ĐBSCL đang tụt hậu, là vùng trũng của phát triển doanh nghiệp

Chiều 14-12, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Trường Chính sách công và quản lý Fulbright tổ chức Lễ công bố Báo cáo kinh tế thường niên đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tại TP Cần Thơ. Chủ đề của báo cáo là nâng cao năng lực cạnh tranh để phát triển bền vững.

Ông Vũ Tiến Lộc phát biểu tại lễ công bố báo cáo kinh tế ĐBSCL. Ảnh: CK

Ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI cho rằng, miền Tây là một vùng kinh tế quan trọng, đóng vai trò như một kho lương thực, bếp ăn của cả nước, là nơi đi đầu trong quá trình hội nhập, xuất khẩu…

“Đây là báo cáo kinh tế vùng đầu tiên của nước ta. Đây là báo cáo kinh tế vùng toàn diện, tổng thể, sâu sắc đến thời điểm này của miền Tây. Tôi hy vọng có sự chung tay của lãnh đạo các địa phương để biến báo cáo kinh tế vùng thành diễn đàn kinh tế của vùng, để có cơ chế thúc đẩy các nỗ lực, hợp tác để phát triển kinh tế vùng” – ông Lộc cho hay.

Đồng thời, ông Lộc cũng bảy tỏ: “Tôi hy vọng báo cáo sẽ kể một câu chuyện cho cả thế giới biết về miền Tây hiện nay và cả trong tương lai. Miền Tây sẽ là khu vực đi đầu trong liên kết nội vùng và cũng đi đầu trong tam giác phát triển vùng Tây Nam Bộ – TP.HCM – Đông Nam Bộ, góp phần làm nên một tam giác phát triển của phía Nam.

Cửu Long là một ý tưởng tuyệt vời của cha ông ta. Tôi hy vọng trong tương lai không phải là chín con rồng mà 13 tỉnh, thành sẽ là 13 con rồng cùng bay lên trong kỷ nguyên hội nhập và phát triển”.

Cũng theo ông Lộc, hiện ĐBSCL đang tụt hậu, đang là vùng trũng của phát triển doanh nghiệp, đứng thứ 2 từ dưới lên so với các vùng, chỉ hơn miền núi phía Bắc; đóng góp GDP cũng thấp, chất lượng nguồn nhân lực và lao động lành nghề thấp, khoa học công nghệ cũng là một thách thức… Nhưng nếu có cách để khơi thông các điểm nghẽn, cách để khơi dậy những tiềm năng thì ĐBSCL có thể vượt lên trong thời gian tới.

Diễn giả giới thiệu tóm tắt về báo cáo kinh tế ĐBSCL đến các đại biểu. Ảnh: NHẪN NAM

Nội dung báo cáo gồm 5 chương về tổng quan bối cảnh kinh tế Việt Nam, nhìn lại 10 năm phát triển kinh tế ĐBSCL (2009-2019); Năng lực cạnh tranh của ĐBSCL; Các cụm ngành vùng ĐBSCL; Kết luận và khuyến nghị chính sách.

Theo báo cáo, vai trò kinh tế của ĐBSCL đang giảm dần so với các vùng khác trong cả nước. Nghiên cứu cho thấy đóng góp của ĐBSCL vào tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong ba thập kỷ qua giảm mạnh. Năm 1990, GDP của TP.HCM chỉ bằng 2/3 so với ĐBSCL thì hai thập niên sau, tỉ lệ này đã bị đảo ngược và duy trì cho đến hôm nay.

Di dân là câu chuyện nhức nhối của ĐBSCL. Tình trạng người dân của ĐBSCL di cư về TP.HCM và Đông Nam Bộ đáng báo động. So với các vùng thì ĐBSCL có tỉ lệ nhập cư thấp nhất cả nước, tỉ lệ xuất cư cao nhất và là vùng duy nhất có tỉ lệ tăng dân số là 0% trong giai đoạn 2009-2019.

Năng suất lao động của ĐBSCL được xác định là khá thấp. Đồng thời đây cũng là “vùng trũng” về đô thị hóa ở Việt Nam. Dân số trong vùng gần như không đổi  so với trước đó 10 năm.

Số lượng di cư trong 10 năm qua gần 1,1 triệu người, lớn hơn dân số củ một số tỉnh trong vùng, và tương đương với số tăng dân số tự nhiên của vùng. Tỉ lệ đô thị hóa của vùng 10 năm chỉ tăng nhẹ từ 22,8% lên 25,1%, trong khi cả nước tăng từ 29,6% lên 34,4%.

Báo cáo cũng nhận thấy thành tích nổi bật của ĐBSCL trong hai thập niên trở lại đây là kết quả giảm nghèo.

Từ các nghiên cứu, báo cáo đã đưa ra các khuyến nghị mang tính tổng kết, đặc biệt góp ý mô hình phát triển mới cho kinh tế ĐBSCL với 15 luận điểm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới