Dạy và học trực tuyến: Trường đầu tư mạnh tay, trường gặp khó!

Gần hai tháng qua, hầu hết các trường học đã triển khai dạy học trực tuyến vì dịch COVID-19. Nhiều trường ngày càng đầu tư chất lượng và bắt buộc người học phải tham gia. Tuy nhiên, để việc dạy và học trực tuyến thực chất, công nhận được kết quả cho người học không phải đơn giản.

Đại học tăng tốc, phổ thông còn lúng túng

Sau một tháng triển khai dạy học trực tuyến, trên 90% giảng viên của Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM đã hưởng ứng thực hiện. Do đây là hình thức học bắt buộc nên gần như tất cả sinh viên phải theo học.

Phó Hiệu trưởng nhà trường, PGS-TS Nguyễn Đức Trung, cho hay thông qua hệ thống LMS, giảng viên và các lớp học phần đã tổ chức dạy online face-to-face thông qua ứng dụng Zoom meeting. Theo cách này, giảng viên và sinh viên có thể tương tác trực tiếp khi giảng bài, thuyết trình, thảo luận... như trên lớp học truyền thống.

Tuy nhiên, theo PGS-TS Trung, do điều kiện kết nối mạng ở mỗi nơi mỗi khác nên một số em bị gián đoạn khi học. Hơn nữa, do cũng mới thực hiện, nhà trường cũng chủ trương lùi việc thi của các em đến tháng 7 thay vì tháng 4. Để khi các em quay trở lại học ở trường, các thầy cô sẽ dạy một số buổi để hệ thống kiến thức giúp các em có kết quả tốt hơn.

Tương tự, Trường ĐH Luật TP.HCM cũng triển khai dạy trực tuyến bắt buộc ở tất cả môn học, ngành học, kể cả môn thể dục. Do đó, nhà trường không bố trí học bù hay học lại những bài đã dạy online. Trường chỉ tổ chức hệ thống, ôn tập kiến thức, giải đáp thắc mắc cho sinh viên trước khi kết thúc học phần.

Để việc dạy hiệu quả, nhà trường cũng yêu cầu giảng viên cần giảng dạy trực tuyến phải đảm bảo sự tương tác với sinh viên như giao bài tập, tiếp nhận bài, sửa bài, gợi mở, đưa ra các vấn đề thảo luận,...

Tại Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM), tất cả thầy cô đã thực hiện ghi hình những tiết giảng dạy tại phòng dạy học số hoặc thực hiện thông qua một số ứng dụng trực tuyến. Giảng viên sẽ thực hiện giảng dạy online theo thời khóa biểu của từng môn học và có thể thống nhất với người học để tăng cường vào những ngày nghỉ cuối tuần nhằm đảm bảo kế hoạch năm học vì tất cả giờ học online đều được tính vào giờ giảng chính thức. Tuy nhiên, không phải sinh viên nào cũng có điều kiện để học online nên nhà trường quyết định hỗ trợ mỗi sinh viên của trường 50.000 đồng cho việc tăng cường dung lượng tốc độ cao trên Internet.

Sinh viên Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM tự học tại thư viện và qua trực tuyến trong thời gian dịch COVID-19. Ảnh: TRƯỜNG THỊNH

Khó để công nhận kết quả học trực tuyến

Ở phổ thông, việc dạy trực tuyến cũng được nhiều trường triển khai nhưng còn gặp nhiều trở ngại.  

Ông Nguyễn Văn Đông, Hiệu trưởng Trường THPT Lý Thường Kiệt (Bình Thuận), cho biết dù trường đã triển khai dạy online nhưng qua theo dõi số lượng học sinh vào học rất ít. Có những môn có từ 5-10 em tham gia.

Theo ông Đông, để công nhận kết quả dạy trực tuyến rất khó với tình hình hiện nay của trường. Bởi nhiều em chưa có ý thức trong việc học, trừ những em có đam mê. Hơn nữa, điều kiện để học online không phải gia đình nào cũng có thể đáp ứng được. Giáo viên cũng khó có thể kiểm soát quá trình học của học sinh.

Đó cũng là thực tế tại Trường THPT Nguyễn Hữu Huân, TP.HCM khi triển khai dạy học trực tuyến.

Do đó, theo ông Phạm Phương Bình, Phó Hiệu trưởng nhà trường, việc công nhận kết quả dạy trực tuyến là điều cần thiết trong thời gian này vì chưa thể xác định được ngày nào học sinh sẽ trở lại trường. 

Thế nhưng muốn thực hiện, theo ông, thứ nhất là Sở GD&ĐT cần có sự chỉ đạo thống nhất về nội dung cũng như về chương trình dạy. Các trường cần xây dựng kế hoạch cụ thể thống nhất để sắp xếp thời gian học tránh mỗi giáo viên mỗi kiểu. Thứ hai, cần có quy định cụ thể một tiết học trực tuyến cần đảm bảo tiêu chí như thế nào, tránh nhà trường, giáo viên làm qua loa để chạy chương trình. Thứ ba, sở cần có hướng dẫn về kiểm tra, đánh giá xếp loại học sinh tương ứng vì hình thức này không giống tiết dạy truyền thống và khó giao bài kiểm tra trực tuyến.  

Về vấn đề này, ThS Nguyễn Văn Tài, Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM, cho rằng để có thể làm tốt được công tác đào tạo trực tuyến thì giảng viên vẫn là người quyết định. Nó không chỉ liên quan đến tỉ lệ học sinh tham gia lớp học mà còn chất lượng buổi học đó đối với học sinh, sinh viên sau các bài giảng. Do đó, trường đang tập trung xây dựng và chuẩn hóa chất lượng đội ngũ giảng viên để thực hiện tốt hình thức dạy này.

Để công nhận kết quả học trực tuyến, theo ThS Tài, cần có thời gian để đưa ra một quy định cụ thể một cách khách quan, khoa học, đảm bảo việc thẩm định chương trình và khung chương trình hiệu quả. Tránh tình trạng đưa ra quy định sau đó lại chạy theo để sửa đổi khi vấp phải khó khăn hay sai lầm. Hơn nữa, việc dạy trực tuyến hay không chỉ là vấn đề sớm hay muộn, bởi thực tế các trường đại học hiện nay chủ yếu là đã tự chủ rồi. Cho nên họ cũng có thể triển khai và tự công nhận kết quả của trường mình bằng hình thức học này.

Khi học sinh trở lại trường mới cho kiểm tra chính thức

Theo PGS-TS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD&ĐT), muốn được công nhận kết quả dạy học trực tuyến, nhà trường phải triển khai xây dựng kế hoạch giáo dục. Trong đó có kế hoạch dạy học bằng ứng dụng công nghệ thông tin, có phân công nhiệm vụ cụ thể để quản lý, giám sát học sinh thực hiện, có kế hoạch kiểm tra, đánh giá khi trở lại trường. 

Với đặc thù của giáo dục phổ thông, nhà trường không chỉ cung cấp kiến thức mà cần nhiều phẩm chất, năng lực. Do đó học sinh phải đến trường vì phẩm chất, năng lực chỉ có thể hình thành trong môi trường giáo dục trực tiếp.

Còn đối với dạy học qua truyền hình, các trường cần xây dựng kế hoạch quản lý, kiểm soát học sinh. Giáo viên có trách nhiệm thông tin đến học sinh, phụ huynh về lịch học các tiết dạy. Giáo viên sẽ dựa trên nội dung bài dạy để giao nhiệm vụ cho các em qua các group học tập…

Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT cũng chỉ đạo việc đánh giá, công nhận kết quả học qua Internet, qua truyền hình cũng như học thông thường, những bài đã được thầy cô giảng, giáo viên giao làm, khi trở lại trường, học sinh phải trình bày lại kiến thức đó.

Từ đó, giáo viên có thể thay cho các bài kiểm tra thông thường hoặc giao bài kiểm tra về các kiến thức học sinh đã học. Nhưng việc kiểm tra đánh giá chính thức phải được thực hiện khi học sinh trở lại trường.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới