Báo cáo của VCCI khẳng định các dự án đầu tư trong các lĩnh vực hạ tầng, năng lượng, công nghiệp chế biến, chế tạo thường có tổng vốn đầu tư lớn, thời gian thu hồi vốn kéo dài nhiều năm, thậm chí nhiều thập niên. Trong khoảng thời gian đó, rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến lợi nhuận của dự án có thể thay đổi so với dự liệu ban đầu của nhà đầu tư.
Trong đó, những biến động về môi trường pháp lý, sự thay đổi chính sách của Nhà nước là một trong những yếu tố quan trọng nhất. Do vậy, nhà đầu tư các dự án lớn luôn đòi hỏi tính ổn định của chính sách, đồng thời tăng cường năng lực dự đoán về những thay đổi về môi trường pháp lý trước khi họ “dám” quyết định “xuống tiền”. Nếu môi trường pháp luật không ổn địnhvà việc dự đoán về những thay đổi cũng khó khăn thì rủi ro cao, giới đầu tư sẽ rụt rè.
Tuy nhiên,nói môi trường pháp lý ổn định, khả năng dự báo “những biến động” tốt không đồng nghĩa với việc hệ thống pháp luật “đứng yên”. Bởi môi trường đầu tư luôn có những biến động lớn, nhỏ đòi hỏi những phản ứng kịp thời; điển hình như thiên tai, dịch bệnh, chuyển động của môi trường địa - chính trị thế giới và khu vực, hay thậm chí là những cuộc xung đột, khủng hoảng…
Vì lẽ đó, hệ thống pháp luật cũng cần được điều chỉnh phù hợp với các điều kiện xã hội thay đổi,đặc biệt là khi vì những lý do khác nhau làm xuất hiện ra các bất cập, vướng mắc khi áp dụng luật pháp vào thực tiễn thực thi các dự án, hoạt động đầu tư.
Điển hình, đại dịch COVID-19 đã trở thành động lực quan trọng thúc đẩy những thay đổi quan trọng về loại hình, mô típ đầu tư, kinh doanh; hay khi thảo luận về nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 về cơ chế đột phá, vượt trội cho TP.HCM sẽ thấy nhiều quy định pháp luật đã không còn phù hợp, đòi hỏi những cơ chế thí điểm chính sáchcó kiểm soát (sandbox) chưa từng có.
Cũng chính vì vậy, Chính phủ từ đầu nhiệm kỳ đã có “tham vọng” lớn khi dự kiến đề xuất sửa đổi tới 79 luật và nhiều nghị quyết của Quốc hội. Có thể thấy đó là một định hướng muốn giải quyết gốc rễ vấn đề.
Chính phủ cũng tiến hành nhiều phiên họp chuyên đề về pháp luật. Ở đó, các định hướng như “đầu tư cho xây dựng thể chế, pháp luật là hoạt động đầu tư phát triển”. Định hướng này nếu được thực hiện và triển khai nghiêm túc thì công tác xây dựng pháp luật sẽ tạo sân chơi bình đẳng, thúc đẩy phát triển.
Đến khi nào doanh nghiệp, người dân bớt than phiền về các chồng chéo, vướng mắc của các quy định pháp luật thì khi đó định hướng pháp luật để thúc đẩy phát triển mới được thực thi. Khi vẫn còn những tiếng kêu từ người dân, doanh nghiệp thì khi đó dòng chảy pháp luật vẫn chưa được thông suốt.