ lại” - em Đặng Quốc Vinh, HS lớp 5A, đã trả lời rành rọt như vậy.

Dạy Hoàng Sa - Trường Sa cho học sinh ảnh 1

Một tiết dạy về chủ quyền biển, đảo cho HS bằng những hình ảnh sinh động. Ảnh: LUẬN NGỮ

Ngoài dạy lồng ghép trong các môn học, các trường học ở huyện Mộ Đức còn xây dựng bài giảng riêng cho tiết học về lịch sử địa phương, chẳng hạn “Nhân dân Quảng Ngãi bảo vệ chủ quyền quần đảo Hoàng Sa”.

Ở TP Quảng Ngãi, các trường tổ chức nhiều buổi học dã ngoại đưa HS đến Bảo tàng Tổng hợp Quảng Ngãi - nơi đặt 21 tảng đá san hô tượng trưng cho 21 đảo lớn, nhỏ ở Trường Sa số đảo này được Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân và nhân dân huyện đảo Trường Sa tặng để HS hiểu hơn về biển, đảo.

Khánh Hòa: Đã dạy từ ba năm trước

Năm 2009, Bộ GD&ĐT đã yêu cầu Khánh Hòa và Đà Nẵng tổ chức biên soạn tài liệu về lịch sử địa phương, trong đó đặc biệt chú trọng đến hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, để phục vụ cho việc dạy học. Cũng trong năm này, các trường phổ thông trong tỉnh đã thực hiện lồng ghép các thông tin về Trường Sa vào phần lịch sử địa phương qua các bài giảng.

Từ năm học 2010-2011, tỉnh này đã đưa kiến thức về Trường Sa vào chương trình giảng dạy địa lý và lịch sử địa phương dành cho HS lớp 5. Theo ông Hà Văn Thông, Phó Trưởng phòng Giáo dục tiểu học - Sở GD&ĐT tỉnh Khánh Hòa, trong quá trình giảng dạy, giáo viên sẽ minh họa thêm hình ảnh và chuyện kể về Trường Sa; yêu cầu HS xác định trên bản đồ vị trí của huyện Trường Sa. Để các em tiếp nhận kiến thức về Trường Sa thêm hiệu quả, nhà trường tổ chức cho HS viết thư thăm đồng bào và bộ đội Trường Sa; gửi sách báo tặng các bạn HS ở Trường Sa...

Mới đây, UBND tỉnh Khánh Hòa đã phê duyệt kết quả đề tài “Nghiên cứu, biên soạn tài liệu giảng dạy và học tập lịch sử Khánh Hòa ở trường phổ thông”. Hiện Sở GD&ĐT đang lên kế hoạch xuất bản công trình này làm sách giáo khoa lịch sử địa phương để đưa vào giảng dạy ở các trường  từ năm 2012-2013, trong đó có phần lịch sử, kinh tế-xã hội của huyện đảo Trường Sa.

Các nơi khác: Còn chờ Bộ

Việc giảng dạy về chủ quyền Hoàng Sa - Trường Sa hiện được thực hiện tại ba địa phương: Khánh Hòa, Quảng Ngãi, TP Đà Nẵng. Tuy nhiên, các tài liệu đều do Sở GD&ĐT địa phương nghiên cứu biên soạn, chưa có sự thống nhất từ phía Bộ GD&ĐT để dạy đại trà cho HS cả nước.

Ông Nguyễn Hào Hiệp, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Phú (TP.HCM), cho rằng: Bộ GD&ĐT nên đưa kiến thức về chủ quyền biển, đảo, đặc biệt là những mốc lịch sử Trường Sa - Hoàng Sa, tùy lứa tuổi, cấp học để dạy cho HS. Bộ cần quy định số tiết, nội dung chương trình. Hiện nhà trường chỉ dạy về Trường Sa - Hoàng Sa qua các tiết ngoại khóa, các chương trình biểu diễn văn nghệ về biển, đảo hay xem các chương trình qua tivi, mạng Internet.

Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình cho rằng nên giảng dạy về kiến thức và thông tin chính thống về Hoàng Sa và Trường Sa đại trà cho HS trên toàn quốc. Hiện chưa có chương trình từ phía Bộ GD&ĐT nên ngành giáo dục An Giang mua bộ tài liệu về biển, đảo có nói về Hoàng Sa và Trường Sa phôtô để phổ biến cho các trường giảng dạy để HS ý thức đúng về chủ quyền biển, đảo quê hương.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Hoài Chương, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM, cho rằng không nên tùy tiện dạy về Trường Sa - Hoàng Sa vì chúng ta đã khẳng định chủ quyền trên bản đồ Việt Nam rồi. Vấn đề, góc nhìn về lịch sử về đường lối, chính trị, ngoại giao đối với hai quần đảo này cần có tài liệu chính thống từ trung ương.

Bộ GD&ĐT đang nghiên cứu, soạn thảo, lấy ý kiến giới chuyên môn và hội đồng khoa học để đưa nội dung về quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa vào giảng dạy trong sách giáo khoa từ cấp tiểu học đến cấp THPT. Cụ thể, cấp tiểu học chỉ đơn thuần là giới thiệu tên các quần đảo này trong hệ thống biển, đảo của nước ta; đến lớp 8 (bậc THCS), phần nội dung kiến thức về tài nguyên biển, vị trí địa lý, địa phương nào quản lý hai quần đảo này vào sách giáo khoa địa lý. Bậc THPT, các bài học về vị trí, tài nguyên biển, các miền, phần khai thác kinh tế biển... kiến thức địa lý tự nhiên về Hoàng Sa và Trường Sa được đưa vào sách giáo khoa địa lý của các lớp.

Ông VŨ ĐÌNH CHUẨN,Vụ trưởng Vụ THPT (Bộ GD&ĐT)

L.NGỮ - T.NGUYỄN - Q.VIỆT

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm