“Tối qua tôi đã điện thoại đề nghị Công an tỉnh Bình Định phải báo cáo Bộ Công an vào cuộc điều tra việc hàng loạt tàu cá vỏ thép đóng mới đã bị hư hỏng nặng chỉ sau vài chuyến đi biển. Qua điều tra, lỗi thuộc về ai thì phải chịu trách nhiệm. Các cơ quan có thẩm quyền sai thì phải chịu trách nhiệm trước nhân dân theo quy định của pháp luật. Nếu cứ để tình hình này diễn ra, Nghị định 67/CP của Chính phủ sẽ không có hiệu quả”. Ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, cho biết tại hội nghị chuyên đề đóng mới, nâng cấp tàu cá theo Nghị định 67/CP của Chính phủ tại Bình Định ngày 9-6.
Hội nghị có sự tham gia của đại diện 28 tỉnh, thành phố ven biển, các cơ sở đóng tàu, ngư dân là chủ tàu.
“Kêu gọi lương tâm của các cơ sở đóng tàu!”
Bộ NN&PTNT đưa ra nhiều vấn đề để bàn thảo tại hội nghị trên, song phần lớn thời gian, các ý kiến đều tập trung xung quanh việc hàng loạt tàu vỏ thép vừa đóng của ngư dân Bình Định bị hỏng nặng, nhiều chiếc không thể ra khơi.
Ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định, cho biết hiện có đến 18 trong 47 tàu vỏ thép vừa đóng mới của ngư dân tỉnh này bị hỏng nặng.
Từ ngày 6-6 đến nay, tổ thẩm định độc lập do UBND tỉnh thành lập kiểm tra. “Kết quả kiểm tra sơ bộ cho thấy phần lớn các tàu đều bị rỉ sét nghiêm trọng. Các công ty đóng tàu đã sử dụng thép không đúng loại theo hợp đồng, thay thép Nhật Bản hoặc Hàn Quốc bằng thép Trung Quốc. Chất lượng, quy trình sơn không đảm bảo, máy tàu bị hư hỏng đã qua sửa chữa, không đồng bộ; phần lớn trang thiết bị hàng hải, khai thác bị hư hỏng, không hoạt động…”.
Giọng đầy bức xúc, ông Trần Châu nói: Một tàu vỏ thép của ngư dân Bình Định do Công ty Nam Triệu đóng ngay trong chuyến ra khơi đầu tiên đã bị nước tràn vào, làm chìm tàu. Nếu không có bộ đội biên phòng, lực lượng cứu hộ thì 12 ngư dân của chúng tôi đã thiệt mạng rồi! Khi ngư dân ngồi trên những con tàu hư hỏng ra khơi, nếu xảy ra đâm va, chết máy, thả trôi…, ai phải chịu trách nhiệm? Tôi kêu gọi lương tâm của tất cả cơ sở đóng tàu” - ông Châu nói.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định bức xúc khi nói về con tàu vỏ thép suýt lấy 12 sinh mạng ngư dân. Ảnh: TẤN LỘC
Phải tháo tàu ra làm lại
Trong báo cáo trình bày tại hội nghị, Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) nêu sáu tồn tại, nguyên nhân trong việc đóng mới tàu cá theo Nghị định 67/CP. Trong đó có đến năm tồn tại nguyên nhân thuộc về ngư dân; còn một tồn tại là “chưa có hướng dẫn cấp kinh phí để duy tu, bảo dưỡng tàu cá vỏ thép”!
Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định chỉ thẳng: “Các cơ sở đóng tàu đã lợi dụng sự thiếu hiểu biết của ngư dân về chất lượng tàu, máy móc, thiết bị để làm những điều phi pháp. Đây là vấn đề lớn!”.
Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định cho là không có kiểm tra, giám sát trong quá trình thi công đóng tàu. “Ngay cả khi Sở NN&PTNT hỗ trợ ngư dân đến kiểm tra thì các cơ sở đóng tàu không cho vào… Sau khi bàn giao tàu cho ngư dân, các cơ sở đóng tàu đã thiếu trách nhiệm trong việc bảo hành, bảo dưỡng” - ông nói.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định nhấn mạnh: “Đối với những vỏ tàu, thân tàu dùng chủng loại thép không đúng, tôi yêu cầu hai công ty Nam Triệu, Đại Nguyên Dương phải tháo ra làm lại. Đối với máy không chính hãng mà đã lắp vô rồi, giờ có trục trặc, tôi yêu cầu tháo ra, thay máy mới chính hãng. Tất cả thiết bị trên tàu phải làm mới hoàn toàn, chứ không thể để như vậy”.
Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định còn kiến nghị Bộ NN&PTNT có ý kiến để yêu cầu hai công ty đóng tàu trên phải bồi thường thiệt hại, có trách nhiệm trả lãi ngân hàng cho ngư dân do không sản xuất được.
Đồng tình với yêu cầu của lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cũng yêu cầu các công ty đóng tàu khắc phục các lỗi gây ra. Trước mắt, phải thay thép mới theo đúng hợp đồng. Hai công ty đóng tàu phải thay máy tàu mới chính hãng; làm rõ vì sao cả 18 tàu vỏ thép ở Bình Định bị hỏng đều chỉ do hai công ty Nam Triệu, Đại Nguyên Dương đóng. “Có một điều mà chúng tôi cũng phải đặt dấu hỏi lớn là 16 trong 18 con tàu bị hỏng là vay vốn của Ngân hàng BIDV. Vì sao vậy?” - ông Tám đặt vấn đề.
Không phải máy chính hãng
Giữa bầu không khí nóng của hội nghị, ông Teddy Trương Thưởng, trợ lý giám đốc bán hàng của Công ty Xin Min Hua Pte Ltd (Singapore), đại diện phân phối máy Mitsubishi (Nhật Bản) chính hãng duy nhất tại Việt Nam, xin lên bục phát biểu. Ông cho biết tất cả máy tàu do Công ty Nam Triệu đóng cho ngư dân Bình Định đều không do kênh chính hãng phân phối.
Theo ông Thưởng, ngày 8-6, hãng Mitsubishi phối hợp với Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định cùng các chuyên gia của Nhật đã kiểm tra chín tàu vỏ thép có sử dụng máy tàu hiệu Mitsubishi bị hỏng. “Qua kiểm tra, chỉ có một tàu dùng máy thủy Mitsubishi chính hãng do chúng tôi cung cấp và máy tàu này hoạt động bình thường” - ông nói.
“Chúng tôi xác định toàn bộ tám máy nhãn hiệu Mitsubishi trên tám tàu vỏ thép do Công ty Nam Triệu đóng không phải do kênh chính hãng phân phối. Cả tám máy trên đều có dấu hiệu bị hoán cải. Chính những chi tiết quan trọng này gây ra sự cố cho máy tàu” - ông Thưởng nói.
Trao đổi với chúng tôi, ông Bùi Hữu Hùng, Phó Giám đốc Công ty Nam Triệu, cho rằng công ty ông đã mua máy tàu Mitsubishi từ Công ty Thương mại - Xuất nhập khẩu Hoàng Gia Phát (TP.HCM). “Công ty Hoàng Gia Phát nói họ nhập nguyên máy mới. Hiện giờ tôi chưa thể có ý kiến gì. Chúng tôi đang mời giám đốc Công ty Hoàng Gia Phát ra Bình Định để kiểm tra”.
Tổng rà soát tất cả cơ sở đóng tàu “Bộ NN&PTNT thống nhất với đề xuất của tỉnh Bình Định, quyết định tạm đình chỉ việc nhận thêm hợp đồng đóng mới đối với hai công ty Nam Triệu, Đại Nguyên Dương để hai cơ sở này tập trung khắc phục lỗi của 18 con tàu. Sau khi khắc phục xong, Bộ NN&PTNT cùng với các địa phương xem xét có để hai doanh nghiệp này trong danh sách những cơ sở đóng tàu đủ điều kiện, năng lực đóng tàu hay không. Sau khi thẩm định, kết luận cụ thể từng con tàu, sẽ làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của các bên liên quan. Các địa phương tổng kiểm tra tất cả tàu đóng mới, đặc biệt là tàu vỏ thép. Tôi tin rằng không chỉ có 18 con tàu ở Bình Định và ba tàu ở Phú Yên. Tổng cục Thủy sản phải làm rõ trách nhiệm của cơ quan đăng kiểm. Cả 297 tàu vỏ thép đều do Trung tâm Đăng kiểm Tổng cục Thủy sản làm. Qua đó chấn chỉnh công tác đăng kiểm tàu cá”. Công ty đóng tàu “đi đêm” với ngư dân? Mới đây có đến bảy chủ tàu có đơn xin rút đơn kiến nghị thẩm định tàu. Cả bảy tàu này đều do Công ty Nam Triệu đóng. Tại hội nghị, ông Trần Đình Sơn (ngụ xã Mỹ An, Phù Mỹ, Bình Định), chủ tàu thép BĐ 99245 TS, xin phát biểu cho rằng lãnh đạo Công ty Nam Triệu đã gặp riêng, đưa 100 triệu đồng và bảo ông viết giấy rút đơn kiến nghị thẩm định tàu. Phát biểu xong, ông gửi đơn trình báo ngay tại hội nghị. Về vấn đề này, ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, nói: “Tôi nghĩ chắc có khi là “đi đêm”! Sau khi có ý kiến của tổ thẩm định độc lập, chắc chắn UBND tỉnh sẽ yêu cầu cơ quan có chức năng cao hơn làm rõ những vấn đề này”. |