Một phụ huynh hỏi tôi: “Thưa Thầy, làm thế nào để cân bằng cả việc học và việc chơi của con trong những ngày hè vì con được nghỉ nhưng ba mẹ vẫn đi làm. Học hè nhiều thì thiệt thòi cho con vì ít trải nghiệm, học hỏi từ thế giới bên ngoài, nhưng không học hè thì sợ bé quên kiến thức”.
Đây cũng là trăn trở chung của nhiều phụ huynh khác khi con bắt đầu bước vào kỳ nghỉ hè. Thực tế, phụ huynh nào cũng muốn đem lại những điều tốt nhất cho con nhưng đồng thời không muốn lịch trình sinh hoạt, làm việc bị xáo trộn quá nhiều và năm nào đến hè cũng loay hoay tìm giải pháp.
Chia sẻ về giải pháp chăm sóc con kỳ nghỉ hè, phụ huynh dinhnhatanh1812 viết: Ngay từ bây giờ vợ chồng tôi đã lên lịch mỗi người xin nghỉ phép vài ngày trông con, vài ngày còn lại thì thay nhau đưa lên công ty, có xin phép quản lý đàng hoàng, giữa tháng 6 là trường mầm non lại tổ chức giữ trẻ hè rồi.
Trong một diễn biến khác, mạng xã hội lan truyền một đoạn clip với nội dung chính nói về việc ông bố đang háo hức đón con tan học về thì "xỉu ngang" khi nghe tin con được nghỉ hè hai tháng. Dù là clip vui, mang tính giải trí nhưng đã nhận được rất nhiều bình luận cho rằng: Đúng như vậy, cứ đến hè là muốn xỉu, thực tế việc con nghỉ hè là điều không mấy vui vẻ với phụ huynh, thậm chí nhiều cha mẹ còn căng thẳng với nhau, có nhiều cặp vợ chồng thẳng thắn bày tỏ “nghỉ hè của con là ác mộng của cha mẹ”.
Theo đó, tài khoản VT chia sẻ: “Cứ mỗi khi con nghỉ hè, vợ chồng tôi lại bước vào một cuộc khẩu chiến kéo dài xem ngày mai ai đưa con đi làm?”.
Vậy, làm thế nào để phụ huynh không cảm thấy xáo trộn, lo lắng trong việc chăm sóc trẻ ngày hè, còn các con được trải nghiệm mùa hè, vui, khỏe, bổ ích?
Sử dụng quyền "trợ giúp người thân"
Thật may, nếu trẻ có ông bà, anh, chị lớn chơi cùng. Họ có thể thay thế cha mẹ phần chăm sóc các vấn đề ăn, ngủ và vui chơi. Các hoạt động gia đình dù rất đơn giản như: cùng xem phim, cùng đọc sách, cùng đi chợ, cùng nấu ăn... đều có thể giúp con học được nhiều điều.
Con được học từ văn hóa đến con người, đồng thời rèn luyện kỹ năng tổ chức, sắp xếp đời sống, quản lý chi tiêu và nâng cao năng lực giao tiếp khi tiếp xúc, học hỏi và hòa nhập với những người xung quanh.
Khi sử dụng “quyền trợ giúp” này, phụ huynh cần tham khảo hoặc đánh tiếng trước với người thân, nếu họ vui vẻ nhận lời, không cảm thấy quá phiền hà, sẵn sàng vui chơi cùng con thì không cần lo ngại. Bản thân phụ huynh cũng cần tận dụng thời gian trống để thế vai, nhằm chia sẻ áp lực “giữ em, trông cháu” cho người thân.
Lên kế hoạch mùa hè
Một mùa hè hoàn hảo cho cả gia đình rất nên đi đôi với việc vạch ra kế hoạch. Thực tế, nhiều gia đình vẫn neo người nhưng họ không lúng túng và bị động mỗi năm đến hè vì họ đã có những phương án phù hợp, có thời gian biểu, lịch trình rõ ràng.
Ngoài việc tận dụng những ngày nghỉ cuối tuần, phụ huynh có thể lên kế hoạch xin nghỉ phép để trải nghiệm hè cùng con.
Phân công công việc
Việc phân công công việc là một nội dung quan trọng trong kế hoạch/lịch trình hè của cả gia đình, cần ngồi lại và phân việc rõ rằng ai phụ trách việc gì, ngày nào và thời gian thực hiện bao lâu.
Chẳng hạn, bố sẽ cùng con đá bóng, đánh cầu, bơi lội vào chiều 2, 4, 6. Mẹ sẽ dắt con đi siêu thị, khu vui chơi, ôn bài mỗi 3, 5, 7. Cuối mỗi 2 tuần hoặc mỗi tháng cả nhà sẽ ra ngoài tham quan, vui chơi.
Việc phân công đúng người, đúng việc khiến mỗi người biết phần việc, trách nhiệm và thời gian thực hiện của mình, tránh đùn đẩy và giúp cả nhà theo dõi được hoạt động của nhau.
Nội dung hè hữu ích
Nhiều phụ huynh chọn cho con tham gia các lớp năng khiếu mà con yêu thích, cũng có phụ huynh cho con học thêm lớp tiếng Anh nhẹ nhàng, vui nhộn hay các lớp kỹ năng sống hè, học kì quân đội… theo nguyện vọng của con hoặc sau khi đã “làm công tác tư tưởng” và được con đồng ý.
Dù nội dung cho hoạt động hè là gì cũng cần hướng đến việc đáp ứng tâm lý độ tuổi, sự thoải mái, học thông qua chơi, chơi mà học để khiến trẻ không mang áp lực từ trường về nhà, từ nhà đến nơi vui chơi.
Ngoài ra, việc chọn hoạt động, địa điểm hay những trò chơi sao cho cả gia đình có thể tham gia cùng nhau rất cần cân nhắc. Hoạt động phải vừa đáp ứng tính hiếu kì, tò mò, khám phá trải nghiệm của trẻ, vừa có hoạt động cho người lớn tận hưởng cùng các con. Phụ huynh cũng cần dự kiến trước kết quả của chương trình để thông qua các hoạt động, chuyến đi, buổi gặp gỡ,… con có thể học được, rèn được kiến thức, kỹ năng bổ ích cho mình.
Lên kế hoạch "chạy đà" cho con khi đi học lại
Chúng ta cần giúp trẻ hiểu rằng con có thể “vui chơi nhưng không quên nhiệm vụ”. Gia đình cần tận dụng những buổi họp mặt, thời gian hội đủ thành viên để kể chuyện, trò chuyện tâm tình, vui vẻ và nhân đó giáo dục con những bài học cuộc sống, nhắc nhở con về ý thức, đạo đức, trách nhiệm.
Chắc chắn, nếu chỉ vui chơi suốt mùa hè thì khi quay trở lại học tập, trẻ sẽ “chậm thích ứng”, cần “chạy đà” khá dài.
Do đó, trong kế hoạch hè, ba mẹ cần lồng ghép các hoạt động mang tính “ôn tập, luyện tập” cho con như: chơi đố vui, đọc sách cùng nhau, giải bài tập bằng trắc nghiệm, thiết lập có khung giờ học tập ngắn, định kỳ trong tuần cho, cùng con về quê... và tranh thủ liên kết với kiến thức mà con đã học để ôn bài theo cách mới mẻ, sáng tạo. Điều này sẽ khiến con thích thú, hứng khởi tìm hiểu, cũng như vận dụng được những điều đã học vào thực tế.
Cân bằng được cả việc ôn tập, tăng cường kiến thức với vui chơi trong dịp hè hay kể cả trong năm học sẽ tạo thói quen tốt cho trẻ, vừa giúp trẻ không quên “nhịp học” vừa trải nghiệm mùa hè hoặc những ngày nghỉ thú vị.