Bộ Quốc phòng Nga vừa công bố video ghi lại cảnh các phi công lái trực thăng Mi-35 của nước này sử dụng chiến thuật mới để giảm thiểu nguy cơ trúng hỏa lực phòng không của đối phương khi thực hiện nhiệm vụ.
Trực thăng Mi-35 của Nga áp dụng chiến thuật mới
Theo trang The EurAsian Times, chỉ huy phi đội trực thăng Mi-35 của Nga có biệt danh Wild Boar tiết lộ họ đang sử dụng chiến thuật bay vòng tối đa theo địa hình để giảm thiểu nguy cơ trở thành mục tiêu của hệ thống phòng không của đối phương.
Trực thăng Mi-35M là phiên bản xuất khẩu của trực thăng Mi-24. Ảnh: Wikimedia Commons |
Theo chú thích của video, trực thăng tấn công đa nhiệm Mi-35 được triển khai để thực hiện nhiệm vụ chiến đấu trong một chiến dịch quân sự đặc biệt. Một nhiệm vụ cụ thể được giao cho phi hành đoàn là loại bỏ các vị trí của quân đội Ukraine.
Trong video, chiếc Mi-35 được nhìn thấy đang bay ở tầm rất thấp, đôi khi bay gần vào tán cây và dây điện nhằm tránh bị hệ thống phòng không của đối phương phát hiện.
Chiếc trực thăng cũng được nhìn thấy bắn tên lửa không dẫn đường ngay sau khi xuất hiện sau tán cây rồi nhanh chóng quay đầu trở lại.
Quân đội Nga điều chỉnh cách tiếp cận dựa trên đặc điểm cảnh quan, đặc điểm địa hình chẳng hạn như các cánh rừng, hệ thống dây điện và các yếu tố khác. Các phi công nhấn mạnh sự tin cậy của trực thăng Mi-35 đã giúp họ vượt qua những tình huống khó khăn ngoài sức tưởng tượng.
Phi công có biệt danh Wild Boar cho biết thách thức lớn nhất là tránh đòn đáp trả của đối phương khi các thiết bị giám sát của đối phương phát hiện ra cuộc tấn công hoặc bức xạ máy bay. Trong những tình huống như vậy, phi hành đoàn phải dựa vào kinh nghiệm và khả năng của họ để điều hướng. Cũng theo phi công này, dù trực thăng Mi-35 vẫn có một số tính năng hạn chế nhưng máy bay đã hỗ trợ họ một cách đáng tin cậy khi thực hiện nhiệm vụ.
Trao đổi với The EurAsian Times, ông Vikram Raghavan, cựu phi công lái máy bay Mi-24 của Không quân Ấn Độ cho hay các trực thăng tấn công luôn sử dụng một kỹ thuật gọi là “che giấu địa hình” (Nap-of-the-earth (NOE)) để ẩn nấp.
Ông Raghavan giải thích kỹ thuật “che giấu địa hình” (Nap of the earth) chỉ hoạt động bay ở độ cao rất thấp, lợi dụng địa hình có sẵn để che chắn nhằm tránh bị radar hoặc hệ thống phòng không di động (MANPADS) của đối phương phát hiện.
Dựa vào những video xuất hiện trên chiến trường, cựu phi công của Không quân Ấn Độ suy đoán địa hình ở Ukraine phần lớn là bằng phẳng và các trực thăng của Nga chủ yếu hoạt động bay vào ban đêm.
Ông Raghavan còn lưu ý khả năng máy bay bị đối phương phát hiện vào ban ngày là khoảng 70%, nên với địa hình bằng phẳng như vậy, các hoạt động bay vào ban đêm được ưu tiên hơn là bay vào ban ngày. Khi bay vào ban đêm, hầu hết hệ thống MANPADS không hiệu quả vì chúng phụ thuộc vào kính ngắm thông thường và không nhiều hệ thống có dẫn đường bằng hồng ngoại.
Ông Raghavan đánh giá trực thăng tấn công Mi-35 của Nga là phương tiện bọc thép khá ưu việt, và có thể đối phó hiệu quả các hệ thống phòng không MANPADS và SAM dù những tổ hợp này có khả năng theo dõi ở tầm thấp.
Vai trò của trực thăng Mi-35
Mi-35 là trực thăng chiến đấu và vận tải do Nga phát triển trong những năm 1980 với mục đích chính là tiêu diệt các phương tiện bọc thép của đối phương, hỗ trợ lực lượng mặt đất và vận chuyển hàng hóa, binh sĩ.
Phi hành đoàn gồm hai người, có thể đạt tốc độ 300 km/giờ. Quân đội Nga từng dùng loại trực thăng này rộng rãi trong nhiều cuộc xung đột, trong đó có tại Afghanistan và Syria.
Trực thăng Mi-24 của Nga. Ảnh: Pravda |
Mi-35 là một khí tài quan trọng trong kho vũ khí của quân đội Nga. Nhờ khả năng né tránh được hỏa lực của đối phương cũng như được trang bị vũ khí mạnh mẽ, Mi-35 được đánh giá là phương tiện đáng gờm trên chiến trường. Sau khi ra đời, Mi-35 nhanh chóng trở thành trụ cột trong quân đội Nga và các lực lượng không quân của nhiều quốc gia trên thế giới.
Mi-35 được chế tạo để tăng khả năng sống sót trên chiến trường, với buồng lái được bọc thép có thể chịu được hỏa lực của những loại vũ khí nhỏ, trong khi cánh quạt hạng nặng được thiết kế để chống chịu trước các mảnh đạn hoặc vật thể khác.
Ngoài ra, hệ thống điện tử hàng không và hệ thống đối kháng điện tử tiên tiến giúp tránh hỏa lực của đối phương khiến Mi-35 khó bị đối phương theo dõi.
Mi-35 có thể mang nhiều loại thiết bị, gồm vũ khí hạng nặng và đạn dược, có thể dỡ xuống nhanh chóng và hiệu quả khi máy bay hạ cánh.
Bên cạnh khả năng quân sự, Mi-35 còn được sử dụng trong các nhiệm vụ nhân đạo, chẳng hạn như cứu trợ thiên tai và sơ tán hàng hóa. Khoang chứa hàng rộng và khả năng bay tầm thấp khiến Mi-35 hoàn toàn thích hợp để vận chuyển vật tư và nhân viên đến các địa điểm xa xôi hoặc khó tiếp cận.
Thiết kế hai chỗ ngồi song song của máy bay cho phép hai thành viên phi hành đoàn làm việc cùng nhau hiệu quả hơn. Một ưu điểm nữa là Mi-35 có các cánh quạt đồng trục giúp cải thiện sự ổn định và khả năng cơ động của máy bay.
Theo quân đội Nga, Mi-35 đã chứng minh được hiệu quả trong chiến đấu và các nhiệm vụ khác. Nhờ được trang bị công nghệ hiện đại, động cơ mạnh mẽ, thiết kế bền bỉ, Mi-35 được coi là phương tiện chiến đấu hiệu quả và đáng tin cậy cho bất kỳ hoạt động quân sự hay nhân đạo nào.