ĐBQH băn khoăn quy định chậm đóng tiền điện sinh hoạt là bị tính lãi ngay

(PLO)- Đại biểu cho rằng việc quên đóng tiền điện, đóng chậm một vài ngày rất dễ xảy ra nên quy định tính lãi ngay khi chậm trả là không phù hợp.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 7-11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Điện lực (sửa đổi).

Nêu ý kiến về các nội dung trong dự thảo luật, đại biểu (ĐB) Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương) cho hay: Khoản 1 Điều 77 quy định về thanh toán tiền điện theo hợp đồng mua bán điện đối với khách hàng sinh hoạt, trong đó quy định nội dung về trả tiền lãi trên số tiền chậm trả cho bên bán điện tương ứng với thời gian chậm trả.

Quy định tính lãi ngay khi chậm trả không phù hợp

Theo bà Nga, quy định điều này để ràng buộc trách nhiệm của khách hàng sử dụng điện trong việc thanh toán tiền điện là phù hợp và để đảm bảo lợi ích của bên cung cấp điện.

Tuy nhiên, bà Nga cũng cho rằng đối với khách hàng sử dụng điện sinh hoạt thì việc đôi khi quên thời gian đóng tiền điện, tiền nước, dẫn tới đóng chậm một vài ngày cũng là điều rất dễ xảy ra và diễn ra rất phổ biến trong thời gian qua. Vì vậy, quy định tính lãi ngay khi chậm trả sẽ không thực sự phù hợp.

điện sinh hoạt.jpg
ĐB Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương). Ảnh: QH

“Theo tôi, nên có thời hạn quy định sau bao nhiêu lâu chậm trả thì bắt đầu tính lãi, nên có khoảng thời gian ít nhất là một tháng. Đặc biệt, nên quy định không tính lãi chậm đóng tiền đối với các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, người già neo đơn sống một mình để đảm bảo tính nhân văn của quy định” - nữ đại biểu nêu ý kiến.

Ngoài ra, tại khoản 5 Điều 77 quy định về việc hóa đơn thanh toán tiền điện được lập theo chu kỳ ghi chỉ số đo điện. ĐB Đoàn Hải Dương cho hay trên thực tế xảy ra trường hợp bên cung cấp điện thay đổi chu kỳ ghi chỉ số đo điện.

Điều này dẫn tới tình trạng trong thời gian thay đổi chu kỳ chỉ số sử dụng điện sẽ cao hơn chu kỳ thông thường. Do thời gian từ khi chốt chỉ số lần trước đến khi chốt chỉ số lần sau dài hơn.

Điều này đồng nghĩa với việc hệ số điện tính giá ở mức cao sẽ nhiều hơn gây thiệt hại cũng như gây bức xúc cho khách hàng.

Vì vậy, bà Nga đề nghị bổ sung thêm quy định về trách nhiệm của bên cung cấp điện trong việc thay đổi chu kỳ ghi chỉ số đo điện và đảm bảo quyền lợi của khách hàng sử dụng điện.

Không có căn cứ xác định lãi suất thời gian khách hàng chậm đóng tiền

Cũng thảo luận về vấn đề này, ĐB Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Đoàn Bình Dương), cho hay tại điểm b khoản 1 Điều 77 quy định "lãi suất chậm trả do các bên thỏa thuận nhưng không vượt quá mức lãi suất cho vay cao nhất của ngân hàng mà bên bán điện có tài khoản ghi trong hợp đồng tại thời điểm thanh toán".

ĐB này cho rằng không có căn cứ để xác định lãi suất tại thời điểm thanh toán tương ứng với thời gian chậm trả, vì ngân hàng không công bố công khai mức lãi suất cho vay cao nhất.

điện sinh hoạt....jpg
ĐB Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Đoàn Bình Dương). Ảnh: QH

Bên cạnh đó, mức lãi suất cũng thường xuyên thay đổi và áp dụng khác nhau cho từng ngân hàng.

Và ngân hàng cũng áp dụng lãi suất cho vay khác nhau với từng đối tượng khách hàng, từng mục đích sử dụng nên việc xác định lãi suất cho vay cao nhất là rất khó khăn, không đảm bảo chuẩn xác.

Đồng thời lại phụ thuộc vào hệ thống ngân hàng, không đảm bảo tính đồng bộ, chính xác tại từng thời điểm cụ thể dễ dẫn đến sai sót và khiếu kiện, khiếu nại của khách hàng.

Do đó, ĐB Trân kiến nghị điều chỉnh nội dung này là lãi suất chậm trả do các bên thỏa thuận nhưng không vượt quá mức lãi suất theo quy định của Bộ luật Dân sự.

Trường hợp lãi suất chậm trả vượt quá mức lãi suất theo quy định tại điểm này thì do bên cung cấp phải trả lãi suất vượt.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm