Để nền kinh tế 'vượt sóng dữ' năm 2024

(PLO)- Trước bối cảnh trong nước và thế giới còn nhiều biến động, các chính sách giãn, giảm thuế hợp lý được kỳ vọng sẽ tạo ra đột phá đối với nền kinh tế.

Đầu xuân năm 2024, báo Pháp Luật TP.HCM lấy ý kiến của các chuyên gia về những giải pháp gợi mở để tiếp tục chắc tay chèo khi bối cảnh kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều “sóng dữ”.

Chính sách giảm 2% thuế VAT là đúng đắn khi tiếp tục áp dụng đến giữa năm 2024. Tuy nhiên, thực tế nhiều doanh nghiệp ngành gỗ chia sẻ thủ tục hoàn thuế còn chậm. Ảnh: QUANG HUY

Ông ĐIỀN QUANG HIỆP, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Minh Phát 2 kiêm Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ tỉnh Bình Dương (BIFA):

Thủ tục chính sách cần thuận lợi để doanh nghiệp dễ tiếp cận

Các doanh nghiệp (DN), đối tượng trực tiếp thụ hưởng đánh giá những chính sách tài khóa như giảm thuế, giãn thời gian nộp thuế thời gian qua của Chính phủ là kịp thời, trúng, đúng, hỗ trợ tốt việc phục hồi sản xuất, kinh doanh, kích cầu thị trường.

Hai yếu tố DN cần được tiếp sức nhất là thuế và lãi vay. Về thuế, chính sách giảm 2% thuế VAT là đúng đắn khi tiếp tục áp dụng đến giữa năm 2024. Tuy nhiên, thực tế nhiều DN ngành gỗ chia sẻ, thủ tục hoàn thuế còn chậm.

Đề nghị Bộ Tài chính xem xét phương thức hỗ trợ giải quyết thủ tục hoàn thuế mới thuận tiện, nhanh chóng. Khoản hoàn thuế kịp thời sẽ giúp khơi thông dòng tiền, phục hồi sản xuất, kinh doanh, DN không phải đi vay ngân hàng, từ đó giảm gánh nặng trả lãi vay.

Ngoài ra, thủ tục hành chính cần đơn giản, minh bạch để DN thực sự được hưởng lợi qua việc tiếp cận dễ dàng.

Thứ hai về chính sách hỗ trợ vay tín dụng, lãnh đạo ngân hàng cần có chỉ đạo tìm hiểu khó khăn thực tế của DN, xem xét đánh giá tính khả quan của phương án tài chính trong sản xuất, kinh doanh có thể phục hồi hay không để hỗ trợ tín dụng.

Ông NGUYỄN NGỌC HÒA, Chủ tịch Hiệp hội DN TP.HCM (HUBA):

Hướng đến phát triển nền kinh tế xanh

Mặc dù nhiều chính sách ưu đãi thuế được ban hành nhưng chính sách thuế, phí của Việt Nam chưa thực sự đủ mạnh để điều tiết hiệu quả hành vi của các chủ thể trong nền kinh tế nhằm hướng đến sản xuất xanh, tiêu dùng xanh.

Vấn đề đặt ra cho các cơ quan quản lý trong thời gian tới là cần triển khai chính sách tài chính về thuế, đồng hành cùng chính sách tín dụng cho vay ưu đãi liên kết đồng bộ để mang lại hiệu quả.

Ví dụ xe điện được hưởng chính sách thuế, phí ưu đãi nhưng cần có thêm chính sách tín dụng với lãi suất thấp dành cho những DN sử dụng xe điện.

Khi đó vừa khuyến khích DN chuyển đổi xanh, đáp ứng tiêu chuẩn toàn cầu, vừa kích cầu nội địa, tạo đầu ra cho các DN sản xuất xe điện trong nước.

ThS PHAN MINH HÒA, giảng viên kinh tế ĐH RMIT Việt Nam:

Ưu đãi cho đầu tư phát triển công nghệ mới

Thuế giảm phát thải carbon với hàng hóa nhập khẩu là một công cụ chính sách mới mà thị trường Liên minh châu Âu (EU) sẽ áp dụng. Theo đó, EU sẽ đánh thuế carbon đối với hàng hóa nhập khẩu vào thị trường này.

(Chính sách đã được áp dụng từng phần từ ngày 1-10-2023 với các giai đoạn chuyển tiếp và từ tháng 1-2026 sẽ được thực hiện đầy đủ).

Mới đây, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 110 về giảm 2% thuế VAT từ ngày 1-1 đến hết 30-6. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng ban hành nghị quyết giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu.

Trước mắt, ngành tài chính tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả chính sách giảm 2% thuế VAT, áp dụng từ năm 2023, với số tiền thuế được giảm khoảng 25.000 tỉ đồng.

Năm 2024, sau khi áp dụng chính sách giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, mỡ, số thu ngân sách sẽ giảm khoảng 42.500 tỉ đồng.

Từ năm 2020, trước tác động tiêu cực do ảnh hưởng của dịch COVID-19, Bộ Tài chính đã chủ động trình và ban hành các chính sách miễn, giảm, gia hạn nhiều khoản thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất.

Số tiền hỗ trợ trong năm 2020: 129.000 tỉ đồng, năm 2021: 145.000 tỉ đồng, năm 2022: 233.000 tỉ đồng và năm 2023: 200.000 tỉ đồng.

Tổng quy mô hỗ trợ DN, người dân và nền kinh tế khoảng 700.000 tỉ đồng.

Tác động trước mắt của chính sách đối với những mặt hàng xuất khẩu sang EU gồm sắt thép, xi măng, phân bón, nhôm, điện và hydro, trong đó bốn mặt hàng đầu Việt Nam có khả năng xuất khẩu.

Cho nên bên cạnh thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường và các loại phí môi trường đối với khai thác khoáng sản có từ năm 2011, Việt Nam cần cập nhật chính sách, xây dựng và ban hành thuế carbon, qua đó phát triển thị trường tín chỉ carbon trong nước để DN có thể mua bán, từ đó tạo nguồn thu khuyến khích DN sản xuất xanh.

Chính phủ cần có ưu đãi cho đầu tư mới của DN vào nghiên cứu và phát triển các công nghệ mới thân thiện với môi trường, khuyến khích đầu tư vào năng lượng tái tạo và tiết kiệm nhiên liệu. Nguồn thu từ thuế carbon cần được phân bổ đúng vào mục tiêu tài trợ DN và xã hội nhằm bảo vệ môi trường.

Ông MICHAEL KOKALARI, Giám đốc phòng Phân tích kinh tế vĩ mô và nghiên cứu thị trường, Tập đoàn VinaCapital:

Gia tăng đầu tư công mạnh mẽ

Năm 2024, viễn cảnh nền kinh tế Mỹ rơi vào khủng hoảng, kinh tế toàn cầu tiếp tục biến động có thể tạo ra tác động tiêu cực đến nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam.

Tuy nhiên, ứng phó với những thách thức trên, năm 2023 Chính phủ Việt Nam đã ban hành các chính sách tài khóa kết hợp chính sách tiền tệ thúc đẩy đầu tư công đạt khoảng 25 tỉ USD (6% GDP năm 2023). Và dự báo sẽ tiếp tục tăng trong năm 2024. Căn cứ vào tỉ lệ nợ trên GDP của Việt Nam là dưới 40%, thấp nhất trong khu vực.

Đồng thời, năm 2023, với việc ban hành một số chính sách cắt giảm thuế VAT xuống 8%, cắt giảm thuế môi trường trên sản phẩm xăng dầu - tạo ra giá trị tương đương 0,5% GDP.

Kế hoạch tăng lương tối thiểu cho công chức, viên chức nhà nước vào ngày 1-7-2024 tới đây cũng tạo ra giá trị tương đương khoảng 1% GDP là những tiền đề kích cầu kinh tế.

Bên cạnh các chính sách ưu đãi thuế, Chính phủ cần tiếp tục nghiên cứu xây dựng các chính sách tài khóa phối kết hợp chính sách tiền tệ để phát huy những ưu điểm như chi phí, chất lượng nhân công, chất lượng hạ tầng, độ mở của môi trường kinh doanh để thu hút đầu tư nước ngoài. Là những yếu tố cần thiết để nền kinh tế vượt khó, phát triển lâu dài, bền vững.

TS HUỲNH THANH ĐIỀN, chuyên gia kinh tế:

Chọn lọc lĩnh vực để giảm, giãn thuế “đột phá

Năm 2024, giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) 2% đến giữa năm 2024 (tương đương giảm thu ngân sách khoảng 25.000 tỉ đồng) sẽ góp phần giảm giá thành, giá bán hàng hóa, dịch vụ. Thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, duy trì công ăn việc làm cho người lao động, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, từng bước phục hồi nền kinh tế trong năm 2024.

Tuy vậy, chính sách chỉ có hiệu lực trong vòng sáu tháng, thực tế đã qua hai tháng, đồng nghĩa DN chưa kịp triển khai kế hoạch sản xuất, kinh doanh.

Vì vậy, chính sách giảm, giãn thuế cần áp dụng trong cả năm tài chính để DN có phương án kinh doanh phù hợp, chính sách đi vào thực tế, thực sự phát huy hiệu quả.

Đối với chính sách giảm 50% thuế bảo vệ môi trường (tương đương với giảm thu ngân sách gần 43.000 tỉ đồng), việc giảm thuế có thể giảm thu ngân sách trước mắt nhưng về lâu dài mang lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế. (Xăng dầu là mặt hàng thiết yếu và là đầu vào của nhiều ngành sản xuất, tác động đến rất nhiều đối tượng trong nền kinh tế).

Do đó, cơ quan quản lý nhà nước cần có nghiên cứu đánh giá chọn lọc, tập trung vào một số ngành, lĩnh vực ưu tiên, tác động lớn đến nền kinh tế để có thể xây dựng chính sách giảm, giãn thuế, phí hay hỗ trợ tín dụng ưu đãi “đột phá” trong năm 2024.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới