Vì sao 'người bạn cũ' MiG sẽ không giúp Ukraine giành ưu thế trên không trước Nga?

(PLO)- Đối với các phi công Ukraine, tiêm kích MiG-29 do Liên Xô thiết kế là một “người bạn cũ"  đóng vai trò quan trọng, song họ cũng thừa nhận tiêm kích này sẽ không giúp Kiev giành ưu thế trên không trước Nga.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Khi Ba Lan và Slovakia thông báo kế hoạch tài trợ tới 30 máy bay chiến đấu MiG cho Ukraine, hành động này được ca ngợi là bước đột phá trong việc cung cấp cho Kiev loại vũ khí tinh vi hơn bao giờ hết và là dấu hiệu cho thấy các quốc gia Đông Âu tỏ ra táo bạo hơn so với Mỹ, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) hay Tây Âu trong việc ủng hộ Ukraine.

“Người bạn cũ” MiG-29 của phi công Ukraine không thể thay đổi cuộc chơi

Theo báo Washington Post, đối với các phi công Ukraine, tiêm kích MiG-29 do Liên Xô thiết kế là một “người bạn cũ”, là một máy bay thiếu hào quang và những năng lực tiên tiến của máy bay mới hơn nhưng dù sao cũng đóng một vai trò quan trọng.

Hai tiêm kích MiG-29 của Ba Lan tham gia cuộc tập trận của NATO gần căn cứ không quân Lask (miền trung Ba Lan) năm ngoái. Ảnh: AFP

Hai tiêm kích MiG-29 của Ba Lan tham gia cuộc tập trận của NATO gần căn cứ không quân Lask (miền trung Ba Lan) năm ngoái. Ảnh: AFP

Một phi công người Ukraine có biệt danh Moonfish đã thực hiện gần 60 lần xuất kích đều bằng MiG-29 nói rằng đã có lần chiến đấu cơ này giúp anh thoát khỏi nguy hiểm từ tên lửa Nga.

Tuy nhiên, khi quân đội Ukraine chuẩn bị mở cuộc tấn công mới nhằm đánh bật quân đội Nga khỏi các vùng lãnh thổ ở phía đông và nam đất nước thì “người bạn cũ” này có thể là không đủ.

Các binh sĩ và chuyên gia quân sự Ukraine cũng nói rằng những tiêm kích MiG được viện trợ sẽ không thể thay đổi cuộc chơi. MiG-29 – đi vào hoạt động từ đầu những năm 1980 và sau đó được nâng cấp để đáp ứng các yêu cầu chiến trường hiện đại – bị lép vế trước các chiến đấu cơ khác của Nga vốn được trang bị radar và hệ thống tên lửa mới hơn, các quan chức và chuyên gia Ukraine nói.

Những yếu kém trên chỉ ra những hạn chế tổng thế trong kế hoạch chiến đấu của Ukraine và làm phức tạp khả năng thực hiện cuộc phản công được chờ đợi từ lâu của họ. Giới chức Ukraine đã hy vọng cuộc phản công sẽ làm xoay chuyển cục diện cuộc chiến.

Kể từ khi Nga bắt đầu phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào tháng 2-2022, các phi công và lực lượng phòng không Ukraine đã tiến hành một cuộc chiến bất cân xứng chống lại cuộc tấn công đường không dữ dội hơn và tiên tiến hơn của Nga, dẫn đến thế giằng co, bế tắc trên không phận Ukraine. Sự bế tắc đó dường như sẽ tiếp tục, ngay cả khi có thêm nhiều chiếc MiG đến Ukraine.

Đầu tháng này, Đức đã cho phép Ba Lan cung cấp cho Ukraine năm tiêm kích MiG-29 từng thuộc về không quân Đông Đức trong Chiến tranh Lạnh. Luật pháp Đức yêu cầu bất kỳ hoạt động xuất khẩu vũ khí nào mà Đức sản xuất hoặc từng sở hữu đều phải được Berlin chấp thuận.

Có thêm chiến đấu cơ MiG là giải pháp tiền tuyến cho Ukraine?

Ông Justin Bronk, nhà nghiên cứu cấp cao và chuyên gia hàng không quân sự tại Viện Các lực lượng thống nhất Hoàng gia Anh (RUSI) nói: “Người Ukraine đã thể hiện ở Kharkiv và Kherson, và trước đó là trận chiến ở Kiev, bạn có thể giành chiến thắng trong các trận chiến và các cuộc chiến tranh mà không cần ưu thế trên không”.

Tiêm kích F-16 Fighting Falcon của Mỹ. Ảnh: MILITARY.COM

Tiêm kích F-16 Fighting Falcon của Mỹ. Ảnh: MILITARY.COM

Để quân đội Ukraine chiếm ưu thế, ông Bronk cho rằng họ cần duy trì thế đối đầu này. Ông nói: “Nga có nhiều hỏa lực mà họ có thể sử dụng từ trên không, nếu họ được trao cơ hội để làm điều đó”.

Tài liệu của tình báo Mỹ bị rò rỉ chỉ ra rằng việc duy trì thế đối đầu sẽ không dễ dàng đối với Ukraine. Theo nguồn tin tình báo từ thông tin mật bị rò rỉ trên nền tảng xã hội Discord, nguồn cung cấp đạn dược cho hệ thống phòng không chính của Ukraine đang ở mức thấp đáng báo động.

Ông Bronk nói: “Điều quan trọng là liệu Ukraine có thể tiếp tục chặn ưu thế trên không của Nga trên chiến trường hay không. Nếu không thể, mọi thứ có thể sẽ trở nên rất, rất khó khăn với Ukraine”.

Trong bối cảnh đó, có thêm nhiều chiến đấu cơ MiG hơn không phải là giải pháp cho các vấn đề tiền tuyến của Ukraine.

“Radar của MiG không hoạt động xa, tên lửa của chúng không phóng được xa. Chúng tôi cần những thế hệ máy bay mới, hiện đại” – ông Yuriy Ihnat, phát ngôn viên Không quân Ukraine thừa nhận.

Giới chức Ukraine đã hy vọng vào việc các quan chức phương Tây nhượng bộ và đồng ý gửi cho nước này các tiêm kích F-16 do Mỹ chế tạo. Tuy nhiên, đây dường như vẫn là hy vọng mong manh.

Trả lời phỏng vấn đài ABC News hồi cuối tháng 2, Tổng thống Mỹ Joe Biden nói Ukraine không cần F-16 lúc này. Tuy nhiên, giới chức Ukraine không đồng ý như vậy, nói họ mong có F-16 càng sớm càng tốt.

“F-16 là nền tảng phố biến nhất, chúng có thể mang đầy đủ các loại vũ khí bắt buộc phải có, nếu không muốn nói là chiếm ưu thế trên không thì ít nhất cũng là ngang bằng với người Nga” – ông Yuriy Sak, cố vấn cho Bộ Quốc phòng Ukraine nói.

Dù vậy, Ukraine vẫn đánh giá cao những chiếc MiG mà Ba Lan viện trợ. Theo trang phân tích quân sự Oryx Blog, không quân Ukraine đã mất ít nhất 19 chiếc MiG-29 kể từ khi xung đột nổ ra.

“Trong một cuộc chiến thông thường, càng nhiều vũ khí càng tốt. Chiến tranh thường dẫn đến tiêu hao, vì vậy một trong những thách thức dai dẳng của bạn là thay thế vật chất” – nhà phân tích quân sự Michael Kofman tại Trung tâm An ninh Mỹ Mới có trụ sở tại Washington D.C. nói.

Và dù những chiếc MiG mới sẽ không được sử dụng với khả năng tạo ra khác biệt đáng kể trong cuộc tấn công nhưng chúng sẽ tiếp tục thực hiện các chức năng hữu ích như đã cung cấp trong cuộc xung đột, hoặc sẽ bị tháo dỡ để lấy phụ tùng thay thế, ông Kofman nói.

Tiêm kích Sukhoi Su-34 của Nga. Ảnh: AFP

Tiêm kích Sukhoi Su-34 của Nga. Ảnh: AFP

Các tiêm kích MiG ở Ukraine hiện đã được trang bị tên lửa chống radar của phương Tây - tên lửa chống bức xạ tốc độ cao (HARM) - để nhắm mục tiêu vào các hệ thống phòng không của Nga.

Ông Ihnat cho hay HARMS đánh lạc hướng hệ thống phòng không của Nga, cho phép máy bay ném bom và máy bay tấn công của Ukraine hoạt động bình tĩnh và nhắm mục tiêu vào các vị trí và trung tâm hậu cần của Nga ở xa sau chiến tuyến.

Mùa thu năm ngoái, khi Nga mở chiến dịch phá hủy cơ sở hạ tầng và mạng lưới năng lượng của Ukraine, các tiêm kích MiG của Ukraine đã chuyển sang bắn hạ tên lửa hành trình và máy bay không người lái tự hủy, dẫu hiệu quả của chúng trong nhiệm vụ đó là thấp, theo ông Ihnat.

Bất chấp những hạn chế của MiG-29, phi công Ukraine nói họ thích lái dòng tiêm kích này.

“Cách chiến đấu cơ này hoạt động, cách nó thực hiện các thao tác, đặc biệt là ở độ cao thấp – đó là một máy bay tuyệt với để lái” – phi công có biệt danh Moonfish cho biết.

Dù vậy, MiG-29 không phải là đối thủ của các máy bay Nga trong một cuộc không chiến.

“Chúng tôi là con mồi dễ dàng và nhiệm vụ luôn cực kỳ nguy hiểm” – phi công Moonfish nói.

Phi công này cũng chia sẻ không một phi công phương Tây hay chỉ huy phương Tây nào từng phải thực hiện loại nhiệm vụ mà phi công Ukraine đang làm hiện nay.

Trong khi đó, ông Ihnat cho hay những chiếc MiG sẽ không mạo hiểm đến quá gần mặt trận, nơi hệ thống phòng không của Nga đã được giăng kín đến mức một con ruồi cũng không thể chui qua.

Các quan chức Ukraine hy vọng việc Ba Lan tài trợ tiêm kích MiG sẽ giúp các đối tác phương Tây của họ vượt qua rào cản tâm lý để gửi thêm máy bay hiện đại hơn cho Kiev, giống như quyết định của các nước Đông Âu về cung cấp xe tăng cũ đã mở đường cho việc viện trợ xe tăng tiên tiến Leopard 2 do Đức sản xuất.

Ba Lan và Slovakia ban đầu định gửi MiG đến Ukraine ngay từ đầu xung đột nhưng đã phải hủy kế hoạch. Sau đó, vào tháng trước, hai nước cho biết họ lại đang xúc tiến kế hoạch cung cấp máy bay. Các máy bay MiG của Slovakia đã bay đến Ukraine, còn các máy bay của Ba Lan đang được tháo dỡ để đưa vào bằng đường bộ, theo một quan chức Ukraine giấu tên.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm