Để Cần Giờ là TP biển thu hút, giao thông phải xứng tầm

(PLO)- Các tuyến đường liên kết từ Cần Giờ tới trung tâm TP.HCM và các tỉnh lân cận cần sớm được khơi thông để đưa huyện này trở thành TP biển, du lịch xanh vào năm 2030.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Trương Tiến Triển, Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ, cho biết Nghị quyết 12 của Thành ủy TP.HCM về định hướng phát triển huyện Cần Giờ đến năm 2030 đã được thông qua. Theo đó, áp lực của huyện Cần Giờ là rất lớn, trong đó có vấn đề phát triển hạ tầng giao thông.

Thiếu cầu, phà và hạ tầng kết nối

Huyện Cần Giờ là địa phương nằm tiếp giáp với các tỉnh như Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Tiền Giang, Long An. Tuy nhiên, hiện nay để tới được huyện Cần Giờ, người dân vẫn phải lưu thông bằng phà, tàu vì thiếu những cây cầu kết nối. Có thể thấy hạ tầng giao thông kết nối đã trở thành nút thắt lớn nhất của huyện này.

Nhiều năm nay, phà Bình Khánh (nối huyện Nhà Bè - huyện Cần Giờ) đã thực sự quá tải. Chưa kể đến những ngày lễ, tết, những ngày cuối tuần tuyến phà này đã bị kẹt.

Đại diện đơn vị quản lý phà Bình Khánh (thuộc Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích Thanh niên xung phong) cho biết trung bình mỗi ngày có tới 20.000 lượt khách di chuyển qua phà Bình Khánh. Trong khi đó, nhiều năm nay phà tại khu vực Bình Khánh đang thiếu, không đủ đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.

Chị Minh Hà, người dân huyện Cần Giờ, cho biết: “Người dân TP vốn mong ngóng cây cầu Cần Giờ kết nối với trung tâm TP. Tuy nhiên, sau nhiều năm, dự án vẫn chưa rõ ngày khởi công. Tương tự, dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành đã được khởi động từ 10 năm nay, song cũng chưa biết ngày về đích”.

Ngoài ra, người dân từ trung tâm TP có thể di chuyển từ tàu cao tốc TP.HCM - Vũng Tàu thông qua một trạm dừng chân ở huyện Cần Giờ. Tuy nhiên, phương án này ít được người dân và du khách lựa chọn.

Như vậy, về tổng thể, hạ tầng kết nối giữa các địa phương với huyện Cần Giờ còn chậm, chưa thực sự thu hút du khách.

Phà Bình Khánh, kết nối trung tâm TP.HCM với huyện Cần Giờ, luôn quá tải trong các dịp lễ, tết. Ảnh: Đ.TRANG

Phà Bình Khánh, kết nối trung tâm TP.HCM với huyện Cần Giờ, luôn quá tải trong các dịp lễ, tết. Ảnh: Đ.TRANG

Hàng loạt dự án đòn bẩy cần được đầu tư

Ông Trương Tiến Triển, Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ, cho biết: Để cụ thể hóa mục tiêu phát triển theo định hướng của Thành ủy TP, hiện nay huyện Cần Giờ đang trong quá trình lập quy hoạch vùng huyện. Dự kiến được phê duyệt, làm cơ sở triển khai thực hiện trong năm 2023.

“Sau khi quy hoạch vùng huyện được phê duyệt, huyện sẽ triển khai thực hiện các dự án hạ tầng giao thông theo quy hoạch. Trong đó, ưu tiên những công trình trọng điểm mang tính đòn bẩy, đột phá như cầu Cần Giờ, dự án đường Rừng Sác trên cao, các dự án đường vành đai phía đông và phía tây…” - ông Triển cho biết

Đặc biệt, theo ông Triển, huyện sẽ mở cửa ngõ thứ tư kết nối huyện Cần Giờ với tỉnh Tiền Giang hình thành tuyến giao thông ven biển, tạo động lực phát triển kinh tế liên vùng.

Để sớm khơi thông hạ tầng giao thông, tạo liên kết vùng và sớm đưa huyện Cần Giờ trở thành TP biển, du lịch xanh, ông Triển mong muốn huyện tiếp tục nhận được những hỗ trợ, hướng dẫn và ủng hộ từ các sở, ngành TP trong quá trình thực hiện. Từ đó, huyện và các sở, ngành cùng phối hợp chặt chẽ, linh động và nhanh chóng tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Về cơ sở hạ tầng, cần sớm đầu tư các dự án kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội cho huyện và TP.HCM.

Cụ thể là các công trình: Đường Rừng Sác trên cao, đường liên xã Bình Khánh - An Thới Đông - Lý Nhơn - Long Hòa, đường vành đai kết nối các xã phía bắc, các dự án xử lý chất thải rắn và xử lý nước thải tập trung trên địa bàn huyện.

Bên cạnh đó, các dự án kết nối liên vùng càng phải được chú trọng như: Xây dựng nút giao thông kết nối đường Rừng Sác với tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành, mở tuyến phà kết nối liên vùng với huyện Gò Công Đông (Tiền Giang).

Ngoài ra, huyện Cần Giờ mong muốn sớm kêu gọi đầu tư xây dựng hệ thống bến, cảng biển theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2020-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Trong đó, đối với nguồn lực đầu tư cần được nghiên cứu, đề xuất chủ trương theo hướng để lại nguồn thu, tạo điều kiện cho huyện chủ động nguồn vốn đầu tư phát triển hạ tầng, bảo vệ môi trường và chăm lo cho đời sống của người dân.

Bên cạnh đó, cần đa dạng hóa các nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, nguồn lực nhà nước đóng vai trò cơ bản chủ đạo, đi trước một bước nhằm tạo bước đột phá về hệ thống kết cấu hạ tầng.

Đối với việc quản lý đất đai cần tổng rà soát, cần xác định diện tích đất rừng và cắm mốc quản lý đất rừng. Huyện này cũng mong TP cho chủ trương xây dựng phương án kết hợp nghiên cứu, phát triển với khai thác du lịch sinh thái nhằm phát huy giá trị hệ sinh thái rừng ngập mặn Cần Giờ - khu dự trữ sinh quyển của thế giới.•

Đang tìm phương án làm cầu Cần Giờ

“Xây dựng cầu Cần Giờ là cần thiết để phát triển giao thông, liên kết vùng và tạo điều kiện phát triển huyện Cần Giờ theo mục tiêu đề ra. Hiện Sở GTVT TP.HCM đang thực hiện các bước thủ tục để nghiên cứu đầu tư, tìm nguồn vốn - phương án đầu tư cầu Cần Giờ” - ông Phan Công Bằng, Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, cho biết.

Theo ông Bằng, cầu Cần Giờ đã được đề xuất đầu tư xây dựng từ nhiều năm trước với nguồn vốn trên 10.000 tỉ đồng. Cây cầu này sẽ thay phà Bình Khánh - hiện là phà độc đạo nối huyện Cần Giờ với trung tâm TP.HCM. Qua đó tạo điều kiện thúc đẩy và phát triển dự án khu lấn biển, khu đô thị du lịch biển Cần Giờ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm