Phát triển kinh tế xanh, tránh việc "tăng trưởng trước, dọn dẹp sau"

(PLO)- Theo Thủ tướng, tăng trưởng xanh cần có lộ trình phù hợp, tính đến điều kiện và năng lực khác nhau của từng vùng miền, địa phương và doanh nghiệp.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng nay, 19-3, diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên 2023 - phiên cấp cao với chủ đề "Doanh nghiệp đồng hành cùng Chính phủ trong thúc đẩy tăng trưởng xanh" đã diễn ra tại Hà Nội.

Phát biểu chỉ đạo tại diễn đàn, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, tăng trưởng xanh là một chủ trương lớn và quan trọng của Việt Nam nhằm đảm bảo phát triển kinh tế nhanh, hiệu quả, bền vững và góp phần quan trọng thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2030.

Do đó, phải kêu gọi đoàn kết, hợp tác quốc tế, trên tinh thần chân thành, tin cậy, hiệu quả.

"Phát triển hôm nay nhưng phải nghĩ đến tương lai con cháu sau này; phát triển mang lại thu nhập cho người dân nhưng phải bảo đảm sức khỏe cho người dân", Thủ tướng nói.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Việt Nam quyết tâm giảm chi phí cho doanh nghiệp nhưng không chấp nhận tăng trưởng bằng mọi giá. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Việt Nam quyết tâm giảm chi phí cho doanh nghiệp nhưng không chấp nhận tăng trưởng bằng mọi giá. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Việt Nam đang tập trung cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, trong đó khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng, tài nguyên dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ và chuyển đổi số. Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng xanh, bền vững, đặc biệt lưu ý về quy hoạch phát triển điện lực quốc gia để phát triển năng lượng bền vững; đảm bảo quá trình chuyển đổi xanh theo nguyên tắc bình đẳng, bao trùm.

Cùng với đó, phát triển kinh tế xanh cần được triển khai quyết liệt ở cấp độ quốc gia, khu vực và toàn cầu. Lấy con người là trung tâm, chủ thể, vừa là nguồn lực vừa là động lực quan trọng nhất và là mục tiêu cao nhất của sự phát triển, nhất là trong phát triển xanh. Tránh tình trạng "tăng trưởng trước, dọn dẹp sau"; không chấp nhận phương thức tăng trưởng bằng mọi giá, thiếu tính bền vững và càng không chạy theo tăng trưởng đơn thuần mà phải hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội và môi trường sống của người dân.

Theo Thủ tướng, tăng trưởng xanh cần có lộ trình phù hợp, tính đến điều kiện và năng lực khác nhau của từng vùng miền, địa phương và doanh nghiệp. Khuyến khích sự hưởng ứng và tham gia của tất cả các chủ thể trong xã hội, nhất là doanh nghiệp và người dân, thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa các dự án theo hình thức đối tác công - tư (PPP) trong tăng trưởng xanh.

Thủ tướng mong muốn nhà đầu tư tiếp tục đồng hành cùng Việt Nam vượt qua khó khăn, "khó khăn lâu dài thì có giải pháp lâu dài, khó khăn trước mắt thì có giải pháp trước mắt". Đồng thời, Thủ tướng mong muốn các nhà đầu tư, cộng đồng chú trọng xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa kinh doanh, góp phần phát triển nền văn hóa Việt Nam ngang tầm với kinh tế và chính trị.

Thủ tướng khẳng định Chính phủ Việt Nam tiếp tục cam kết mạnh mẽ, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp phát triển, cụ thể là tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Về thuế tối thiểu toàn cầu, Chính phủ đang bám sát thực tiễn, tham khảo kinh nghiệm các nước để sớm có chính sách phù hợp, phấn đấu ban hành ngay trong năm nay, tạo cơ hội cho doanh nghiệp nước ngoài hoạt động thuận lợi, đóng góp nhiều hơn cho Việt Nam nhưng không ảnh hưởng tới lợi ích của nhà đầu tư.

Thủ tướng cho biết các cơ quan sẽ tiếp tục giải quyết các vấn đề liên quan visa, giấy phép lao động theo hướng thuận lợi nhất. Ảnh: Minh Trúc

Thủ tướng cho biết các cơ quan sẽ tiếp tục giải quyết các vấn đề liên quan visa, giấy phép lao động theo hướng thuận lợi nhất. Ảnh: Minh Trúc

Chia sẻ thêm về những quan tâm của nhiều nhà đầu tư trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, Thủ tướng cho biết Việt Nam có tiềm năng lớn và cần phát triển ngành công nghiệp trong lĩnh vực này. Vừa qua, nhiều dự án điện gió, điện mặt trời đã được triển khai có hiệu quả nhưng có dấu hiệu phát triển “nóng”, có những dự án không đúng với quy hoạch, quy định hiện hành, giá cả không phù hợp.

Do đó, các bên phải ngồi lại, đàm phán lại về giá điện trên tinh thần không để ai thiệt thòi, "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ", bảo đảm giá điện phù hợp với điều kiện nền kinh tế và thu nhập của người dân.

Mặt khác, Thủ tướng cho biết Việt Nam đã thí điểm cơ chế mua bán điện trực tiếp và sẽ khuyến khích cơ chế này trong thời gian tới. Thủ tướng cũng đề nghị các đối tác hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi năng lượng bảo đảm công bằng, công lý với các khoản vay kéo dài hơn và lãi suất giảm đi.

Về một số vấn đề quan tâm, kiến nghị cụ thể của nhà đầu tư, Thủ tướng cho biết các cơ quan sẽ tiếp tục giải quyết các vấn đề liên quan visa, giấy phép lao động theo hướng thuận lợi nhất. Các cơ quan cũng đang đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Đấu thầu… và các quy định liên quan.

Hướng đi nào cho năm 2023?

Trước những chuyển biến lớn trên bình diện toàn cầu, ông Phạm Tấn Công (Chủ tịch VCCI) cho rằng, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cần quan tâm đến 3 xu hướng, bao gồm: Thứ nhất, xu hướng thích ứng tốt hơn. Việt Nam được đánh giá là một trong năm quốc gia dễ bị tổn thương nhất bởi biến đổi khí hậu, nên các hoạt động đầu tư kinh doanh cần phải chú trọng tăng cường khả năng thích ứng và chống chịu tốt hơn với những bất trắc và nguy cơ.

Thứ hai là xu hướng phát triển nhân văn hơn, vì con người hơn. Trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, chúng ta thấy một xu hướng rất rõ là quan tâm đến con người, quan tâm đến sức khoẻ hơn. Một số ngành nghề sẽ trở nên quan trọng hơn nữa như ngành y tế, chăm sóc sức khoẻ và các sản phẩm công nghệ cũng hướng đến phục vụ tốt hơn cuộc sống con người.

Thứ ba là xu hướng phát triển xanh hơn. Kinh tế xanh đang trở thành xu hướng phát triển chung trên thế giới, nhiều quốc gia đang theo đuổi mục tiêu vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vừa giải quyết những thách thức về ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu. Các thị trường quốc tế lớn như Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu đều đưa ra những tiêu chuẩn cao về sản phẩm “xanh”.

Đại biểu các nước tham dự diễn đàn sáng 19-3. Ảnh: Minh Trúc

Đại biểu các nước tham dự diễn đàn sáng 19-3. Ảnh: Minh Trúc

Các tổ chức quốc tế hiện nay ưu tiên vốn tín dụng cho các dự án xanh, thân thiện với môi trường. Theo đó, thu hút đầu tư nước ngoài thời gian tới của Việt Nam phải chú trọng chọn lọc các dự án có công nghệ thân thiện với môi trường, công nghệ cao. Cùng với đó, các doanh nghiệp cần tăng cường năng lực, điều chỉnh mô hình sản xuất kinh doanh để tiếp cận các thị trường, nguồn vốn tín dụng xanh.

Đồng tình với quan điểm cần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế xanh, ông Thomas Jacods - Giám đốc Quốc gia Tổ chức Tài chính Quốc tế nhận định, mô hình kinh tế xanh sẽ giúp giảm thiểu tác hại biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường, hiện thực hoá các mục tiêu Việt Nam sẽ trở thành nước thu nhập cao vào năm 2045 và các cam kết phát thải ròng bằng 0 đưa ra tại COP26.

Tuy nhiên, để phát triển nền kinh tế xanh, Việt Nam cần một nguồn vốn rất lớn, dự báo khoảng 6,3% GDP mỗi năm, để có được nguồn vốn này, Việt Nam cần vượt qua những rào cản thể chế, tạo thuận lợi để thu hút đầu tư tư nhân trong và ngoài nước đầu tư vào tăng trưởng xanh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm