ĐB Trương Trọng Nghĩa đề nghị QH chưa thông qua quy hoạch sử dụng đất quốc gia

Chiều 30-10, kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV thảo luận trực tuyến về dự thảo Nghị quyết về Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 - 2025), dự kiến thông qua trong kỳ họp này.

Tại điểm cầu TP.HCM, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Trương Trọng Nghĩa đánh giá Quy hoạch sử dụng đất quốc gia 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 rất quan trọng, vì đất đai là nguồn lực chủ yếu, lâu dài, giúp cho nhiều địa phương đột phá trong phát triển.

db-truong-trong-nghia-quy-hoach
ĐBQH Trương Trọng Nghĩa phát biểu tại buổi thảo luận chiều 30-10. Ảnh: LÊ THOA

Theo ĐB Nghĩa, nguyên tắc của quy hoạch sử dụng đất là phải phù hợp với các mục tiêu, nhiệm vụ mà nghị quyết của Đảng đề ra, đồng thời phải phù hợp với Luật Quy hoạch. Quy hoạch sử dụng đất quốc gia căn cứ vào rất nhiều chiến lược quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của các ngành, lĩnh vực, các địa phương nhưng nhiều chiến lược, đề án quy hoạch này chỉ là dự thảo.

“Nếu như kì này Quốc hội thông qua nghị quyết này (nghị quyết về quy hoạch sử dụng đất quốc gia - PV), trở thành luật có tính bắt buộc thì không loại trừ sẽ có sự chênh nhau, khác đi so với những quy hoạch đó” – ĐB Nghĩa nói và cho rằng quy hoạch sử dụng đất không thể thoát li khỏi những quy hoạch ngành, quy hoạch vùng được.

Bên cạnh đó, theo điều 6 của Luật Quy hoạch, quy hoạch tổng thể quốc gia là cơ sở để lập quy hoạch sử dụng đất quốc gia, nhưng quy hoạch tổng thể quốc gia lại chưa được phê duyệt. ĐB Nghĩa cho rằng đây là cách làm ngược.

ĐB Trương Trọng Nghĩa cho rằng quy hoạch sử dụng đất quốc gia phải căn cứ vào chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, điều này được ghi nhận trong luật. Đặc biệt Đại hội XIII của Đảng đầu năm nay đã thông qua Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021-2030).

“Như vậy Quy hoạch sử dụng đất quốc gia phải phục vụ cho Chiến lược 10 năm này, nhưng đối chiếu, so sánh lại thì quy hoạch này có những điểm không phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm, thậm chí có những điểm cắt bớt, thêm vào” – ĐB Nghĩa nhấn mạnh.

Ông dẫn chứng, trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm, phương hướng, nhiệm vụ phát triển cho vùng Đông Nam Bộ có câu: “Là vùng phát triển năng động, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao. Tập trung phát triển mạnh khoa học, công nghệ và hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, đi đầu trong chuyển đổi mô hình tăng trưởng, xây dựng kinh tế số, xã hội số, sản xuất các sản phẩm điện, điện tử, công nghiệp chế biến, chế tạo; tài chính ngân hàng, bất động sản”, Tuy nhiên dự thảo nghị quyết cắt bỏ toàn bộ đoạn này, chỉ giữ lại đoạn sau, nói về xây dựng hạ tầng.

Hay chiến lược ghi "thúc đẩy phát triển TP.HCM trở thành trung tâm tài chính quốc tế" thì dự thảo nghị quyết lại ghi thành "hình thành trung tâm tài chính quốc tế” là nhiệm vụ chung vùng Đông Nam Bộ, bỏ cụm từ “TP.HCM”.

Dự thảo quy hoạch còn ghi thêm cho vùng Đông Nam Bộ việc “phát triển nông nghiệp hàng hóa, sinh thái đạt hiệu quả cao về xã hội và môi trường”, hay “bảo vệ nghiêm ngặt rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ ven biển, rừng ngập mặn” ở vùng Đông Nam Bộ thì trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm lại không hề đặt ra. Bởi cả vùng Đông Nam Bộ chỉ có Bà Rịa-Vũng Tàu mới có rừng phòng hộ ven biển, rừng đầu nguồn cũng không có nhiều, rừng ngập mặn chủ yếu ở một số khu vực như Cần Giờ.

ĐB Nghĩa nhìn nhận việc thêm thắt này sẽ khiến việc đối chiếu khi làm kế hoạch sử dụng đất cho vùng Đông Nam Bộ trong tương lai gặp khó khăn.

ĐB Nghĩa cũng chỉ ra một điểm bất cập khác liên quan đến Đồng bằng sông Cửu Long khi đối chiếu giữa hai văn bản này mà theo ông là có sự chênh nhau rất lớn. Cụ thể, chiến lược giao cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long phương hướng, nhiệm vụ “phát triển công nghệ về giống, công nghiệp chế biến, bảo quản nông sản, thủy sản; gắn sản xuất với thị trường tiêu thụ và xây dựng thương hiệu sản phẩm. Đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa, xây dựng mạng đô thị vùng tạo động lực cho phát triển. Phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng sạch”, thì dự thảo nghị quyết cắt bỏ đoạn này.

Ông nói: “Để vùng Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long hoàn thành được nhiệm vụ mà Đại hội XIII của Đảng giao cho mà với Quy hoạch sử dụng đất định hướng đến 2050 như thế này thì sẽ gặp khó khăn rất nhiều”.

ĐB Nghĩa khẳng định, quy hoạch sử dụng đất phải phục vụ cho việc thực hiện các nhiệm vụ chiến lược và nghị quyết của Đảng đã đề ra. "Do đó, kết hợp với thẩm định của Uỷ ban Kinh tế của QH, tôi đề nghị chưa thông qua nghị quyết trên trong kì họp lần này. Chính phủ phải làm việc lại với các ngành, một số vùng, một số địa phương để khi đề ra quy hoạch này, trong tương lai sẽ không có vướng mắc, không có sự tréo ngoe, giúp hoàn thành mục tiêu mà Đại hội Đảng đề ra đến năm 2030-2045” – ĐB Nghĩa nêu ý kiến.

Trao đổi lại, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà thừa nhận việc trích dẫn trong quy hoạch không đầy đủ và ĐB Nghĩa đã trích rất đúng. “Tôi xin được nghiêm túc tiếp thu” – ông Hà nói và khẳng định nếu các đại biểu phát hiện có vấn đề gì chưa đầy đủ, chưa chính xác, sẽ nghiêm túc xem xét lại Văn kiện của Đại hội XIII của Đảng.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng nhìn nhận nếu quy hoạch sử dụng đất chỉ đứng một mình, không có các quy hoạch thành phần để cụ thể hóa thì không thể quản lý đất đai hiệu quả được.

 
db-nguyen-thi-le

ĐB Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành uỷ TP.HCM nêu ý kiến. Ảnh: LÊ THOA

Còn ĐB Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành uỷ TP.HCM, nhìn nhận việc quy định quy hoạch sử dụng đất phải đi trước, là căn cứ để thực hiện thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất.

ĐB Lệ cho rằng quy hoạch ngành và dự báo thời điểm đầu tư chính xác cũng như nguồn lực vốn bố trí thực hiện dự án không kịp thời dẫn đến quy hoạch sử dụng đất không có tính khả thi cao, người dân bị hạn chế các quyền do dự án treo và ảnh hưởng lớn đến công tác triển khai dự án.

ĐB Nguyễn Thị Lệ kiến nghị cần sớm sửa đổi Luật Đất đai hiện hành và các quy định pháp luật liên quan hiện đang có mâu thuẫn, chồng chéo để quy định được khả thi, đi vào cuộc sống của người dân.

Chính phủ cần hỗ trợ để bình ổn giá xăng dầu

Sáng 30-10, tại phiên thảo luận về dự kiến kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, ĐBQH TP.HCM Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP, nhìn nhận vừa qua việc thế giới tung nhiều gói kích cầu, cũng như đứt gãy các chuỗi cung ứng do dịch bệnh làm giá cả hàng hoá tăng cao, lạm phát bùng lên, trong đó có giá xăng dầu.

db-tran-hoang-ngan
ĐBQH TP.HCM Trần Hoàng Ngân phát biểu sáng 30-10. Ảnh: LÊ THOA

ĐB Ngân dự báo tình hình này có khả năng tác động đến lạm phát nước ta trong thời gian tới, đặc biệt là các chi phí, dự toán trong kế hoạch đầu tư có thể bị thay đổi. “Chính phủ cần có kịch bản ứng phó, không để kinh tế vĩ mô bất ổn” – ĐB Ngân nêu.

Ông kiến nghị Chính phủ sớm xem xét can thiệp hỗ trợ bình ổn giá xăng dầu, bởi hiện nay giá xăng dầu đang tăng rất nhanh, sẽ ảnh hưởng đến thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng, phí bảo vệ môi trường…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm