Một số chiến lược gia hải quân coi thế kỷ 21 là kỷ nguyên của tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, sau khi Mỹ loại bỏ hoàn toàn tàu chạy bằng diesel-điện vào những năm 1990.
Tuy nhiên, các kỹ sư Nga lại có quan điểm khác và đã nhiều lần chứng minh các tàu ngầm phi hạt nhân cũng đủ khả năng tàng hình để chống lại toàn bộ hạm đội của khối quân sự Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), theo đài Sputnik.
Nga hạ thủy tàu ngầm phi hạt nhân lớp Varshavyanka thứ năm thuộc Đề án 636.3
Tàu ngầm diesel lớp Varshavyanka thứ năm thuộc Đề án 636.3 có tên Mozhaisk của Hạm đội Thái Bình Dương (Nga) được hạ thủy tại nhà máy đóng tàu Admiralty ở St. Petersburg hôm 27-4. Buổi lễ có sự tham dự của các quan chức cấp cao hải quân và ngành công nghiệp, trong đó có Tư lệnh Hải quân Nga – Đô đốc Nikolai Yevmenov.
Tàu ngầm lớp Varshavyanka thuộc Đề án 636.3 của Nga. Ảnh: mil.in.ua |
Lớp tàu ngầm tấn công do Cục thiết kế Rubin chế tạo này là một phiên bản hiện đại hóa của Đề án 636, vốn được cải tiến từ Đề án 877 Paltus (NATO gọi là Kilo), được đưa vào hoạt động từ cuối thời Chiến tranh Lạnh trong những năm 1980 nhằm đối đầu các nhóm tấn công của NATO cũng như ẩn nấp trên Đại Tây Dương và Thái Bình Dương.
Tàu ngầm diesel lớp Varshavyanka mới nhất bắt đầu được bàn giao cho Hải quân Nga vào giữa những năm 2010. Tàu được trang bị mọi thứ như được mong đợi ở một tàu ngầm tấn công hiện đại, gồm hệ thống định vị thủy âm tiên tiến, ngư lôi 6x533 mm với 12 lần nạp lại, lên tới 24 tên lửa diệt hạm, tên lửa hành trình diệt hạm và tấn công mặt đất Kalibr cùng một kho tên lửa đất đối không vác vai Strela-3 và Igla-1.
Tuy nhiên, đặc tính tàng hình của lớp Varshavyanka đã khiến tàu ngầm này vượt trội và tồn tại lâu hơn cả các đối thủ cạnh tranh trong và ngoài nước, đồng thời vẫn phù hợp với thế kỷ 21, nơi mục tiêu chính vẫn là tránh bị đối phương phát hiện.
Nhờ đâu tàu ngầm Đề án 636.3 giỏi ẩn mình như vậy?
Được các nhà quan sát quân sự phương Tây mệnh danh là “hố đen”, tàu ngầm thuộc Đề án 636.3 có thân tàu hình giọt nước và hệ thống đẩy diesel-điện được bảo vệ trong đế cao su đặc biệt, ngăn nó chạm vào thân tàu và gây ra tiếng ồn siêu âm. Tàu còn được trang bị một lớp phủ chống dội âm bên ngoài, giúp giảm tiếng ồn phát ra từ bên trong tàu.
Theo chuyên san quân sự National Interest, các tàu ngầm thuộc Đề án 636.3 dài 74 m, lượng giãn nước hơn 3.900 tấn. Nhờ thân tàu chắc chắn nên tàu có thể hoạt động ở độ sâu 240 m và có thể lặn ở độ sâu tối đa 300 m. Tàu ngầm này có phạm vi hoạt động lên tới 12.000 km, có thể di chuyển với vận tốc 37 km/giờ và thời gian hoạt động trên biển là 45 ngày.
Thiết kế của tàu ngầm lớp Varshavyanka, có lẽ chỉ xếp sau tàu ngầm tên lửa đạn đạo chiến lược lớp Triomphant của Pháp về tính năng tàng hình, cho phép tàu né tránh được các radar dò tìm của đối phương, vượt qua các tàu chiến và máy bay tác chiến chống ngầm (ASW). Và nếu điều tồi tệ xảy ra, tàu ngầm sẽ phóng ngư lôi và tên lửa hành trình vào kẻ thù trước khi bị phát hiện.
Tính năng tàng hình của tàu ngầm lớp Varshavyanka không chỉ là lý thuyết. Hết lần này đến lần khác, các nước NATO đã triển khai tàu chiến, trực thăng ASW, phao định vị sóng âm và các thiết bị khác để săn lùng tàu ngầm Nga.
Tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo lớp Triomphant Le Terrible của Pháp. Ảnh: Wmeinhart/Wikimedia Commons |
Trong một sự việc xảy ra vào đầu năm 2021, tàu ngầm Rostov-on-Don biến mất khỏi hệ thống định vị sóng âm của NATO ở Địa Trung Hải, khởi phát một cuộc tìm kiếm ráo riết ngoài khơi bờ biển Israel, Lebanon và Syria. Một nguồn quân sự thạo tin nói với Sputnik rằng Mỹ và các đồng minh đã phải triển khai đông đảo lực lượng để tìm kiếm tàu ngầm Nga nhưng không có kết quả. Điều ngày đồng nghĩa là trong điều kiện chiến sự họ đang ở trong tầm ngắm và khiến họ vô cùng lo lắng.
Một sự cố tương tự cũng đã xảy ra vào cuối năm 2021, khi đó Hải quân Hoàng gia Anh xuất kích các trực thăng được trang bị đặc biệt để tìm kiếm một tàu ngầm của Nga đang ẩn mình gần tàu sân bay HMS Queen Elizabeth ở Địa Trung Hải, nhưng cũng thất bại.
Các biến thể của tàu ngầm lớp Varshavyanka và tàu tiền nhiệm trong Đề án 877 Paltus đã chứng minh được năng lực không chỉ tại Hải quân Nga mà còn các lực lượng hải quân khác. Hiện có 60 tàu chiến thuộc lớp này phục vụ cho hải quân các nước Trung Quốc, Ấn Độ, Iran, Algeria, Myanmar, Ba Lan và Romania. Nga vẫn chưa xuất khẩu tàu Đề án 636.3 ra nước ngoài, song các tàu Đề án 363 trước đó đã được xuất khẩu sang Trung Quốc và Algeria.
Qua thời gian, các tàu ngầm thuộc Đề án 636 và 636.3 đã chứng tỏ được một lợi thế lớn khác so với các tàu hạt nhân, đó là vấn đề chi phí. Ví dụ, trong khi một tàu ngầm tấn công nhanh lớp Virginia của Mỹ có giá tới 3,45 tỉ USD thì tàu ngầm lớp Varshavyankas được cho có giá khoảng 200 triệu USD mỗi chiếc - ít hơn 17 lần.
Theo hãng tin TASS, Mozhaisk là tàu ngầm thứ năm trong loạt sáu tầm ngầm diesel-điện thuộc Đề án 636.3 được chế tạo cho Hạm đội Thái Bình Dương. Các tàu ngầm thuộc Đề án 636.3 do Cục Thiết kế Rubin chế tạo. Hợp đồng chế tạo sáu tàu ngầm cho Hạm đội Thái Bình Dương Nga được ký vào tháng 9-2016.
Nhà máy đóng tàu Admiralty ở tây bắc nước Nga đã bàn giao các tàu ngầm diesel-điện thuộc Đề án 636.3 gồm Petropavlovsk-Kamchatsky, Volkhov, Magadan và Ufa cho Hạm đội Thái Bình Dương. Năm 2021, công ty đóng tàu khởi đóngtàu ngầm Mozhaisk cùng với tàu ngầm thứ sáu Yakutsk. Tàu ngầm Yakutsk dự kiến bàn giao cho Hải quân Nga vào năm 2024.
Các tàu ngầm thuộc Đề án 636 được xem là tàu ngầm ít gây ra tiếng ổn nhất thế giới. Hạm đội Thái Bình Dương của Nga dự kiến sẽ nhận tất cả tàu ngầm thuộc Đề án 636.3 được trang bị tên lửa hành trình Kalibr vào năm 2024.
Nhà máy đóng tàu Admiralty đã chế tạo 23 tàu ngầm thuộc Đề án 636 trong 23 năm.