PGS-TS Đào Văn Hùng - Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia, Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) sẽ trao đổi xoay quanh chủ đề này.
. Phóng viên:Hậu quả mà tín dụng đen gây nên trong đời sống xã hội hiện nay là rất lớn, vậy tại sao loại hình này đến nay vẫn tồn tại, thưa ông?
+ PGS-TS Đào Văn Hùng: Hình thức tín dụng đen đã xuất hiện từ rất lâu, không chỉ ở Việt Nam, mà ở cả các nước đang phát triển. Nhu cầu của hộ gia đình và cá nhân rất đa dạng, bản thân các tổ chức tài chính không có đủ mạng lưới cũng như sản phẩm, dịch vụ để cung cấp, đáp ứng các nhu cầu này.
Cạnh đó, những người không đủ điều kiện để tiếp cận các dịch vụ tài chính tiêu dùng của các định chế tài chính, khi cần kíp, buộc họ phải tiếp cận nguồn tín dụng đen. Hiện nay, có một giải pháp tín dụng có thể góp phần hạn chế tín dụng đen đó là tài chính tiêu dùng.
PGS-TS Đào Văn Hùng - Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia, Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư).
. Ông vừa nhắc đến nguồn vay tài chính tiêu dùng. Xin ông giải thích thêm về tài chính tiêu dùng và làm thế nào để nhân rộng mô hình cho vay này?
+ Hiểu một cách tổng quan, tài chính tiêu dùng là một dịch vụ tài chính cung cấp cho các cá nhân và các hộ gia đình nhằm thỏa mãn nhu cầu của họ về mua sắm hàng hóa, hàng tiêu dùng, các dịch vụ phi đầu tư. Nói đến tài chính tiêu dùng, người ta có thể hiểu đây là món vay nhỏ, thường tập trung vào các đối tượng dưới chuẩn - những nhóm người chưa đủ điều kiện để tiếp cận các định chế tài chính khác. Tài chính tiêu dùng thường là ngắn hạn, chi phí tài chính tiêu dùng khá cao.
Một vấn đề nữa theo tôi đó là hiểu biết của người dân về tài chính tiêu dùng. Không chỉ người dân ở nông thôn, ngay cả những người có thu nhập, có trình độ cao không phải ai cũng hiểu biết về các sản phẩm tín dụng tiêu dùng và dịch vụ cung cấp tài chính tiêu dùng.
Ngoài những lý do về phía khách hàng khiến cho dịch vụ tài chính tiêu dùng chưa phát triển, thì phải nhìn lại các định chế tài chính, các công ty tài chính cũng như các ngân hàng thương mại. Với tiềm năng (hơn 90 triệu dân) mà đến nay mới chỉ có sáu công ty về tài chính tiêu dùng và một số ngân hàng thương mại quan tâm tới dịch vụ này, điều đó quá ít so với nhu cầu hiện nay của người dân. Ngoài ra, bản thân các định chế tài chính này, việc quảng bá các sản phẩm của họ hiện nay mới chỉ ở khu vực đô thị, ven đô; khu vực nông thôn nơi phần lớn người dân ở trong diện “dưới chuẩn” vẫn chưa được biết đến. Do vậy, thời gian tới cần xem xét vấn đề trên cả hai phía, phía cung là các định chế tài chính, cầu là người dân.
. Nhu cầu vay vốn trong dân hiện nay rất lớn, nhất là nhu cầu mua sắm tiêu dùng của giới trẻ ngày một tăng. Theo ông đây có phải là mảnh đất màu mỡ để các công ty tài chính hoạt khai phá hay không?
+ Có thể nói rằng ngoài việc đáp ứng nhu cầu của người dân, tín dụng tiêu dùng còn có tác dụng khuyến khích sản xuất. So với các nước trong khu vực, hiện ở Việt Nam, tỉ lệ cho vay tín dụng tiêu dùng còn khá thấp; so với các nước đang phát triển và phát triển thì còn thấp hơn rất nhiều.
Do vậy, tiềm năng về tín dụng tiêu dùng ở Việt Nam vẫn còn rất lớn, định chế tài chính nào chớp được thời cơ, nhất là trong năm năm sắp tới, tôi tin rằng họ sẽ có cơ hội “thắng” là rất lớn!
. Để tạo điều kiện cho các công ty tài chính hoạt động hiệu quả cũng như tạo nên thị trường cạnh tranh lành mạnh, thu hút đông đảo người dân tham gia, hành lang pháp lý cần hoàn thiện ra sao, thưa ông?
+ Lý do vì sao tín dụng tiêu dùng ở Việt Nam chưa phát triển và các định chế tài chính cung cấp các dịch vụ tín dụng tiêu dùng hạn chế một phần là do chưa có khung khổ pháp lý trong lĩnh vực này. Hiện nay, về mặt pháp lý, chúng ta vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể về vay tiêu dùng cho các công ty tài chính, mới chỉ có một số hướng dẫn chung chung cho các sản phẩm về tài chính, thẻ tín dụng, cho vay trả góp. Riêng đối với công ty tài chính là hoàn toàn chưa có, cần sớm hoàn thiện “lỗ hổng” này.
. Xin cảm ơn ông.