Sắp tới, TP Hội An (Quảng Nam) sẽ triển khai thực hiện thí điểm mô hình lưu trú trải nghiệm cùng hộ gia đình trong khu phố cổ. Hiện TP Hội An đang khảo sát, cho đăng ký danh sách, khi đủ các điều kiện thì việc thí điểm đón khách sẽ bắt đầu.
Mô hình đã được triển khai rộng rãi
Là người tư vấn du lịch cho nhiều tỉnh, thành trên cả nước, TS Dương Đức Minh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế và Du lịch TP.HCM, đánh giá mô hình lưu trú trải nghiệm cho khách ăn ở trong các hộ gia đình (hay còn gọi là mô hình homestay) như Hội An đã được triển khai rộng rãi tại nhiều địa phương trên cả nước và thế giới.
Tuy nhiên, hiện nay mô hình homestay chưa phát huy đúng bản chất là ăn, ở cùng gia đình hộ dân một cách thực thụ, đúng nghĩa bởi nhiều khi không gian lưu trú còn tách biệt.
"Cách thí điểm của Hội An đi vào thực chất của mô hình homestay, người dân và du khách tìm hiểu cuộc sống và văn hóa của nhau, rào cản ngôn ngữ sẽ được gỡ bỏ từ từ" - TS Minh nhận xét.
Hội An là tâm điểm du lịch của Việt Nam. Để mô hình thật sự thành công, chúng ta phải quy tụ được những hộ gia đình sinh sống lâu năm ở đây thì mô hình mới thật sự thành công.
Người làm du lịch ở Hội An rất năng động và sáng tạo, ngoài ra kĩ năng ngoại ngữ của người dân Hội An đã khá tốt. Dù vậy sẽ có nhiều thị trường khách đến Hội An như Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Ấn Độ, theo đó chính quyền địa phương cần có những buổi tập huấn, hỗ trợ lớp học cho cho người dân để xóa bỏ rào cản ngôn ngữ, hạn chế những xung đột về văn hóa.
Tiếp đến, TS Minh cho rằng quan trọng là tính chân thực. Đã làm du lịch đòi hỏi sự trật tự và ngăn nắp, một hộ gia đình cần đạt được sự tối thiểu cảm nhận của một cơ sở lưu trú. Không gian nhà ở ngăn nắp và sạch sẽ, bố trí hợp lý để du khách cảm nhận sự chu đáo và nhiệt tình.
Liệu “hơi ấm" phố cổ Hội An có đủ lan tỏa trái tim du khách?
ThS Mã Xuân Vinh, Phó Trưởng bộ môn du lịch và lữ hành Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM (HUFLIT), cho rằng hiện nay đa phần các chủ sở hữu các căn nhà ở phố cổ đều không ở tại đây mà họ cho thuê để kinh doanh.
Như vậy, số hộ dân sẽ cùng sinh hoạt với du khách là rất ít. Liệu “hơi ấm phố cổ” Hội An có đủ lan tỏa trái tim du khách không?. Về phương diện kinh doanh mô hình này chỉ thu hút những nhóm khách nhỏ lẻ. Do đó, bài toán đặt ra là hiệu suất kinh doanh theo mô hình này có đạt được như những kỳ vọng?
Ths Vinh nói thêm, đối với các công ty lữ hành thì mô hình này tạo thêm được một sản phẩm mới cho điểm đến Hội An. Tuy nhiên, sự hấp dẫn đó còn lệ thuộc vào giá cả, những quy định khi lưu trú có thu hút hay cản trở du khách hay không là một vấn đề cần chú ý.
"Mô hình này không dành cho những đoàn với số lượng du khách lớn. Điều cần chú ý tiếp theo là khi cho khách lưu trú tại nhà cần đảm bảo sự an toàn, không gian và diện tích", Ths Vinh nói.
Ông Phan Đình Huê, Tổng Giám đốc Công ty Vòng Tròn Việt, chuyên gia tư vấn du lịch ĐBSCL, cho hay: Bản thân Hội An là điểm đến hấp dẫn, nay TP tạo thêm dịch vụ cộng thêm để giữ chân du khách, đặc biệt là du khách quốc tế. Cách làm này giữ được cái hồn của mô hình homestay, từ những ngôi nhà cổ kính, câu chuyện ngày xưa của hộ gia đình sống vài chục năm ở đây được chia sẻ với du khách.
Theo đó, TP Hội An cần tập huấn hộ gia đình, cách bố trí vận dụng, đi lại, ăn uống để khách cảm thấy thoải mái khi lưu trú. Lượng tìm kiếm và lượng khách đến Hội An khá lớn, hiện nay chỉ cần có sản phẩm du lịch hấp dẫn và truyền thông trên các website chính thức, công ty du lịch là sẽ có khách.
"Mô hình này sẽ khiến lượng khách đến lưu trú nhiều và dài hơn, từ 2 ngày tăng lên 4-5 ngày. Tôi kỳ vọng mô hình này sẽ nhân rộng một số địa phương trên cả nước - nơi giữ được kiến trúc, văn hóa truyền thống" - ông Huê kỳ vọng.
Ưu tiên hộ gia đình có kiến trúc phù hợp
Theo đề án, không gian, phạm vi thực hiện thí điểm trong khu vực phố cổ Hội An, ưu tiên nhà trong kiệt, hẻm khu vực I và những khu vực tiệm cận, liền kề với khu vực I; nhà mặt tiền khu vực I, IIA khu phố cổ Hội An.
Đồng thời, TP sẽ ưu tiên, khuyến khích hộ gia đình có tổ chức cuộc sống gắn liền với hoạt động sản xuất - kinh doanh các ngành, nghề truyền thống, các hoạt động sinh hoạt văn hóa - nghệ thuật… để du khách tham gia trải nghiệm.
Các hộ được chọn thí điểm có địa chỉ thường trú và sinh sống thực tế tại ngôi nhà dự kiến tổ chức hoạt động, đạt gia đình văn hóa tiêu biểu và có uy tín trong cộng đồng tại địa phương.
Về điều kiện nhà ở, TP Hội An yêu cầu người đăng ký mô hình lưu trú trải nghiệm bắt buộc ngôi nhà phải có kiến trúc phù hợp với không gian khu phố cổ; có phòng, không gian được bố trí đảm bảo đáp ứng yêu cầu phục vụ khách lưu trú, sinh hoạt, tương tác và trải nghiệm cùng gia đình; ưu tiên những ngôi nhà có giá trị về kiến trúc nghệ thuật.
Hộ tham gia có không quá 5 phòng đón khách và phòng có sức chứa tối đa hai người, không bố trí quầy lễ tân tại nơi đón tiếp khách…
TP Hội An đặc biệt lưu ý, khi đón khách, các hộ phải thông tin các hình thức và nội dung, thời gian sinh hoạt, hoạt động tại gia đình để thuận tiện cho khách trải nghiệm và tham gia đời sống sinh hoạt hằng ngày cùng gia đình.
Hộ gia đình tổ chức đón khách phải đảm bảo các quy định của Luật Du lịch năm 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành.
TP Hội An yêu cầu đăng ký kinh doanh theo quy định, đáp ứng các điều kiện về an ninh, trật tự, an toàn, phòng cháy chữa cháy, bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm, đáp ứng điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất kỹ thuật và dịch vụ phục vụ khách du lịch…