Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Phan Đức Hiếu đã nói như vậy tại Hội thảo “Điểm lại pháp luật kinh doanh 6 tháng đầu năm 2018” diễn ra ngày hôm quay. Hội thảo do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức.
Do ý kiến các doanh nghiệp (DN), hiệp hội DN khá nhiều, mãi gần 12 giờ, ông Hiếu mới đến lượt phát biểu.
Đầu tiên, ông Hiếu trích dẫn Điều 4 trong Nghị định 49/2018 quy định về kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp. Theo ông Hiếu, đây là một trường hợp tiêu biểu cho “sự lo lắng” của các nhà hoạch định chính sách.
Nội dung của Điều 4 Nghị định 49/2018 là điều kiện cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp đối với tổ chức trong nước là đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp
Theo đó, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp trong lĩnh vực kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp “Được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam”.
Có những điều hiển nhiên nhưng nghị định vẫn quy định nhưu: “Có trụ sở ổn định trong thời gian ít nhất hai năm; có đủ phòng làm việc cho kiểm định viên với diện tích tối thiểu là 8 m2/người; có đủ trang thiết bị phục vụ hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp”.
“Chưa yên tâm, Nhà nước lại quy định “Người trực tiếp phụ trách hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu theo quy định tại Điều 6 nghị định này”, ông Hiếu nói.
Rồi ông tiếp: “Vẫn chưa yên tâm, phải có thêm quy định “có ít nhất 10 kiểm định viên làm việc toàn thời gian theo hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc tối thiểu từ 12 tháng trở lên cho tổ chức kiểm định”.
Nhưng như vậy, theo ông Hiếu, có vẻ cơ quan quản lý nhà nước vẫn “chưa thực sự yên tâm”, nên phải quy định “Có trang thông tin điện tử của tổ chức kiểm, định trong đó có nội dung, cơ sở dữ liệu phục vụ hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp”.
“Không phải truyện cười mà là nghị định hẳn hoi”, ông Hiếu nói.
Theo Viện phó CIEM, đây chính là một trong những ví dụ tiêu biểu cho “nguy cơ những điều kiện kinh doanh được cắt bỏ quay trở lại. Ông Hiếu lý giải: những tiêu chuẩn của kiểm định viên này đặt ra vấn đề: Ai sẽ làm! Tư duy lối mòn là muốn có những tiêu chuẩn đó thì phải đi học. Đi học rồi thì Sở GD&ĐT cấp sẽ cấp chứng chỉ. Vậy đi học mấy tháng? Phải sáu tháng cho nó… oai!
Ông Phan Đức Hiếu cho rằng: Quản lý nhà nước đang dựa trên sự nghi ngờ. Bên cạnh đó còn là năng lực hoạch định chính sách không có. Ảnh: CHÂN LUẬN
Ông Hiếu đồng ý với bà Phạm Chi Lan phát biểu trước đó cho rằng: Quá trình lập pháp và hoạch định chính sách đang dựa trên sự nghi ngờ. “Tôi nói hơi quá nhưng năng lực làm chính sách của các bộ không có, thiếu kiến thức về kinh tế thị trường và và kỹ năng “copy” các văn bản là rất cao…”, ông Hiếu nói.
Viện Phó CIEM nêu kinh nghiệm “một đổi một” ở các nước rằng: Nếu Nhà nước muốn ban hành một ĐKKD thì anh phải bỏ đi một ĐKKD hiện hành. Thậm chí ông Hiếu còn trích dẫn lý thuyết “mặt trời lặn” và cho hay đã từng đề xuất áp dụng lý thuyết này. Cụ thể, theo ông Hiếu, nếu ba năm mà cơ quan quản lý nhà nước không đánh giá được ĐKKD thì ĐKKD ấy mặc nhiên mất hiệu lực.
“Đã đến lúc chúng ta không thể kêu gọi sự chủ động, tích cực, nhiệt tình, vì DN… của các cán bộ, công chức hoạch định chính sách được nữa”, ông Hiếu nói.
Ngỏ lời với các DN, ông Hiếu nói: “Tôi thấu hiểu DN khổ cực thế nào. Tôi khuyên DN đi kinh doanh thì đừng đọc ĐKKD, cứ kinh doanh đã. Bởi nếu đọc ĐKKD thì không còn nhiệt huyết, tâm trí mà kinh doanh đâu”.