Cho vay tiêu dùng là một hình thức rất phổ biến trên thế giới. Tại Việt Nam, dù chỉ mới phát triển trong vài năm gần đây nhưng nó cho thấy tiềm năng trong tương lai là rất lớn. Hoạt động cho vay tiêu dùng xuất hiện nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của các cá nhân. Bên cạnh đó, sự phát triển của cho vay tiêu dùng cũng cho thấy hoạt động này còn mang lại những tác động tích cực cho toàn xã hội. Dưới đây là một số trao đổi của PV với TS Nguyễn Minh Phong xung quanh sự phát triển của loại hình cho vay này.
TS Nguyễn Minh Phong.
Ưu thế của cho vay tiêu dùng
. Phóng viên: Thời gian qua, thị trường tài chính tiêu dùng phát triển khá sôi động, đáp ứng nhu cầu của một bộ phận rất đông người dân cần các khoản chi tiêu nhỏ mà chúng ta đều biết những khoản vay này thường rất khó tiếp cận vốn ngân hàng bởi thủ tục, tài sản thế chấp... Ông đánh giá như thế nào về những ưu thế cũng như tiềm năng của thị trường này?
+ TS Nguyễn Minh Phong: Thực ra vấn đề này không mới vì thế giới đã làm rồi. Vừa qua tại Việt Nam, ngân hàng đã tung ra một số gói hỗ trợ tiêu dùng vi mô và một số quỹ nhưng tất cả còn đang thử nghiệm vì sau đó nợ xấu tăng lên. Ở nước ta cơ chế đòi nợ chưa được luật pháp hóa một cách đầy đủ nên rất dễ bị lạm dụng. Cho vay tiêu dùng vừa có tiềm năng nhưng phải thận trọng, nếu không sẽ mắc phải những gánh nặng nợ xấu giữa các công ty tài chính và người tiêu dùng.
. Vậy lợi ích cụ thể của cho vay tiêu dùng với đời sống người dân và xã hội là gì, thưa ông?
+ Cho vay tiêu dùng là loại hình tín dụng nhằm đáp ứng nhu cầu tài chính của người dân khi phát sinh những yêu cầu bất khả kháng hoặc ngoài dự liệu của họ. Trong bối cảnh kênh tín dụng ngân hàng khó tiếp cận, thủ tục rườm rà, cần tài sản thế chấp… thì cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính sẽ giúp người dân nhanh chóng có được nguồn tiền, hạn chế phải vay “tín dụng đen” hoặc phải dừng hoãn lại những nhu cầu mà không thể dừng hoãn được. Đồng thời nó tạo nên một năng lực tiêu dùng hỗ trợ phát triển thị trường.
Hạn chế nạn “tín dụng đen”
. Xin ông cho biết, lý do nào để kỳ vọng vào sự phát triển của thị trường tài chính tiêu dùng tại Việt Nam trong tương lai?
+ Trên thế giới, tín dụng tiêu dùng đã rất phát triển, tuy nhiên ở Việt Nam vẫn được đánh giá là đang ở giai đoạn tiềm năng, nhiều người dân chưa được tiếp cận và sử dụng các dịch vụ tài chính. Về tương lai của thị trường tài chính tiêu dùng tại Việt Nam, trước tiên phải khẳng định, thị trường này đang lên. Thứ hai, bộ phận giới trẻ đông thì nhu cầu tiêu dùng và quyết đoán tiêu dùng cũng cao hơn. Thứ ba, là thu nhập của người dân được cải thiện thì cũng làm tăng thêm nhu cầu cho thị trường này.
. Vậy theo ông, Nhà nước cần làm gì để thị trường cho vay tiêu dùng phát triển một cách lành mạnh, đúng hướng?
+ Cần và hết sức cần thiết, vì Nhà nước trở về với đúng vai trò của mình là tạo lập sân chơi và luật chơi để cho nó phát triển lành mạnh. Nếu cho vay tiêu dùng phát triển lành mạnh chính nó sẽ hạn chế nạn cho vay nặng lãi, “tín dụng đen”. Cho nên bên cạnh Luật Các tổ chức tín dụng, cần phải có các quy định riêng liên quan đến tín dụng tiêu dùng cũng như chế tài và xử lý các bên trong khuôn khổ pháp luật để nó không bị lạm dụng hoặc không tạo ra những hệ lụy.
. Xin cám ơn ông.
Việt Nam là quốc gia đang phát triển, nền kinh tế có tốc độ phát triển ổn định. Thời gian vừa qua, Chính phủ tiếp tục có nhiều nỗ lực cải thiện các thủ tục hành chính, thủ tục thuế quan, tạo những điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư nước ngoài yên tâm phát triển tại Việt Nam, thúc đẩy tốt hơn công tác thu hút các nhà đầu tư mới… Từ nền tảng đó, kết hợp với yếu tố dân số trẻ có tỉ lệ lớn tập trung nhiều ở các khu vực thành thị ngày càng gia tăng, nhu cầu mua sắm và tiêu dùng để cải thiện cuộc sống sẽ là điều kiện thuận lợi cho hoạt động cho vay tiêu dùng. Nhìn vào tốc độ hình thành rất nhanh các kênh tài chính tiêu dùng trong hệ thống ngân hàng và sự ra đời của hàng loạt công ty tài chính với rất nhiều dịch vụ đa dạng, chúng ta cũng đã thấy được tiềm năng của thị trường này.
(TS Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế)