Theo S&P Global, trong tháng 3-2023, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của Việt Nam đạt 47,7 điểm. Trong khi tháng 2 đạt 51,2 điểm.
Việc chỉ số PMI giảm dưới ngưỡng 50 điểm cho thấy tình hình sản xuất kinh doanh đã có dấu hiệu giảm trở lại sau khi tăng trưởng vào các tháng trước đó.
Ông Andrew Harker, Giám đốc Kinh tế S&P Global Market Intelligence, cho biết, tăng trưởng trong ngành sản xuất đã dừng lại trong tháng 3, sau khi đã phục hồi mạnh mẽ trong tháng trước.
Sản lượng, số lượng đơn đặt hàng mới và việc làm đều giảm khi có các báo cáo về tình trạng nhu cầu giảm.
Tuy nhiên, hy vọng việc suy giảm các điều kiện trong tháng ba chỉ là một bước lùi tạm thời khi các công ty vẫn tin tưởng về triển vọng trong một năm tới.
Trong một hội thảo gần đây, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, hiện nay, nhiều lĩnh vực kinh doanh đang gặp khó khăn. Khó khăn này đến từ nhiều phía, trong đó có biến động khách quan vì tình hình khó lường thế giới. Việt Nam là đất nước có độ mở cửa lớn, chịu ảnh hưởng nhiều của tình hình thế giới.
Theo các chuyên gia, bối cảnh kinh tế khó khăn, tỉ lệ thất nghiệp gia tăng cộng với mặt bằng lãi suất cao thúc đẩy tâm lý thắt chặt chi tiêu, khiến sức cầu tiêu dùng trong nền kinh tế cũng suy yếu.
Điều này đã dẫn đến các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp chưa thể sớm thoát khỏi khó khăn. Trong khi đó, tình hình đơn hàng xuất khẩu chưa thể sớm lạc quan. Nhiều doanh nghiệp vẫn chưa hoạt động hết công suất.
Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ với địa phương tổ chức sáng nay (3-4), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ đạo, trong thời gian tới cần tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền việc cơ cấu lại nợ, khoanh nợ, giãn nợ, giảm chi phí doanh nghiệp; cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính.
Giá vàng lao dốc nhưng có thể đảo chiều
03/04/2023
(PLO)- Sự lặng sóng của thị trường tài chính đã khiến giá vàng suy giảm.