Hôm nay (17-4), Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận lần cuối về dự thảo Luật Hỗ trợ DNNVV và luật này sẽ được trình ra Quốc hội bỏ phiếu thông qua vào kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV tới. Đây là đạo luật được cộng đồng DN kỳ vọng, cũng là trọng tâm chính sách của Chính phủ nhằm thúc đẩy khu vực DNTN phát triển mạnh mẽ, hình thành quốc gia khởi nghiệp.
Việt Nam từng có nhiều chính sách hỗ trợ DNNVV, tuy nhiên thời gian qua được đánh giá không thành công, phần lớn vẫn nằm trên giấy. Các DNNVV, vốn chiếm đến 97% tổng số DN đăng ký hoạt động chính thức, vẫn cơ bản là “tự bơi” trong quá trình hoạt động.
“Chúng tôi sẽ được gì?” là câu hỏi đặt ra khi các DN đọc qua dự thảo. Nhưng đa phần tự trả lời là vẫn chưa thấy gì. Với 40 điều nhưng chỉ có bảy điều về các hỗ trợ chung (trên các lĩnh vực như tín dụng, thuế, mặt bằng sản xuất, thông tin…) và ba điều khác quy định chung về chương trình hỗ trợ mục tiêu. Còn lại đến 3/4 số điều khoản là những quy định chung, trách nhiệm hỗ trợ của từng bộ, ngành hay điều khoản thi hành.
Đáng lưu ý là những điều khoản hỗ trợ vẫn chủ yếu dừng lại ở mức tuyên ngôn về quyền như “DN được quyền”, DN được thực hiện”… Còn tiêu chí cụ thể để được thực hiện quyền, nội dung cụ thể về quyền, thủ tục xác nhận quyền, cơ chế đảm bảo thực hiện quyền… vẫn đang mờ nhạt. Phần lớn phải tự thực hiện theo pháp luật chuyên ngành hay luật giao cho Chính phủ hướng dẫn bằng nghị định.
Nếu như cần các nghị định và thông tư để thực hiện chương trình hỗ trợ thì nhiều DN đặt câu hỏi là liệu có cần ban hành một đạo luật riêng hay không? Theo cách này thì Chính phủ hoàn toàn có thể hoàn thiện thêm Nghị định 56/2009 về trợ giúp phát triển DNNVV là đủ.
Đáng chú ý là trong khi quy định về điều khoản “hỗ trợ” rất chung thì quy định về quyền và vị thế của Hiệp hội DNNVV Việt Nam, một tổ chức hiệp hội bình đẳng với 400 hiệp hội DN hiện nay, lại rất chi tiết, tạo ra những phản ứng trái chiều từ đông đảo các hiệp hội DN khác. Tại sao hiệp hội này lại được chọn để trao quyền và trọng trách hỗ trợ cả cộng đồng DNNVV khi tất cả hiệp hội khác cũng có thành viên là DNNVV lại ở bên ngoài, chỉ ở mức phối hợp?!
Để phát triển các DNNVV, hướng tới mục tiêu 1 triệu DN tới năm 2020, Việt Nam không cần một đạo luật hoành tráng, nhiều chữ mà cần một đạo luật thực chất, có ý nghĩa thực tiễn cao. Đạo luật không cần như một bữa tiệc soạn cho “đủ mâm, đủ bát” nhưng bày trên cao, chỉ để nhìn, để ngó, trong cơn đói, DN cần món ăn để ăn được, ăn ngay. Nó cũng không nên là một lễ hội phù hoa, nơi tất cả cơ quan có liên quan “diễu hành” qua, cần một số người xắn tay vào cuộc với trách nhiệm và quyền hành cụ thể.
Không chỉ ban hành xong một đạo luật để hoàn thành chương trình lập pháp, cần nhất ở đây là đừng bỏ lỡ một cơ hội, cơ hội để ban hành một chính sách phù hợp và có ý nghĩa cho cộng đồng DN, họ đang ngóng chờ từng ngày.