Từ lúc lọt lòng mẹ, tiếng xình xịch của tàu hỏa trong đêm nhiều lần khiến tôi giật mình nhưng dần dà âm thanh đó đã trở thành thân thuộc, khi căn nhà tôi nằm sát ga Hương Phố (huyện Hương Khê, Hà Tĩnh). Hai tuổi, mẹ đã ẵm tôi trên những chuyến tàu để về thăm nhà ngoại ở Quảng Trị. Cũng từ đó cả tuổi thơ tôi luôn gắn với những chuyến tàu...
Mỗi lần đi tàu tôi rất thích, bởi được nghe tiếng còi tàu, quan sát những người trên tàu, ngắm cảnh xung quanh và nhất là được hưởng cảm giác mình… lắc lư cùng đoàn tàu trên những cung đường đèo dọc sông Gianh (Quảng Bình). Hành trình chỉ chưa đầy 250 km nhưng cả gia đình tôi phải mất tầm 7 tiếng trên tàu và mất cả ngày mới về đến nhà ngoại.
Học xong cấp III, tôi lại tiếp tục lên những chuyến tàu vào Huế để học. Hai tháng một lần tôi đều đặn lên tàu về thăm nhà. Đoàn tàu tôi đã đi vẫn không khác gì so với những lần về thăm ngoại ngày nhỏ, đó là cảnh mọi người trải chiếu nằm ngổn ngang trên tàu, cảnh hôi thối từ nhà vệ sinh thốc vào và thời gian chạy tàu vẫn kéo dài gần… 7 tiếng.
Sau nhiều năm ở Huế, tôi ra Hà Nội lập nghiệp. 30 năm tôi đã thay đổi rất nhiều nhưng những chuyến tàu khách Bắc - Nam tôi về quê vẫn không có gì thay đổi. Hành trình Hương Phố - Hà Nội cũng chỉ 300 km nhưng vẫn mất gần 8 tiếng, bởi hệ thống đường sắt đơn nên các tàu phải chờ tránh nhau. Có lúc một đoàn tàu phải dừng ở ga xép gần 20 phút chỉ để tránh tàu khác.
Vì vậy, nhiều người bạn của tôi đã từ bỏ việc đi tàu ra Bắc để lên những chiếc xe giường nằm sang trọng và nhanh hơn vì từ Hà Tĩnh đi Hà Nội chỉ mất 5 tiếng.
Từ một người yêu tàu hỏa từ thuở nhỏ nhưng “người tôi yêu” không thay đổi, khiến tôi cũng chạnh lòng.
Ngoài việc hệ thống đường sắt hiện nay là đường đơn nên các tàu phải chờ tránh nhau thì dịch vụ ăn uống trên tàu cũng vẫn nghèo nàn. Các toa tàu hiện nay đa phần cũng cũ với tuổi đời 30-40 năm, việc đại tu bảo dưỡng hằng ngày cũng không khỏa lấp được sự xuống cấp của thiết bị. Chưa kể các tuyến đường ray của ngành đường sắt hiện nay là loại khổ hẹp mà nhiều nước không còn dùng để khai thác chở người và chở hàng do tốc độ chạy không thể nhanh được.
Hiện nay nhiều nước có hệ thống đường sắt phát triển, những chuyến tàu tốc độ cao ngược xuôi đã chia sẻ đáng kể gánh nặng cho hệ thống giao thông đường bộ, đường thủy và đường hàng không. Những người yêu, gắn bó và có những ký ức tuổi thơ đẹp về những đoàn tàu hỏa như tôi chắc hẳn luôn mong chờ một sự thay đổi toàn diện.
Gần đây, Bộ Chính trị, Chính phủ quyết tâm khởi động lại việc nghiên cứu dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Đây là động thái có ý nghĩa quan trọng để thay đổi diện mạo, tạo sức sống cho hệ thống đường sắt hiện nay. Mặc dù còn nhiều ý kiến khác nhau về thời điểm triển khai dự án và việc chưa tự chủ được công nghệ nên phải bù lỗ lớn trong quá trình vận hành hoặc giá vé đi tàu sẽ cao nhưng gác lại tất cả, ai cũng mong muốn một tuyến sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.
Cùng với hệ thống đường bộ cao tốc, hệ thống đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam sẽ thể hiện bộ mặt hiện đại của ngành giao thông, giúp hàng triệu người dân trên một không gian rộng lớn không chỉ là 20 tỉnh, thành mà nó đi qua được hưởng thụ. Để không chỉ cá nhân tôi mà nhiều thế hệ chúng ta sau này có nhiều ký ức và hình ảnh đẹp về những chuyến tàu hỏa ngày càng an toàn, hiện đại.