Đây là lý do Bangladesh tới tấp nhận đơn hàng, công ty Việt 'thua đau'

(PLO)- Hơn 50% doanh nghiệp Bangladesh đã có các chứng nhận liên quan đến hệ thống xanh bền vững và thẩm định khí thải nhà kính, trong khi Việt Nam phải chờ đến năm 2050 mới có Nghị định hướng dẫn chính thức

Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao (HVNCLC) vừa tổ chức hội thảo “Tiêu chuẩn và phát triển bền vững xu hướng chuyển đổi xanh của thị trường”.

"Thua đau" vì không xanh

Ông Nguyễn Huy, chuyên gia đánh giá chứng nhận tiêu chuẩn phát triển bền vững (PTBV) Công ty Intertek Việt Nam cho biết, đơn hàng ngành dệt may, da giày giảm mạnh. Bình thường một tháng có khoảng 100 doanh nghiệp đăng kí đánh giá tiêu chuẩn về môi trường nhưng gần đây tỉ lệ này giảm còn 50%.

“Ngành thủy sản bị tác động cực kỳ nặng. Mới đây có doanh nghiệp liên lạc xin lỗi dừng đăng kí đánh giá do từ Tết đến nay không có đơn hàng nào, phải dừng sản xuất. Khảo sát thực tế tại kho lạnh của các doanh nghiệp, hàng thủy sản chất đầy đến nỗi không thể sản xuất tiếp ”- ông Huy kể.

Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội doanh nghiệp HVNCLC cho biết, cách đây hai tháng trong buổi họp với 20 hiệp hội ngành hàng lớn, lãnh đạo Hiệp hội dệt may cũng than thở: bao nhiêu năm làm xuất khẩu, chưa năm nào đến thời điểm này, doanh nghiệp vẫn chưa có đơn hàng quý III, quý IV.

Trong đó, có ý kiến cho rằng do khó khăn chung kinh tế thế giới, tuy nhiên một số nước như Bangladesh đơn hàng vẫn nhận không hết.

“Tôi về tìm tài liệu và được biết họ đã làm tiêu chuẩn xanh chặt chẽ. Trong khi đó, hiện nay ngành dệt may, da giày của Việt Nam chưa có nhà máy nào đạt tiêu chuẩn xanh. Đây là thách thức mà Việt Nam chưa được quan tâm”- bà Hạnh nói.

Ông Nguyễn Văn Viện, Trưởng phòng đánh giá chứng nhận và môi trường Công ty Intertek cho biết, muốn PTBV trước tiên doanh nghiệp phải tồn tại. Tuy nhiên, giai đoạn này hàng loạt doanh nghiệp tại Việt Nam rơi vào cảnh tìm kiếm đơn hàng từng tuần, thậm chí phá sản.

Ông dẫn chứng, giai đoạn 2021-2022 có hàng chục doanh nghiệp trong số vài trăm khách hàng của công ty phải phá sản. Sau COVID-19 công ty mong doanh nghiệp có được nhiều đơn hàng hơn nhưng lại gặp một vấn đề khác.

Cụ thể, trước năm 2020 xu hướng toàn cầu trong chuỗi cung ứng là global license (toàn cầu hóa) nhưng sau năm 2021-2022, Mỹ là quốc gia đầu tiên hướng đến local license -đưa đơn hàng về lại sản xuất tại chính quốc gia đó.

Theo xu hướng này, Mỹ hỗ trợ cho các nhãn hàng, doanh nghiệp điện - điện tử, công nghệ thông tin chuyển dịch toàn bộ sản xuất về lại Mỹ. Dẫn đến doanh nghiệp Việt khan hiếm đơn hàng, giảm đơn hàng.

Trong dệt may, họ đầu tư các nhà máy ở Đức, Tây Ban Nha áp dụng công nghệ “chỉ cần dệt là ra áo” chứ không cần công nhân may. Đa phần dòng sản phẩm hướng đến như áo len. Nghĩa là họ sản xuất cực kì cơ bản nên dễ chuyển dịch sản xuất về ngược lại các quốc gia phát triển.

Đây là lý do Bangladesh tới tấp nhận đơn hàng, công ty Việt 'thua đau' ảnh 1

Người tiêu dùng mua thực phẩm tại Phiên chợ xanh tử tế thứ 300

Việt Nam chờ đến năm 2050 mới có hướng thẩm định khí thải nhà kính

Theo bà Hạnh, Việt Nam cam kết đến năm 2050 đưa phát thải khí nhà kính bằng 0, vì vậy doanh nghiệp không nên ngộ nhận còn nhiều thời gian để thực hiện.

Theo các chuyên gia Intertek, chương trình PTBV có một khái niệm là Sustainable Development Goals (mục tiêu PTBV) do Liên Hiệp Quốc xây dựng, được công nhận 190 quốc gia trên thế giới, có 17 mục tiêu để xây dựng PTBV cho toàn cầu. Trong đó, các vấn đề nước sạch, đến môi trường…

Thời gian qua, khi xuất khẩu ra thị trường quốc tế các nhãn hàng yêu cầu doanh nghiệp có đánh giá về trách nhiệm xã hội. Họ bổ sung thêm sản phẩm có truy xuất nguồn gốc và hướng đến PTBV như sản phẩm dệt may hữu cơ, dệt may tái chế; thực phẩm phải có chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc.

Báo cáo tài chính của doanh nghiệp cũng phải minh bạch và năng lực của doanh nghiệp rất quan trọng. Trong báo cáo này, doanh nghiệp cung cấp việc xây dựng công trình xanh, chương trình bảo vệ môi trường, chương trình phát triển năng lượng và phát thải.

Đây là những yếu tố các nhãn hàng quyết định đặt hàng sản xuất tại Việt Nam hay Ấn Độ, Bangladesh. Theo ông Viện, Ấn Độ làm PTBV từ năm 2015, Bangladesh đã làm từ năm 2018.

Đến nay Bangladesh có hơn 30% doanh nghiệp dệt may, các công ty gia công đạt được chứng nhận nhà xưởng xanh, hơn 50% có các chứng nhận liên quan đến hệ thống xanh bền vững và thẩm định khí thải nhà kính, thẩm định khí thải ở cấp độ 3.

"Trong khi đó, ở Việt Nam riêng thẩm định khí thải nhà kính còn đang chờ đến năm 2050 có Nghị định hướng dẫn chính thức. Chúng ta gần như đang chờ cơ chế nhưng đơn hàng không thể chờ", ông Viện nói.

Chỉ riêng chứng nhận nhà xưởng xanh mất gần 2 tỉ đồng

Theo ông Viện, để các tổ chức quốc tế chứng nhận là nhà xưởng xanh chi phí 600 triệu/ lần đánh giá, phần tư vấn 1-1,2 tỉ đồng.

"Nhiều doanh nghiệp cho rằng, chưa có đơn hàng nào đã phải bỏ rất nhiều chi phí nhưng từ nay đến năm 2050 nếu doanh nghiệp không làm gì cả sẽ mất khách hàng. Đặc biệt, ngành thực phẩm, phi thực phẩm, các nhãn hàng sẽ chuyển những nước có chế độ phúc lợi tốt hơn, mặt bằng lương thấp hơn Việt Nam”-ông Viện nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm