Đây là lý do ai nuôi chó cũng phải đi tiêm phòng

Ngày 20-5 tới đây, Nghị định 41/2017 sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thủy sản, lĩnh vực thú y… có hiệu lực. Các mức phạt như bơm nước vào heo, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, không tiêm phòng bệnh dại cho chó… đều tăng lên rất nhiều.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, bà Nguyễn Thị Kim Anh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ NN&PTNT), người trực tiếp chỉ đạo soạn thảo đã lý giải về cơ sở tăng các mức phạt.

Phạt 200 triệu đồng/ chất cấm trong chăn nuôi

Bà Kim Anh cho rằng bản chất của việc tăng mức xử phạt lên nhằm ngăn chặn, răn đe đối với các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân làm ăn dối trá gây ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của người dân và cộng đồng. Từ thực tế xảy ra trong thời gian vừa qua là căn cứ để đưa vào nghị định mức xử phạt hành chính nhằm ngăn chặn các cá nhân trước khi thực hiện hành vi vi phạm của mình.

Theo bà Kim Anh, những hành vi bị phạt nặng hơn so với trước đây là hành vi buôn bán, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi (sabutamol, vàng ô…); sử dụng chất kháng sinh, thuốc thú y trong nuôi trồng thủy hải sản; không tiêm phòng bệnh dại cho chó...

Heo được nuôi bằng thức ăn có chất tăng trọng, tạo nạc cysteamine tại một hộ gia đình ở TP.HCM. Ảnh: TN

“Thời gian qua hành vi vi phạm sử dụng chất cấm trong chăn nuôi diễn biến rất phức tạp, xảy ra trên diện rộng đã gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng. Để hạn chế các hành vi này cần phải có mức xử phạt nặng. Cụ thể, nếu cá nhân nào sử dụng chất cấm trong chăn nuôi heo bị xử phạt hành chính lên đến 70 triệu đồng/chất cấm. Phát hiện trong vật nuôi có bao nhiêu chất cấm thì cứ theo đó nhân lên số tiền phạt. Đối với doanh nghiệp, công ty sản xuất, kinh doanh chất cấm bị xử phạt mức tối đa là 200 triệu đồng/chất cấm.

Ngoài ra, nếu ai cố tình đưa nước hoặc chất khác vào động vật trước và sau khi giết mổ sẽ phải chịu mức phạt tăng gấp 4-5 lần. Mức xử phạt tối đa 6 triệu đồng và có thể lên đến 30 triệu đồng, như hành vi bơm nước vào heo bán kiếm lời” - bà Kim Anh cho biết.

Không tiêm phòng bệnh dại cho chó: Phạt 3 triệu đồng

Nói về lý do tăng mức xử phạt đối với việc không tiêm phòng bệnh dại, bà Kim Anh nhận định: “Việc nuôi chó ở Việt Nam khá phổ biến, bệnh dại có thể gây ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng đối với con người. Vì thế việc tăng mức xử phạt thật cao trước mắt là để ngăn chặn bệnh dại, đảm bảo tính răn đe, tuyên truyền đối với người nuôi chó, đồng thời nâng cao trách nhiệm của mỗi gia đình có vật nuôi đối với cộng đồng”.

Bà Kim Anh cũng cho biết theo Nghị định 41/2017, chủ vật nuôi không thực hiện các biện pháp phòng bệnh dại bắt buộc đầu tiên sẽ bị phạt cảnh cáo từ mức 500.000 đồng nhưng nếu cố tình không thực hiện tiêm phòng bệnh dại sẽ bị xử phạt hành chính tối đa 3 triệu đồng. Hơn nữa, đối với những người có chó bị bệnh dại chết mà ném, xả thải mang mầm bệnh ra môi trường, cộng đồng thì cũng sẽ bị xử phạt 2-3 triệu đồng.

Ngoài ra, theo bà Kim Anh, đối với người nuôi trồng thủy sản sử dụng kháng sinh, chất dư lượng kháng sinh trong vật nuôi (ví dụ nuôi tôm) nó không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng mà còn ảnh hưởng đến việc xuất khẩu. Mức xử phạt cho mỗi hành vi vi phạm trong nuôi trồng thủy sản là 20-30 triệu đồng.

Nghị định 41/2017 sẽ có hiệu lực từ ngày 20-5 tới đây, các mức xử phạt đã được quy định rất rõ, cụ thể, nếu cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức nào vi phạm đều bị xử lý nghiêm. Sức khỏe của người dân phải được đặt lên hàng đầu.

NGUYỄN THỊ KIM ANH,
Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ NN&PTNT

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm