Trị thực phẩm bẩn, cách nào?

Chủ đề trị thực phẩm bẩn liên quan đến việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội bàn về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS 2015 đang được dư luận quan tâm. Theo Điều 317 về tội vi phạm về an toàn thực phẩm (ATTP) chỉ cần hành vi vi phạm (không cần hậu quả) là bị xử lý, trong khi phương án sửa đổi điều luật này thì lại đưa ra điều kiện phải có thu lợi lớn hoặc gây hậu quả. Nhiều ý kiến ủng hộ quy định cũ nhưng nhiều người lại cho rằng cả hai phương án đều không khả thi.

Nên giữ lại điều luật

Kiểm sát viên Trần Minh Sơn (VKSND quận Gò Vấp, TP.HCM) cho rằng nên giữ lại Điều 317 BLHS 2015 nhưng bổ sung thêm. Cụ thể là quy định rõ hơn về định lượng sử dụng chất cấm trong sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản hoặc kinh doanh thực phẩm mà biết là có sử dụng chất cấm. Từ đó làm cơ sở phân định rõ hơn như vi phạm đến mức nào thì chế tài phạt hành chính hay phạt tù. Ông Sơn nói: “Nếu theo phương án là phải có tổn hại sức khỏe mới xử lý hình sự thì rất khó chứng minh. Nói cách khác quy định như vậy khả năng sẽ không xử lý được ai. Giống như tội vi phạm về chế độ hôn nhân một vợ, một chồng trong BLHS 1999, mấy chục năm không xử lý được vụ nào”.

Luật sư (LS) Nguyễn Thế Cương (Đoàn LS TP.HCM) ủng hộ việc giữ lại điều luật. Theo đó, nếu quy định theo hướng giảm nhẹ như dự thảo sửa đổi thì không đủ sức răn đe trong bối cảnh ATTP đang nhiều biến động. Thực phẩm bẩn đang là vấn nạn gây hoang mang dư luận, từ thành thị đến nông thôn, từ người làm văn phòng đến bà nội trợ. Việc sử dụng hoặc kinh doanh thực phẩm bẩn để trục lợi ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và tính mạng người tiêu dùng. Nó còn để lại những di chứng lâu dài đó là các loại bệnh ung thư không ai biết trước. Tính chất nguy hiểm càng lớn khi người dùng không biết nó có độc, cứ vô tư sử dụng, khi phát bệnh thì đã muộn. Do đó để nghiêm trị và răn đe các hành vi này thì không nên quy định dễ dãi trong xử lý.

“Điều 317 BLHS 2015 là tiến bộ phù hợp thực tế, quy định tại dự thảo là một bước lùi trong cuộc đấu tranh chống thực phẩm bẩn” - LS Trịnh Công Minh (Đoàn LS TP.HCM) nhấn mạnh. Theo LS Minh, người sử dụng các chất cấm trong sản xuất, chế biến thực phẩm thường biết rõ tính độc hại của nó. Nhưng vì chưa có chế tài đủ mạnh nên họ vẫn xem thường sức khỏe, tính mạng người khác. Bởi thế khi phát hiện phải bị xử lý nghiêm, không cần đợi hậu quả xảy ra như ý tứ trong dự thảo. Có như vậy thì những người đã, đang và có ý định chế biến thực thẩm bẩn mới biết run sợ, việc đấu tranh chống thực phẩm bẩn sẽ hiệu quả hơn.

Cơ quan chức năng đang kiểm tra một cơ sở kinh doanh thực phẩm bẩn tại TP.HCM. Ảnh: TRẦN NGỌC

Cứ vi phạm vì lợi nhuận là xử?

Trong khi đó, TS Đỗ Văn Đương (Phó Trưởng ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội) nói: “Theo tôi phải sửa lại cả Điều 317 BLHS 2015 và quy định trong dự thảo vì cả hai đều xa rời thực tế, không xử lý được ai”. TS Đương phân tích chúng ta không nên dùng hậu quả để làm căn cứ xử lý hình sự trong tội này. Vì như nhiều người đã nói hậu quả của hành vi này là những cái chết từ từ không xảy ra ngay. Do đó phải căn cứ vào quy mô và tính chất của hành vi sản xuất, buôn bán và sử dụng hóa chất, chất cấm hoặc chất không rõ nguồn gốc. Ngoài ra cần dựa vào dung tích, trọng lượng, khối lượng và tính chất độc hại cụ thể để quyết định xử lý hành chính hay hình sự. Còn hành vi dẫn đến hậu quả gây thương tích hoặc chết người chỉ nên coi là tình tiết để quyết định khung hình phạt. Bởi hóa chất có lượng độc khác nhau mà gắn với hậu quả xảy ra thì không thực tế, khó chứng minh.

Cũng theo TS Đương, nên bỏ yếu tố thu lợi bất chính từ 50 triệu đến dưới 100 triệu đồng để làm căn cứ xử lý. Cách tốt nhất là quy ra tính chất độc hại của hóa chất vì có những loại rất rẻ nhưng lại cực độc có thể dẫn đến chết người. Nếu BLHS không quy định cụ thể được ngay thì để các bộ liên quan có thông tư hướng dẫn. Chẳng hạn, hóa chất hòa vào nước lã thành rượu mà lượng methanol gấp nhiều lần cho phép thì chỉ cần giám định được dung tích bao nhiêu là xử lý. Không cần yếu tố là người dùng đã uống bao nhiêu hoặc người pha hóa chất độc hại đã bán hay chưa.

Đồng tình, một thẩm phán chuyên xử hình sự TAND TP.HCM lập luận nếu giữ nguyên Điều 317 BLHS 2015 thì sẽ hình sự hóa quá nhiều trường hợp. Còn nếu đòi phải chứng minh hậu quả xảy ra như dự thảo sửa đổi thì khó xử lý loại tội này.

Vì thế nên quy định theo hướng dùng chất cấm nhằm thu lợi bất chính ở một khoản tiền nhất định hoặc theo trị giá hàng vi phạm là cấu thành tội. Chỉ cần chứng minh được người sử dụng chất cấm vì mục đích lợi nhuận là xử lý, không cần chứng minh hậu quả. Thực tế cho thấy dù là nông dân trồng rau hay nuôi heo thì cũng thừa biết việc dùng chất cấm là vi phạm, không thể nói là thiếu kiến thức. Nhưng vì lợi nhuận và tâm lý người khác dùng được thì mình cũng dùng khiến họ bất chấp hậu quả xảy ra.

Trung Quốc: Có thể bị tử hình

Luật ATTP của Trung Quốc quy định đối tượng liên quan tới thực phẩm bẩn bị xử lý từ rút giấy phép kinh doanh, phạt tiền đến truy cứu trách nhiệm hình sự. Chẳng hạn Tập đoàn sữa Tam Lộc với bê bối trong sữa có hóa chất melamine khiến ít nhất sáu trẻ nhỏ tử vong và hàng trăm ngàn trẻ em khác phải nhập viện từ năm 2008 đến 2014. Chủ tịch tập đoàn này đã bị tòa kết án tù chung thân, hai đối tượng khác bán sữa có hóa chất của tập đoàn thì bị kết án tử hình.

Một số quốc gia Đông Nam Á cũng có những quy định nghiêm ngặt về hành vi liên quan đến thực phẩm bẩn. Luật pháp Thái Lan quy định xử phạt 2-10 năm tù và bị phạt tiền tới 30 triệu đồng đối với đối tượng sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn. Hành vi này tại Indonesia phải chịu mức phạt tù đến năm năm và phạt tiền đến 1 tỉ đồng.

AN MIÊN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm