ĐBQH tranh luận có nên sở hữu chung cư có thời hạn hay không

(PLO)-  Theo ĐBQH nếu quy định một nhà sở hữu theo tuổi thọ công trình thì chắc chắn giá nhà sẽ khác so với nhà sở hữu vô thời hạn. 
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 19-6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Dự luật Nhà ở (sửa đổi). ĐB Hoàng Văn Cường (Hà Nội) nói có nhiều vấn đề trong Dự luật Nhà ở (sửa đổi) cần phải tranh luận. Ông Cường phát biểu về chuyện phá dỡ chung cư cũ và lý giải:

“Hiện cải tạo chung cư cũ không đơn giản chút nào. Nguyên nhân sâu xa xuất phát từ việc nhà chung cư được sở hữu vĩnh viễn, sở hữu không thời hạn. Chính vì vậy, người ta có quyền, người ta không đồng ý thì chúng ta không thể phá dỡ được. Rất may là những nhà chung cư cũ hiện nay đang là nhà thấp tầng. Vì là nhà thấp tầng nên nhà đầu tư đầu tư vào có thể nâng cao tầng lên, có điều kiện để thỏa thuận, đền bù cho người sở hữu chung cư cũ đó theo một hệ số nào đó, như vậy mới có sự thỏa thuận này…”.

Theo ông Cường, tương lai các chung cư đều cao tầng và nếu phá dỡ thì không có chuyện nâng tầng nữa. Muốn cải tạo, phá dỡ thì cư dân phải bỏ tiền ra.

“Như vậy chúng ta quy định sở hữu dài hạn hay sở hữu có thời hạn, thực chất khi nhà chung cư đó đã hết thời hạn sử dụng thì quyền của tất cả cư dân ở đó không còn gì. Có chăng người ta chỉ còn quyền duy nhất ghi trên giấy chứng nhận sở hữu nhà. Đề nghị không chỉ quy định thời hạn sử dụng nhà chung cư cũ theo thời hạn công trình thiết kế mà phải quy định rất rõ thời hạn sở hữu của nhà chung cư phải theo thời hạn của công trình thiết kế”, ĐB Cường nêu ý kiến.

ĐB Hoàng Văn Cường (Hà Nội) nói nên quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư theo thời hạn thiết kế. Ảnh: QH

ĐB Hoàng Văn Cường (Hà Nội) nói nên quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư theo thời hạn thiết kế. Ảnh: QH

Ông Cường thừa nhận: nếu quy định một nhà sở hữu theo tuổi thọ công trình thì chắc chắn giá nhà sẽ khác so với nhà sở hữu vô thời hạn. “Như vậy vô hình trung chỉ để thỏa mãn tâm lý sở hữu. Người dân đã phải bỏ ra thêm một số tiền để sở hữu một tờ giấy không, khi nhà này đã bị phá dỡ vẫn phải tự bỏ tiền ra”, ông Cường nói và lưu ý nếu không giải quyết được thì sau này sẽ tiếp tục có tình trạng chung cư cũ, sập sệ như hiện nay.

Về giải pháp, ông Cường nói nên quy định thời hạn sở hữu theo thời hạn thiết kế, nhưng đi kèm theo đó, nếu đến thời hạn bên thiết kế đánh giá lại, kiểm định lại chất lượng chung cư thấy vẫn tốt, vẫn tồn tại được thì quyền của người sở hữu tiếp tục được kéo dài, không phải bị mất đi.

Khi đã phá dỡ, đất đai đó phải đầu tư xây dựng lại nên đất dành cho xây dựng nhà chung cư không nên là đất giao vĩnh viễn mà nên là đất cho thuê theo thời hạn xây dựng và cho trả tiền một lần. Nếu hết thời hạn xây dựng rồi, chúng ta lại có dự án cho thuê lại giống như chúng ta đang có quy định về đất cho thuê với các dự án đầu tư sản xuất kinh doanh. Nếu thực hiện được việc này sẽ khắc phục được những tồn tại, hạn chế hiện nay.

Tranh luận, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP HCM) cho rằng: cần suy nghĩ chung cư tuổi thọ càng cao thì hiệu quả kinh tế đối với xã hội càng lớn. Nếu không, khuyến khích xây dựng những chung cư tuổi thọ 20, 30, 40 năm trong khi nước ngoài, tuổi thọ chung cư càng ngày càng cao, có thể lên tới 99 năm.

“Chuyện một nơi ở dài hạn, từ thế hệ này sang thế hệ khác, là nhu cầu tinh thần rất lớn, củng cố quan hệ gia đình”, ông Nghĩa phát biểu. Ông cho rằng cần tổng kết các chung cư sở hữu không có thời hạn và tình trạng sở hữu.

ĐB Trương Trọng Nghĩa nói cần phải có nhiều sự lựa chọn cho sở hữu chung cư. Ảnh: QH

ĐB Trương Trọng Nghĩa nói cần phải có nhiều sự lựa chọn cho sở hữu chung cư. Ảnh: QH

“Chúng ta quy định không hồi tố nhưng chúng ta vẫn phải xử lý, phải có phương án. Chúng ta vẫn duy trì chung cư sở hữu lâu dài, sở hữu dài hạn, đồng thời quy định sở hữu có thời hạn để người dân lựa chọn”, ông Nghĩa nói và đề nghị thêm các phương án bảo đảm an toàn cho chung cư theo thông lệ một số nước.

“Tóm lại phải có sự lựa chọn, không nên chỉ chọn một thứ mà thôi vì trong tương lai chúng ta phải khuyến khích nhà ở càng lâu dài, tuổi thọ càng cao càng tốt, càng có lợi cho xã hội, đất nước”, ông Nghĩa nói.

Trước đó, có ĐB cho rằng cần có quy định quản lý nhà trọ cho lao động thuê và Nhà nước cũng cần đầu tư nhà cho thuê. Có ĐB thì không đồng ý như vậy.

ĐB Trần Hoàng Ngân (TP HCM) tranh luận cho rằng: “Chính phủ rà soát đất công, tài sản công còn hoang phí, Quốc hội giám sát thì sẽ có nguồn lực tài chính rất lớn đầu tư nhà cho người lao động thuê”.

Ông Ngân cũng đồng ý bổ sung quy định quản lý nhà trọ. Bởi, hiện chủ nhà trọ giữ vai trò quan trọng hơn nhà đầu tư bất động sản trong đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người lao động tại các đô thị lớn.

“Họ chia sẻ với người lao động. Hình ảnh chủ nhà trọ chia tay người lao động về quê khi không có việc làm rất xúc động” – ông Ngân nói và đề nghị nên có quy định chuẩn hoá nhà trọ này.

“Chính phủ nên trình Quốc hội có gói hỗ trợ chủ nhà trọ với lãi suất 0 đồng để nâng cấp, đảm bảo chuẩn hoá theo quy định để vừa đảm bảo an sinh xã hội vừa huy động nguồn lực xã hội lo chỗ ở cho người lao động”, ông Ngân nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm