ĐBQH đề nghị phân chia thêm lợi ích 'chênh lệch địa tô' sau đầu tư hạ tầng cho dân

(PLO)- Các ĐBQH đề nghị cần phải có cơ chế để phân chia lợi ích từ “chênh lệch địa tô” một cách hài hoà cho ba bên Nhà nước, người dân và doanh nghiệp…
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 21-6, Quốc hội dành cả ngày làm việc để thảo luận tại hội trường về dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Một trong những nội dung được các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đề cập nhiều đó là giải pháp để điều tiết chênh lệch địa tô một cách công khai, minh bạch, hài hoà cho Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.

Góp ý về nội dung này, ĐB Trần Văn Khải (Hà Nam) nhấn mạnh đây là nội dung được Nghị quyết 18 đặt ra nhằm khơi thông nguồn lực đất đai, hạn chế tình trạng tham nhũng, tiêu cực, khiếu kiện về đất đai, đầu cơ, từ đó xử lý được hai vấn đề chênh lệch địa tô và giá đất.

ĐB Trần Văn Khải (Hà Nam). Ảnh: Quốc hội

ĐB Trần Văn Khải (Hà Nam). Ảnh: Quốc hội

“Chênh lệch địa tô xuất phát từ đâu, do đâu mà có, nếu không phải do công sức, chi phí đầu tư của người sử dụng đất?” - ông nêu câu hỏi và phân tích chênh lệch này do quá trình chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

Đặc biệt là việc mua gom, đền bù đất nông nghiệp với giá rẻ rồi chuyển đổi thành đất phi nông nghiệp, đất ở và đất thương mại, dịch vụ có giá cao gấp cả chục lần, thậm chí cả trăm lần so với đất nông nghiệp.

Ông chỉ rõ chính điều này đang tiềm ẩn nhiều bất công xã hội. Người dân hy sinh đóng góp, giao quyền sử dụng đất, tài sản cho nhà nước, cho nhà đầu tư để xây dựng, phát triển hạ tầng, đô thị, đóng góp vào sự phát triển chung thì phải được hưởng lợi từ sự đầu tư, phát triển đô thị.

“Chủ trương của Đảng là kiên quyết không để người dân bị đẩy ra ngoài lề sự phát triển, không để ai bị bỏ lại phía sau. Vì vậy, Luật Đất đai (sửa đổi) phải xóa bỏ bất công từ lợi ích do chênh lệch địa tô, tránh nguồn lực đất đai bị thất thoát, xây dựng chính sách tài chính đất đai, phương thức xác định giá đất và bảo đảm hài hòa lợi ích trong khai thác chênh lệch địa tô giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người dân” - ĐB Khải nhấn mạnh.

Theo đó, ông đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu hoàn thiện điều 158 (dự thảo Luật) về nguyên tắc, căn cứ, phương pháp định giá đất để đảm bảo “định giá đất phải hài hòa được các lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người dân”.

ĐB Nguyễn Phi Thường (Hà Nội). Ảnh: Quốc hội

ĐB Nguyễn Phi Thường (Hà Nội). Ảnh: Quốc hội

Cùng nội dung này, ĐB Nguyễn Phi Thường (Hà Nội) cũng đề nghị cơ quan soạn thảo dự luật cần xem xét, bổ sung cơ chế chia sẻ giá trị tăng thêm từ đất đai khi đầu tư dự án hạ tầng giao thông đô thị. Điều này nhằm cân đối lợi ích giữa Nhà nước, người dân và nhà đầu tư trong quản lý, sử dụng đất đai.

“Đây là một công cụ rất quan trọng, không những để huy động nguồn lực tái đầu tư vào hạ tầng giao thông đô thị, đặc biệt là các công trình có vốn đầu tư lớn, mà tạo động lực để phát huy sự sáng tạo của các nhà đầu tư tư nhân” - ông Thường nói.

Theo đó, ĐB Thường đề nghị nghiên cứu xem xét bổ sung đưa thêm vào nội dung quy định liên quan đến ‘‘Chia sẻ, điều tiết giá trị tăng thêm từ đất do đầu tư hạ tầng’’ vào Điều 14 (dự thảo Luật) về những vấn đề chính cơ bản, tạo tiền đề tiếp tục nghiên cứu cụ thể hóa quy định chi tiết nội dung này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm