Để khỏi bị lừa khi xuất khẩu lao động

Với mong muốn ra nước ngoài lao động kiếm tiền để thoát cảnh nghèo nhưng gặp công ty dỏm phải ôm đống nợ vào người. Đây là hoàn cảnh khốn khổ của chị Trương Thị Hương, tổ 4, khu phố 1, phường An Phú Đông, quận 12, TP.HCM đang gặp phải.

Đóng tiền nhưng không được đi xuất khẩu

Chị Hương trình bày: Tháng 8-2014, thông qua một người quen giới thiệu, chị Hương tìm đến Công ty TNHH Thương mại tư vấn đầu tư BSO Việt Nam (Công ty BSO) để đăng ký xuất khẩu lao động tại Nhật.

Khi đến chi nhánh công ty nằm trên đường Nguyễn Văn Đậu, phường 11, quận Bình Thạnh, chị được nhân viên ở đây hướng dẫn muốn sang Nhật phải đóng 6 triệu đồng để học tiếng Nhật. Đóng tiền và học được một tuần thì nhân viên công ty yêu cầu chị đóng thêm 2.000 USD (hơn 42 triệu đồng) để tạm ứng đi Nhật. Sau khi đóng tiền xong, công ty có đưa chị ký hợp đồng lao động với một công ty. Theo hợp đồng thì mức lương chị nhận được sẽ là 1.000 yen/tháng bao gồm tất cả chi phí ăn ở. Tuy nhiên, hợp đồng trên chị không được giữ bản nào.

Qua nhiều đợt phỏng vấn, đến ngày 11-3-2015 công ty thông báo chị đã trúng tuyển và bảo chị thu xếp đồ đạc chuẩn bị sang Nhật làm. Khoảng một tháng sau, công ty thông báo chị và hơn 40 người khác tập trung tại công ty để bay sang Nhật. Tuy nhiên, khi mọi người đến tập trung theo lịch hẹn thì nhân viên công ty cho biết do trục trặc bên Nhật nên dời lịch bay lại và sẽ thông báo sau. Từ đó đến nay chị liên hệ công ty thì nhân viên cố tình tránh né, rồi không liên lạc được nữa.

“Nhà nghèo lại không có việc làm ổn định nên tôi muốn sang nước ngoài lao động một thời gian kiếm ít vốn mở một cửa hàng nho nhỏ ổn định cuộc sống sau này. Tìm đến Công ty BSO với quyết tâm thực hiện mong muốn của mình. Tôi đã phải vay mượn gần 50 triệu đồng để đóng tiền cho công ty. Tôi đã bỏ ra một năm trời đi học tiếng Nhật và phải mất hai năm trời không làm ăn gì để đi tìm công ty đòi lại tiền vì công ty thất hứa. Giờ thì tôi bó tay vì những địa chỉ mà công ty cung cấp, tôi đến tận nơi thì mới biết công ty này không còn hoạt động nữa” - chị Hương bức xúc.

Chị Hương bức xúc vì phải vay nợ đóng tiền đi xuất khẩu lao động nhưng giờ tìm không ra tung tích công ty. Ảnh:  NGUYỄN HIỀN

Đỏ mắt tìm công ty

Từ những thông tin mà chị Hương cung cấp, PV đã đến địa chỉ nơi Công ty BSO đăng ký trụ sở chính trên đường Đề Thám, phường Phạm Ngũ Lão, quận 1 để nắm thêm thông tin. Tuy nhiên, tại địa chỉ trên công ty không còn hoạt động nữa.

Bà Nguyễn Thị Thảo, chủ nhà cho công ty thuê làm trụ sở, nói: “Tháng 8-2015, tôi đã chấm dứt hợp đồng thuê đối với Công ty BSO. Trước khi chuyển đi, công ty này còn chưa thanh toán hết tiền điện thoại. Sau khi công ty chuyển đi, cũng có một số người đến hỏi tiền thế chân đi xuất khẩu lao động Nhật nhưng tôi không có trách nhiệm gì nên đã hướng dẫn những người đó đến công an trình báo”.

Tìm đến một địa chỉ khác trên đường Tú Xương, quận 3 thì tại đây không hề có dấu tích gì của Công ty BSO mà là một doanh nghiệp (DN) khác đang hoạt động. Một nhân viên của DN mới thuê cho biết: “Trước đây tôi cũng có thấy biển hiệu của Công ty BSO treo trước cửa. Trong thời gian chúng tôi kinh doanh có một số người đến tìm Công ty BSO để yêu cầu nhận lại tiền xuất khẩu lao động”.

Còn tại địa chỉ ở đường Nguyễn Văn Đậu (quận Bình Thạnh) hiện nay có một cửa hàng nước đang kinh doanh.

Sở KH&ĐT TP.HCM xác nhận Công ty BSO được Sở cấp giấy chứng nhận đăng ký DN từ năm 2012. Hiện nay, công ty này chưa đăng ký giải thể. Sở KH&ĐT chỉ cấp giấy phép còn trong quá trình hoạt động, DN hoạt động thuộc lĩnh vực nào thì do các ngành nghề liên quan lĩnh vực đó quản lý.

Trao đổi với PV, bà Trần Lê Thanh Trúc, Phó Trưởng phòng Việc làm, Sở LĐ-TB&XH TP.HCM, cho biết: “Danh sách các DN có chức năng xuất khẩu lao động được đăng tải trên trang thông tin điện tử của Cục Quản lý lao động ngoài nước thuộc Bộ LĐ-TB&XH không có tên DN BSO. Trường hợp cụ thể này, người lao động nên trình báo cơ quan công an nơi trụ sở công ty đóng để đòi quyền lợi cho mình”.

Những lưu ý khi đăng ký xuất khẩu lao động

Khi người lao động muốn tìm đến DN đăng ký xuất khẩu lao động thì nên tìm hiểu DN ấy có chức năng xuất khẩu lao động hay không.

Theo quy định thì các DN lĩnh vực này phải niêm yết bản sao giấy phép tại nơi thuận lợi cho người lao động thấy. Người lao động cũng có thể liên hệ trực tiếp với Sở LĐ-TB&XH để tìm hiểu các thông tin có liên quan đến hoạt động xuất khẩu lao động cũng như xác nhận thông tin của các DN có giấy phép hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Ngoài ra, trên trang web www.sldtbxh.hchiminhcity.gov.vn hoặc www.dolab.gov.vn cũng có thông tin về các DN xuất khẩu lao động.

Khi đóng tiền cần tìm hiểu các khoản phí, phải có phiếu thu hợp lệ do công ty cung cấp, ghi rõ các khoản thu... Nếu sau này xảy ra tranh chấp thì người lao động có căn cứ để bảo vệ quyền lợi cho mình.

TRẦN LÊ THANH TRÚC, Phó Trưởng phòng Việc làm,
Sở LĐ-TB&XH TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm