Miền Trung đối diện cơn hạn hán lịch sử sau 45 năm

“Lưu lượng nước về hồ thủy điện sông Tranh tháng 10-2018 chỉ bằng 27% trung bình nhiều năm. Tháng 11 giữa mùa lũ nhưng lưu lượng về còn thảm hơn, chỉ còn 43,5 m3/giây, bằng 10% trung bình nhiều năm. Sau 45 năm, năm nay thấp kỷ lục” - ông Vũ Văn Lân, Phó Giám đốc Công ty Thủy điện Sông Tranh (Quảng Nam), đưa ra thông tin gây sốc tại cuộc làm việc giữa Cục Quản lý tài nguyên nước - Bộ TN&MT với đại diện bốn thủy điện lớn trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn tại trụ sở Công ty Cổ phần cấp nước Đà Nẵng (Dawaco) sáng 15-11.

Đà Nẵng: Nước về đủ nhưng vận hành chưa đạt

Tại cuộc làm việc, ông Hồ Hương, Tổng Giám đốc Dawaco thông tin lại tình hình thiếu nước sạch thời gian qua tại Đà Nẵng. Lý do chính được ông Hương đưa ra là độ mặn tại cửa thu Cầu Đỏ cao, có thời điểm lên trên 4.000 mg/l nên phải đóng cửa thu này để lấy nước từ Trạm bơm An Trạch.

Ông Hồ Hương (phải) trao đổi với ông Châu Trần Vĩnh, Phó cục trưởng Cục quản lý tài nguyên nước tại Nhà máy nước Cầu Đỏ trưa 15-11. Ảnh: TẤN VIỆT

Trả lời câu hỏi của ông Châu Trần Vĩnh (Phó cục trưởng Cục quản lý tài nguyên nước), đề nghị khẳng định nước tại An Trạch có đủ không, ông Hương cho hay khi thủy điện xả nước, mực nước về An Trạch trên 1,6 m là đủ nhưng công suất đường ống tải về hai nhà máy nước Cầu Đỏ và Sân Bay chỉ 210.000 m3, không thể cung cấp đủ cho nhu cầu 270.000 m3 của toàn TP.

“Đường ống chưa được cải tạo từ 2007 đến nay, khi vận hành thì Dawaco rất lo vỡ đường ống nếu cố vượt qua mức 210.000 m3” - ông Hương nói. Về giải pháp tạm thời, ông Hương cho hay cần phải nâng cấp trạm biến áp tại An Trạch, triển khai thêm đường ống nước thô từ An Trạch về hai nhà máy Sân Bay và Cầu Đỏ.

Ông Hương cũng kiến nghị các cấp cho cơ chế khi nhiễm mặn, Dawaco được phép chỉ cần gọi điện thoại trực tiếp cho các nhà máy thủy điện để yêu cầu xả nước, không cần chờ văn bản của TP vì mất thời gian.

“Các nhà máy thủy điện cũng nên luân phiên xả nước về hạ du, tránh tình trạng có hồ xả, hồ không xả. Dawaco đã chia sẻ thông tin độ mặn, mực nước tại hạ du liên tục cho các bên liên quan, nên cũng mong các thủy điện chia sẻ thông tin mực nước tại hồ chứa và thông tin xả nước cho Dawaco” - ông Hương đề nghị.

Cục Quản lý tài nguyên nước kiểm tra vận hành Nhà máy nước Cầu Đỏ trưa 15-11. Ảnh: TẤN VIỆT

Theo ông Vĩnh, không ai có thể dám chắc về độ mặn tại sông Cầu Đỏ thời gian tới nên Dawaco phải xác định là phải bơm nước từ An Trạch thường xuyên. Còn về trách nhiệm vận hành đủ nước của Dawaco cho sinh hoạt của Đà Nẵng, ông Vĩnh cho hay không có bình luận vì không phải nội dung chính của cuộc làm việc.

Ông Vĩnh cũng yêu cầu Dawaco và các thủy điện có thông tin kịp thời với nhau, đảm bảo làm sao tiết kiệm nước, cố gắng tích trữ nước tối đa cho năm 2019.

Nguy cơ mất trắng vụ đông xuân 2019

Theo ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy điện Đăk Mi, trung bình từ tháng 9 đến nay, thủy điện Đăk Mi 4 xả về hạ du 8 m3/giây. Cao trình nước tại hồ Đăk Mi 4 đang là 239,4 m, thấp hơn mực nước chết 0,6 m. Mực nước về hồ Đăk Mi 4 chỉ bằng 26% so với trung bình nhiều năm trước.

Tại thủy điện sông Tranh, cao trình nước tại hồ đang là 140,84 m, chỉ cao hơn mực nước chết 0,84 m. Theo tính toán, nếu lưu lượng về hồ đạt 50% trung bình nhiều năm thì khả năng đến 26-12 mực nước hồ mới lên được cao trình 170 m. “Lạc quan lắm mới được như vậy” - ông Vũ Văn Lân nói.

Ông Ngô Xuân Thế, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy điện A Vương, nhận định nguy cơ thiếu nước lớn hơn và rõ ràng hơn sẽ rơi vào mùa khô 2019.

Ông Ngô Xuân Thế, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy điện A Vương. Ảnh: TẤN VIỆT

Theo báo cáo của Tổng cục Khí tượng thủy văn (Bộ TN&MT), tổng lượng mưa tháng 9, 10 thấp hơn từ 30% đến 70% trung bình nhiều năm. Lượng nước của mùa lũ năm nay thiếu hụt so với trung bình nhiều năm 70% đến 80%, điều này là hết sức đặc biệt.

Theo ông Nguyễn Sơn, Phó Giám đốc Công ty Thủy điện Sông Bung, tình hình hiện tại thì nguyên tắc là phải giảm phát điện để tích nước cho năm 2019. Đối với lưu vực sông Thu Bồn, nguy cơ nước sông Hội An sẽ nhiễm mặn rất nặng, thậm chí là cả huyện Duy Xuyên (Quảng Nam).

“Chúng tôi phải tiết kiệm nước tối đa để vụ đông xuân 2019 có nước để đổ ải chứ nguy cơ vụ đông xuân sắp tới mất trắng” - ông Sơn cảnh báo.

Ông Châu Trần Vĩnh cho rằng đang còn một chút may mắn là vẫn có mưa ở hạ du, dù rất ít. Theo hình thái thủy văn thì mùa khô năm nay bắt đầu từ ngày 15-12.

“Chúng tôi lo đến 1-9 năm sau, vụ hè thu 2019, vụ đông xuân 2019 vẫn còn có mưa và hy vọng còn có lũ tiểu mãn chứ vụ hè thu thì rất khốc liệt”, ông Vĩnh nói và cho hay đoàn kiểm tra sẽ có báo cáo cho bộ trưởng TN&MT để có những chỉ đạo tiếp theo.

Thủy điện lo an ninh năng lượng

Theo ông Ngô Xuân Thế, quy trình vận hành liên hồ cho phép từ hôm nay 15-11, các hồ được phép tích nước cho mùa khô sang năm. Nhưng với tình hình hiện nay, khả năng nhiều thời điểm không thể thực hiện đồng thời việc cấp nước cho hạ du lẫn đảm bảo an ninh năng lượng điện.

“Sản lượng điện hằng tháng chúng tôi được giao theo quy định rồi, nếu không đáp ứng được thì vi phạm quy định của điều độ điện. Nếu không có văn bản nào trong trường hợp can thiệp thiếu nước nghiêm trọng thì chúng tôi vẫn phải thực hiện theo điều độ điện. Như vậy, triển vọng về nước cho mùa khô sang năm sẽ rất gay gắt” - ông Thế nói.

Còn tại thủy điện Sông Bung 4, ông Nguyễn Sơn cho hay do thiếu nước, từ ngày 16-10 đến 14-11, Sông Bung 4 đã tách khỏi lưới điện, ngừng phát điện. “Trong hồ hiện nay có 64 triệu m3. Nhận định 2019 mới thiếu nước nghiêm trọng hơn. Giờ vẫn phát điện cùng lúc với xả nước thì khả năng thiếu nước 2019 sẽ rất trầm trọng. Do vậy, đề nghị các cấp có chỉ đạo sớm để vừa đảm bảo tích nước, xả nước cho hạ du và đảm bảo an ninh năng lượng điện” - ông Sơn nói.

 
Đà Nẵng thiếu nước trầm trọng, do đâu?
Đà Nẵng thiếu nước trầm trọng, do đâu?
(PLO)-Từ khi các thủy điện ồ ạt xây dựng ở thượng nguồn và bẻ dòng chảy của sông Vu Gia-nơi cung cấp nước chính cho Đà Nẵng thì việc thiếu nước đã được cảnh báo.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm