Sáng 17-4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến đối với dự thảo tiếp thu, chỉnh lý lần thứ hai Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV). Nội dung tổ chức nào được trao quyền, có trách nhiệm chính trong việc hỗ trợ DNNVV đã nhận được nhiều tranh luận khi đại diện các tổ chức đều đòi giành quyền này về phía đơn vị mình.
VCCI: Tạo ra bất bình đẳng
Trình bày báo cáo một số vấn đề lớn trong tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho hay UBTVQH đã tiếp thu ý kiến đề nghị tách riêng trách nhiệm của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) với Hiệp hội DNNVV (VINASME) và hiệp hội, ngành nghề khác thành hai khoản tại Điều 30.
Tuy nhiên, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho rằng quy định tại Điều 30 dự thảo luật là không đúng với vai trò của VCCI là đại diện cho toàn bộ cộng đồng DN trong cả nước. Nhất là quy định này trao cho VINASME các nhóm nhiệm vụ “là tạo ra bất bình đẳng giữa các hiệp hội DN liên quan tới việc hỗ trợ DNNVV là thành viên của mình”.
“Với quy định như dự luật thì thay vì huy động trí tuệ, năng lực của tất cả hiệp hội DN vào việc hỗ trợ DNNVV thì dự thảo đang đánh cược hiệu quả hỗ trợ cả cộng đồng DNNVV vào chỉ một hiệp hội, như vậy là rủi ro” - ông Lộc nhấn mạnh.
Theo đó, ông Lộc cho rằng việc giao chức năng hỗ trợ DNNVV cho VINASME là không phù hợp với vị thế pháp lý của hiệp hội này, đồng thời bỏ qua các hiệp hội khác, nơi có tới 98% thành viên là các DNNVV như VCCI, doanh nhân trẻ, nữ doanh nhân, địa phương…
“Đề nghị không tranh luận nữa”
Trước ý kiến của ông Lộc, Chủ tịch VINASME Nguyễn Văn Thân phản ứng lại: “Có ý kiến cho rằng chúng tôi không đại diện cho cộng đồng DNNVV nhưng thực tế tôi là đại diện vì đã trở thành đại biểu QH, là thành viên của MTTQ Việt Nam. Vì thế ý kiến này phải xem xét lại về mặt nhận thức”.
Ông Thân khẳng định mô hình của VINASME gần đây được quốc tế khẳng định là mô hình hoạt động hay, hiệu quả. Hơn nữa, VINASME đang hoạt động đầy khí thế, luôn mong muốn được giao nhiệm vụ nhiều hơn để làm việc. Do vậy ý kiến đánh giá VINASME là “nhỏ không chấp” khiến họ bị “tổn thương, đau lòng”.
“Nếu dự luật quy định chi tiết thì chúng tôi mới làm được. Nếu để chung chung như ông Vũ Tiến Lộc nói thì chả làm được. 10 năm nay chúng tôi tham gia VCCI chả thấy có tác dụng gì cả” - ông Thân bày tỏ.
Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đã phải ngắt lời: “Tôi đề nghị không tranh luận Điều 30 nữa. Ngồi đây mà tranh luận thì mất thời gian. Anh Vũ Tiến Lộc và Nguyễn Văn Thân đều là đại biểu QH thuộc tỉnh Thái Bình nên nếu cần thì về đoàn trao đổi”. Bà Ngân cũng đề nghị ban soạn thảo rà soát lại Điều 30 để không làm mất vai trò của VCCI và VINASME.
Giải trình thêm về nội dung này, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho hay VCCI và VINASME là hai tổ chức riêng biệt, có tôn chỉ, mục đích riêng và không thể hiệp hội này là tổ chức “mẹ” của tổ chức khác. “Anh Vũ Tiến Lộc nêu đều đã được đưa ra một vài lần tại các hội nghị. Ban soạn thảo thấy những nội dung này chưa phù hợp để tiếp thu ở thời điểm này. Anh Lộc cũng là thành viên ban soạn thảo, trước đây VCCI rất ủng hộ, giờ lại nói khác. Luật này làm hai năm rồi, biết bao nhiêu cuộc họp, hội nghị, đây không phải nội dung mới, đề nghị không trao đổi lại” - ông Dũng nói.
Điều luật dự thảo gây tranh cãi Điều 30. Trách nhiệm của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội DNNVV và các hiệp hội, ngành nghề 1. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam có trách nhiệm thúc đẩy liên kết giữa các DN quy mô lớn với DNNVV. 2. Hiệp hội DNNVV và các hiệp hội ngành nghề có trách nhiệm sau đây: a) Đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các hội viên là DNNVV; b) Tham gia xây dựng, phản biện, triển khai cơ chế, chính sách liên quan đến hỗ trợ DNNVV; tham gia đánh giá các chương trình hỗ trợ DNNVV quy định tại luật này; c) Huy động các nguồn lực và thực hiện hỗ trợ hội viên là các DNNVV theo quy định tại luật này. d) Thực hiện cung cấp dịch vụ hỗ trợ DNNVV theo quy định của pháp luật. đ) Phối hợp với các cơ quan nhà nước tổ chức đào tạo, tư vấn, cung cấp thông tin cho DNNVV. (Dự thảo Luật Hỗ trợ DNNVV ngày 14-4-2017) |