ĐBQH Lê Thanh Vân: Biển Đông cần 'tam công chiến pháp'

Chiều 31-10, Quốc hội (QH) tiếp tục thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế - xã hội của đất nước. Phát biểu tại đây, đại biểu (ĐB) Lê Thanh Vân (Cà Mau) nhận định Trung Quốc “không bao giờ từ bỏ dã tâm biến biển Đông thành ao nhà”.

Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân (Cà Mau).

Ông phân tích Trung Quốc đang có “tam chủng chiến pháp” bao gồm: tâm lý, truyền thông và pháp lý. Về tâm lý, Trung Quốc đã rao giảng cho các thế hệ người dân từ trước tới nay rằng biển Đông là của Trung Quốc. Về truyền thông, họ rêu rao hết các diễn đàn điều tương tự. Về pháp lý, Trung Quốc đang sửa lại, diễn đạt lại luật biển. Và trên thực địa họ đang tiến hành xâm lấn các quốc gia ven biển.

“Vì vậy, ta cần có tam công chiến pháp để đối sách với Trung Quốc, đó là công luận, công khai và công pháp. Về công luận, chúng ta phải đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, củng cố hồ sơ chứng minh cho dư luận thế giới biết biển Đông là của Việt Nam. Về công khai phải công khai hóa các hoạt đông phi pháp của Trung Quốc cho thế giới biết, trong nước biết. Công pháp là sử dụng tối đa công cụ pháp lý từ công ước quốc tế cho tới cơ sở pháp lý mà luật biển Việt Nam đã quy định. Về lâu dài, ta phải có đối sách căn bản, phòng thủ chặt chẽ để ngăn chặn sự lấn tới của Trung Quốc, vi phạm trắng trợn của Trung Quốc trên biển Đông” - ĐB Lê Thanh Vân nói.

Trong phần phát biểu của mình, ông Vân cũng đưa ra một số đề xuất cho QH, Chính phủ. Cụ thể về thể chế, tổ chức, ông Vân đề nghị triển khai việc rà soát chức năng, nhiệm vụ của hệ thống hành chính, đặc biệt là các bộ, ngành để tránh trùng lắp về chức năng "Làm sao phân công mạch lạc và kiểm soát tốt, để bộ máy hành chính tinh thông, tinh nhuệ và thống nhất".

Về thể chế dân sự, ông đề nghị Chính phủ triển khai sớm chủ trương của Đảng về tiến cử, trọng dụng nhân tài; tổng kết Nghị định 157/2007 về trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu, nâng thành luật để trình QH xem xét, thông qua.

Về thể chế kinh tế, ông đề nghị Chính phủ nên tập trung vào ba nhóm vấn đề. Một là hoàn thiện cơ sở pháp lý để bảo đảm năng lực của các thể nhân, pháp nhân trong việc bảo đảm tài sản, bảo đảm thực hiện hợp đồng, gây dựng niềm tin, sự yên tâm của các nhà dầu tư để thu hút vào quá trình kinh tế - xã hội của đất nước.

Hai là sớm ban hành các văn bản quy định về năng lực của các doanh nghiệp trong nước đủ khả năng tiếp cận vốn, huy động việc đầu tư cho công nghệ cao ứng dụng vào quá trình sản xuất, kinh doanh, từng bước thay thế các FDI để phát huy nội lực.

Ba là ban hành các chính sách khuyến khích cho doanh nghiệp khởi nghiệp, hỗ trợ rủi ro phi lợi nhuận để sớm hình thành các doanh nghiệp khởi nghiệp thành công, phát triển nhanh.

Vị đại biểu cũng đề nghị hoàn thiện thể chế văn hóa trên cơ sở rà soát lại các quan hệ xã hội lâu nay từng điều chỉnh bằng quy phạm đạo đức để điều chỉnh bằng quy phạm pháp luật. "Tức là nâng cấp quan hệ đạo đức lên thành quan hệ pháp luật, có như vậy mới bảo vệ được giá trị cốt lõi về văn hóa vật chất và văn hóa lịch sử của dân tộc" - ông nói. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm