Đề nghị cấm hành vi ‘xúc phạm trên không gian mạng’ trong Luật dân chủ cơ sở

Ngày 24-3, ông Hà Phước Thắng, Phó Trưởng đoàn Đoàn ĐBQH TP.HCM đã chủ trì buổi hội thảo góp ý dự án Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Tại buổi góp ý, ông Trần Hữu Nghĩa, đại diện Uỷ ban MTTQ Việt Nam TP.HCM, đã có nhiều góp ý cụ thể về một số điều trong dự thảo luật.

Đáng chú ý, tại điều 7 về các hành vi bị nghiêm cấm, ông Nghĩa đề nghị bổ sung vào khoản 4 hành vi "phá hoại chính sách đại đoàn kết dân tộc, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của tổ chức, cá nhân trên không gian mạng".

Toàn cảnh hội nghị góp ý Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở. Ảnh: LÊ THOA

Hiện trong dự thảo luật, khoản 4 quy định hành vi bị nghiêm cấm là "lợi dụng việc thực hiện dân chủ ở cơ sở để xuyên tạc, vu khống, gây thù hận, kích động bạo lực, phân biệt vùng, miền, giới tính, tôn giáo, dân tộc, gây thiệt hại cho cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân".

Bên cạnh đó, về việc công khai thông tin ở xã, phường, thị trấn mà để cho người dân hiểu được, theo ông Nghĩa là vấn đề khó. Chẳng hạn hầu hết phường, xã đều công khai quy hoạch, dự án trên địa bàn, nhưng không nhiều người dân đọc được. Do đó các dịch vụ môi giới , còn gọi là "cò" mới hoạt động mạnh.

Ông Nghĩa cho rằng việc công khai mà người dân có thể hiểu biết, nhận định được vấn đề cần được nghiên cứu, có ý kiến cho rằng phường cần có hệ thống dữ liệu chi tiết, ví dụ chỉ cần nhập tên chủ hộ này là ra thông tin hộ gia đình đó, nhập tên bản đồ nọ là ra quy hoạch có liên quan…

Còn ông Dương Hoàng Chinh, Phó Trưởng phòng Tư pháp, TP Thủ Đức, nhìn nhận chủ thể thực hiện các hành vi bị nghiêm cấm ngoài những người thực thi công vụ như trưởng khu phố, cán bộ, công chức, thủ trưởng cơ quan, đơn vị thì còn có người dân.

“Nếu trên 10% người dân vận động, lôi kéo một nhóm người lên mạng xã hội như một số sự việc trên mạng vừa rồi mà phản đối một nghị quyết, cản trở việc dân chủ cơ sở ở một khu phố thì xử lý như thế nào” – ông Chinh đặt vấn đề. 

Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng phòng tham mưu, Công an TP.HCM, cho rằng trong việc công khai thông tin trong cơ quan, đơn vị, có những nội dung không nên công khai để đảm bảo bí mật nhà nước, đảm bảo an ninh trật tự, nhất là kết luận thanh tra, kiểm tra, quy định chưa phải là kết luận cuối cùng.

“Nếu công khai mà sau này có khiếu nại còn giải quyết sau đó sẽ gây khó khăn, ảnh hưởng an ninh trật tự cũng như đoàn kết trong đơn vị” – Thượng tá Hà nói và kiến nghị việc này cần quy định rõ hơn.

Dân chủ cơ sở góp phần chống quan liêu, tham nhũng

Ông Nguyễn Minh Nhựt, Phó Trưởng Ban Văn hoá – Xã hội HĐND TP.HCM, nhìn nhận việc thực hiện dân chủ ở cơ sở là bước tiến mới và quan trọng về dân chủ hoá xã hội ở nước ta, mở ra khả năng và điều kiện trong thực tế để người dân làm chủ trong các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội.

“Việc người dân tham gia quản lý nhà nước, quản lý xã hội cũng là một biện pháp góp phần đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, lãng phi, làm lành mạnh hoá xã hội, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh ngay từ cơ sở và ở cơ sở” – ông Nhựt nêu.

Trên tinh thần đó, ĐB Nhựt góp ý cần quy định rõ việc cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm tiếp thu, giải trình ý kiến người dân về những nội dung đã đưa ra lấy ý kiến.

Chưa kể, sau phần giải trình đó cần xem lại tỉ lệ đồng thuận của người dân đối với ý kiến giải trình. ĐB Nhựt cho rằng Luật cần quy định việc biểu quyết và lấy tỉ lệ phần trăm của kết quả lấy ý kiến người dân làm căn cứ để cơ quan có thẩm quyền quyết định. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới