Trong bài viết cho tạp chí The National Interest năm 2018, chuyên gia Hunter Stires thuộc Học viện Hải chiến Mỹ cho biết việc giữ vững trật tự trên biển tự do và cởi mở là nhu cầu cấp thiết đối với mọi quốc gia, nhất là các nước phụ thuộc vào các chuỗi cung ứng trên biển.
Trong bối cảnh Trung Quốc (TQ) triển khai các động thái quấy rối liên tục, có tổ chức, có hệ thống hoạt động kinh tế các nước trong khu vực từ đầu năm 2019 đến nay, các khuyến nghị của chuyên gia Hunter Stires càng trở nên có ý nghĩa đối với các nước trong khu vực lẫn Mỹ.
Mỹ chưa hiểu Trung Quốc?
Suốt nhiều thế kỷ qua, các quốc gia hành xử tuân theo các nguyên tắc pháp lý mà sau này được hệ thống hóa thành Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS). Tuy vậy, ở biển Đông, TQ đe dọa nghiêm trọng hệ thống luật pháp quốc tế.
Trong khi đó, các đối sách hiện nay của Mỹ không giải quyết được khía cạnh cốt lõi của vấn đề. Bình luận về sự kiện TQ hung hăng cử đội tàu Địa chất hải dương 8 xâm phạm nghiêm trọng vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam từ hồi tháng 7 vừa qua, chuyên gia Gregory Poling, Giám đốc Tổ chức Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á (AMTI), nhận định: “Cả chính quyền Tổng thống Donald Trump và người tiền nhiệm Barack Obama đều không có giải pháp đối phó chiến lược lấn biển của TQ một cách hiệu quả. Cả hai tổng thống Mỹ đã phụ thuộc quá nhiều vào Bộ Quốc phòng, tức là các giải pháp quân sự. Trong khi đó, vấn đề cốt lõi tại biển Đông vốn không chỉ là vấn đề quân sự và không thể giải quyết bằng quân đội, khí tài. Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao đang thiếu những nỗ lực cấp cao, đó mới chính là giải pháp cần thiết cho biển Đông.
Tương tự, chuyên gia Stires cũng cho rằng các hành động quân sự của Mỹ như các chiến dịch bảo đảm tự do hàng hải thiếu đi nội lực cần thiết, dẫn đến không có hiệu quả mang tính chiến lược quyết định. “Để khôi phục được vị thế như cũ, Mỹ và các đồng minh của nước này cần phải điều chỉnh lại các hiểu biết về chiến lược của TQ trên biển Đông và định hướng lại chiến lược của Mỹ nhằm đánh bại nó” - chuyên gia Stires viết trên The National Interest.
Theo Stires, mấu chốt của thách thức trên biển Đông là một cuộc đấu tranh chính trị về ý chí của các bên, biểu hiện qua cuộc đối đầu giữa một bên là luật pháp quốc tế được công nhận và bên còn lại là quan điểm xét lại vô lý của TQ về chủ quyền trên biển. Trong đó, câu hỏi mang tính quyết định ở đây là “người dân sẽ tuân theo luật chơi của bên nào”: Theo hệ thống luật pháp quốc tế hay theo hệ thống TQ? Câu hỏi này quan trọng hơn so với việc ai sẽ chiến thắng khi có xung đột vũ trang xảy ra.
Tàu hải giám Trung Quốc hoạt động trên biển Đông. Ảnh: REUTERS
Mưu đồ của Bắc Kinh
Thông thường, ngư dân địa phương ở các nước Đông Nam Á chắc chắn sẽ lựa chọn tuân thủ hệ thống luật pháp quốc tế hiện hành. Lý do là luật pháp mà điển hình là UNCLOS bảo vệ quyền tự do hàng hải của tất cả quốc gia. Trái lại, việc chấp nhận một vùng biển do TQ ngang ngược kiểm soát và bị Bắc Kinh chi phối mạnh mẽ sẽ khiến người dân các nước chịu thiệt hại.
Mục tiêu đặc biệt quan trọng của TQ là khiến ngư dân các nước, tàu thuyền nước ngoài,... phải chấp nhận một luật chơi của Bắc Kinh vô lý tạo ra. Để đạt mưu đồ của mình, TQ áp dụng các “chiến thuật nổi dậy” (insurgency tactics), theo chuyên gia Hunter Stires. Về hình thức, TQ tìm cách kiểm soát một số lượng ngư dân lấn át hơn các nước hoặc buộc đa số ngư dân các nước phải tuân thủ lập trường của Bắc Kinh thông qua nhiều biện pháp dọa nạt khác nhau.
“TQ đang nỗ lực ép càng nhiều người dân ở các nước láng giềng Đông Nam Á tuân thủ trật tự của Bắc Kinh càng tốt thông qua đe dọa sử dụng vũ lực” - chuyên gia Hunter Stires phân tích.
Bắc Kinh cũng triển khai chiến thuật chiếm lãnh thổ và mở rộng vỏ bọc chống tiếp cận, ngăn chặn xâm nhập khu vực (2A/AD). Mục đích là chống ngư dân tiếp cận các ngư trường do TQ chiếm trái phép, đồng thời chống tàu thuyền hay lực lượng các nước tiếp cận các vùng biển, thực thể nằm trong khu vực đường chín đoạn vô lý.
Chúng tôi có mặt ở khắp Thái Bình Dương. Tôi nhìn thấy điều đó ở New Zealand, Úc,... Tôi nhìn thấy những gì chúng ta đạt được ở Hàn Quốc cũng như các hợp tác quân sự lâu nay với Nhật Bản. Đó là những nước có vai trò dẫn dắt cả khu vực và cực kỳ trọng yếu (trong nỗ lực đối đầu TQ). Chúng ta phải làm việc này cùng nhau. Mỹ không thể trực tiếp đem quân, đem tàu và súng ống đến đó và bảo hãy theo chúng tôi được. Bộ trưởng Hải quân Mỹ RICHARD SPENCER |
Mỹ triển khai giải pháp toàn diện
Việc chống TQ nổi dậy trên biển đòi hỏi việc giữ an toàn cho ngư dân trước những hoạt động quấy rối của TQ. Mở rộng ra còn có các doanh nghiệp, đoàn thể dân sự có các hình thức khai thác tài nguyên, thăm dò địa chất, nghiên cứu khoa học,... Khi các lực lượng này có thể thực hiện các quyền hợp pháp của mình một cách an toàn theo cơ chế quốc tế hiện hành về quyền tự do trên biển, họ sẽ tin vào hệ thống quốc tế thay vì hệ thống do TQ đặt ra.
Ở biển Đông, TQ vốn không cần phân biệt đâu là nguồn lực dân sự và nguồn lực quân sự. Bắc Kinh đầu tư không chỉ vào lực lượng hải quân mà ngay cả các lực lượng tàu hải cảnh, dân quân biển nhằm triển khai chiến thuật “tằm ăn dâu” và “vùng xám”. Thực tế, các lớp tàu dân quân biển được hộ tống và bảo vệ bởi các lớp tàu hải cảnh, tàu chiến của TQ đã ngang ngược tham gia nhiều hoạt động gây hấn, đe dọa, khảo sát địa chất và tài nguyên, thậm chí là dùng vũ lực chiếm đóng các thực thể ở biển Đông một cách trái phép.
Tựu trung lại, TQ sẵn sàng huy động toàn bộ sức mạnh từ khu vực công đến khu vực tư để đối đầu với các nước trong đó có Mỹ. Trong bối cảnh đó, chuyên gia Stires đề xuất Mỹ và đồng minh phải sử dụng sức mạnh của mình trên mọi lĩnh vực quân sự và phi quân sự. Đề xuất này tương tự với khuyến nghị của Bộ trưởng Hải quân Mỹ Richard Spencer hôm 23-10 rằng Bộ Quốc phòng nước này cần huy động và phối hợp với nhiều cơ quan chính phủ dân sự khác như Bộ Thương mại, Bộ Tài chính hay Bộ Nông nghiệp.
Cách tiếp cận này dường như đã bắt đầu được Mỹ áp dụng: (i) Cuộc chiến thương mại chống lại TQ, trong đó có mục tiêu xóa nạn đánh cắp công nghệ; (ii) Hạ viện và Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tiến hành mở rộng quyền giám sát của Ủy ban Đầu tư nước ngoài tại Mỹ (CFIUS), trong đó có mục tiêu quản lý việc các công ty TQ đang mua rất nhiều tài sản ở Mỹ; (iii) Tổ chức các đơn vị giám sát đặc biệt TQ. Việc huy động tổng lực hệ thống chính trị - ngoại giao lẫn kinh tế, quân sự đang được kỳ vọng sẽ có thể “ghè chân” TQ ở biển Đông.
Phó tổng thống Mỹ chỉ trích Trung Quốc Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence hôm 24-10 (giờ Mỹ) trong bài phát biểu tại sự kiện do Trung tâm Wilson tổ chức ở Washington nói: Bắc Kinh đã tăng cường sử dụng các tàu dân quân biển để thường xuyên hăm dọa thủy thủ và ngư dân Malaysia, Philippines. Hải cảnh TQ cũng tìm cách ngăn cản Việt Nam tiến hành hoạt động khai thác dầu mỏ và khí đốt ở vùng biển của Việt Nam. Phó tổng thống Mỹ chỉ trích hành động quân sự của TQ trong khu vực và cách tiếp cận của Bắc Kinh đối với các nước láng giềng trong năm qua vẫn ngày càng mang tính khiêu khích.
Nhắc lại lời hứa “không quân sự hóa biển Đông” của TQ vào năm 2015, ông Pence chỉ ra hàng loạt hành động trái ngược với “trỗi dậy hòa bình” mà TQ từng tuyên bố. Đề cập đến hàng loạt chính sách sai trái khác của TQ, ông Pence cho rằng TQ chưa có hành động đáng kể nhằm cải thiện quan hệ kinh tế với Mỹ trong suốt thời gian qua. |