Để dân Đà Nẵng không thành 'con tin' của công ty cấp nước

Ngày 24-11, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa cùng đoàn công tác có buổi làm việc với Công ty Cổ phần Cấp nước Đà Nẵng (Dawaco). Tại đây, ông Nghĩa khẳng định: Trong những ngày người dân thiếu nước sinh hoạt, trục trặc của trạm bơm An Trạch là không thể chấp nhận được. Mô hình quản lý, đại diện vốn nhà nước tại Dawaco phải thay đổi ngay.

Sở Xây dựng, Dawaco nhận trách nhiệm

Báo cáo tại buổi làm việc, ông Nguyễn Trường Ảnh, Chủ tịch HĐQT Dawaco, thừa nhận đơn vị đã chủ quan, không lường trước nhiễm mặn tại sông Cầu Đỏ có thể xảy ra trong mùa mưa lũ nên lúng túng trong điều hành.

Ông Nguyễn Trường Ảnh, Chủ tịch HĐQT Dawaco. Ảnh: TẤN VIỆT

Dawaco chưa kịp thời ứng phó với sự cố bơm, cho dù sự cố xảy ra trong đợt mặn, dẫn đến không có máy bơm dự phòng từ ngày 3 đến 9-11.

“Khi xảy ra tình trạng thiếu nước, việc thông tin đến khách hàng còn chậm trễ, chưa thông báo kịp thời bằng tin nhắn cho từng khách hàng nên không nhận được sự thông cảm của khách hàng, gây dư luận và suy diễn không đáng có”, ông Ảnh nói.

Theo Giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng Vũ Quang Hùng, đơn vị cũng chưa chủ động kiểm tra, đôn đốc các hoạt động của Dawaco, lúng túng trong vai trò quản lý nhà nước. UBND TP đã chỉ đạo các đơn vị kiểm điểm trách nhiệm.

Ông Trương Quang Nghĩa đặt vấn đề nếu TP không mạch lạc và UBND TP không can thiệp đúng lúc, người dân Đà Nẵng sẽ trở thành “con tin” của Dawaco. “Phải có cơ chế truất quyền điều hành của tổng giám đốc, chủ tịch HĐQT, thay thế bằng người có năng lực như chúng ta đã làm với công ty môi trường đô thị”, ông Nghĩa nói.

34.000 bình luận

“Tôi có một thống kê là những ngày vừa qua có tới 34.000 comment (bình luận trên mạng xã hội – PV) quan tâm, xem xét tình trạng thiếu nước của Đà Nẵng. Từ một TP đáng sống mà người ta nói đáng sống như thế à? Câu hỏi như thế là trách nhiệm của chúng ta”, ông Trương Quang Nghĩa nói.

 

Bí thư Đà Nẵng cũng đề nghị UBND TP đưa ra mô hình chỉ có một đầu mối chịu trách nhiệm toàn diện về Dawaco là Sở Xây dựng, không có chuyện cả Sở Nội vụ cũng quản lý con người ở Dawaco.

“Tình trạng thiếu nước thời gian qua rõ ràng do điều hành của chúng ta. Hàng năm, TP dự phòng 12 tỉ đồng để cấp nước thô về nhà máy nước Cầu Đỏ, nhưng khi sờ đến An Trạch thì trục trặc. Dân thiếu nước là các đồng chí có tội, trong chừng mực nào đó cần phải đưa ra tòa chứ không đơn giản đâu. Vì với nước là cả chuyện an ninh nguồn nước, là trật tự chính trị, xã hội đấy”, ông Nghĩa nói, đồng thời đề nghị thay đổi ngay mô hình quản lý, đại diện vốn nhà nước tại Dawaco.

Ông Trương Quang Nghĩa tại buổi làm việc với Dawaco ngày 24-11. Ảnh: TẤN VIỆT

Đầu tư ngay nhà máy nước Hòa Liên

Theo lãnh đạo Sở KH&ĐT Đà Nẵng, phương án đầu tư công đối với nhà máy nước (NMN) Hòa Liên công suất 120.000 m3/ngày đêm là khả thi, dựa vào khả năng cân đối nguồn lực năm 2019 của TP.

Cụ thể, nguồn tăng thu tiền sử dụng đất năm 2018 là 950 tỉ, nguồn xây dựng cơ bản bố trí 300 tỉ, tổng là 1.250 tỉ, tương đương với nguồn vốn cần cho dự án là 1.243 tỉ.

“Quan điểm của Sở KH&ĐT là giao cho một BQL dự án đứng ra tổ chức đấu thầu. Thời gian xây dựng dự án khoảng 25 tháng. Sau đó là đấu thầu chọn đơn vị vận hành và việc này phải làm song song với quá trình xây dựng để kịp thời vận hành ngay sau khi xây dựng xong”, lãnh đạo Sở KH&ĐT nói.

Ông Đặng Việt Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, cho hay bằng mọi giá đến cuối năm 2020 phải đưa NMN Hòa Liên vào hoạt động, nếu không TP sẽ thiếu nước.

Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Nho Trung cũng khẳng định HĐND TP đã ra Nghị quyết đến 2020 phải hoàn thành NMN Hòa Liên. “Sau khi xây dựng xong, mình thành lập công ty cổ phần điều hành NMN Hòa Liên”, ông Trung nói.

Nhắc lại câu chuyện Đà Nẵng từ chối vốn vay nước ngoài đầu tư NMN Hòa Liên vào năm 2016, ông Trương Quang Nghĩa cho rằng có cơ sở để kiểm điểm UBND TP và các ban, ngành về việc này. Bởi từ một văn bản của Dawaco mà UBND TP đã lập tức báo cáo Chính phủ dừng nhận vốn vay nước ngoài, giao cho Dawaco làm NMN Hòa Liên, dẫn đến dự án từ 2012 đến nay chưa thể triển khai.

Theo ông Nghĩa, ngành nước là ngành nhà nước khuyến khích cho các thành phần kinh tế tham gia. Nếu dư thời gian, làm BOT rất đơn giản. Nhưng do tính cấp bách, phần xây dựng bây giờ TP chịu trách nhiệm.

“Chúng ta tập trung làm luôn với bộ máy của mình. Xây dựng xong thì mình đấu thầu khai thác, thậm chí là chuyển giao dự án luôn, Nhà nước thu hết tiền về. Đề nghị UBND TP làm nhanh để thông qua chủ trương đầu tư NMN Hòa Liên tại kỳ họp HĐND TP cuối năm 2018. Luật pháp đã quy định thì chúng ta chọn cách thức đầu tư nào hợp lý, nhanh nhất, sau đó sẽ chuyển giao dự án cho mô hình quản lý khác. Cái này thuộc thẩm quyền quyết định của UBND TP”, ông Nghĩa nói. 

Nghiên cứu nguồn nước từ sông Cu Đê

Tại buổi làm việc, Bí thư Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa đề nghị Sở TN&MT rà soát kỹ càng nguồn nước lưu vực sông Cu Đê. Con sông này nằm trọn trong địa phận TP Đà Nẵng. “Khả năng lưu vực sông Cu Đê là bao nhiêu? Đề ra giải pháp thiết kế hồ đập, đáp ứng cho thủy lợi, nước sạch của TP, phát triển đô thị theo hướng sinh thái. Nguồn nước của sông Cu Đê rất sạch, không như nguồn nước từ Quảng Nam bị khai thác vàng, đủ thứ hóa chất rất nguy hiểm”, ông Nghĩa nói.

Ông Nghĩa cũng đề nghị TP về lâu dài phải xác định sông Cu Đê là chốt an toàn nguồn nước của TP và không phụ thuộc vào Quảng Nam. Do đó, TP tránh đầu tư các nhà máy, công trình ô nhiễm trên sông này. Cả mỏ vàng Khe Đương mà TP đang cho phép khai thác, HĐND TP sẽ đưa ra nghị quyết dừng khai thác vào kỳ họp cuối năm nay để giữ cho nguồn nước sông Cu Đê được trong sạch.

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới