Đề nghị giám sát đầu tư công, cổ phần hóa DNNN

Sáng 23-5, Quốc hội (QH) thảo luận tại tổ về dự kiến chương trình hoạt động giám sát của QH năm 2018. Trước đó, UBTVQH đã đề nghị các đại biểu (ĐB) chọn hai trong bốn nội dung giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về: Sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN); quản lý, sử dụng nguồn vốn trái phiếu chính phủ, vốn vay nước ngoài để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phát triển kinh tế- xã hội; bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; hỗ trợ phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Theo Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển, hai trong bốn nội dung là giám sát cổ phần hóa DNNN và giám sát trái phiếu chính phủ, vốn vay nước ngoài đã thực hiện giám sát rồi. Vì thế, ông Hiển đề nghị tập trung vào lĩnh vực rất quan trọng là giám sát việc sử dụng vốn ODA bởi việc sử dụng vốn ODA đã bộc lộ nhiều tồn tại, yếu kém trong quản lý.

Đề cập đến việc giám sát các dự án đầu tư công, theo Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc, hiện đã công bố 12 dự án thua lỗ lớn nhưng chưa biết thực chất còn bao nhiêu dự án xảy ra thua lỗ. “Đối với các dự án BOT hay sử dụng vốn ODA, có những vấn đề nổi cộm, nếu tiến hành giám sát sẽ có lợi cho dân nhiều hơn” - ông Phớc đề nghị.

Cùng ý kiến này, ĐB Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) cũng đặt câu hỏi: “Ngoài 12 dự án thua lỗ ra, còn bao nhiêu dự án khác như vậy?”. Ông cho rằng việc giám sát các dự án có nguy cơ thất thoát, thua lỗ là một trong những nội dung mà dư luận hết sức quan tâm.

Còn ĐB Nguyễn Thị Bích Ngọc, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội, cho rằng không nên “quy định cứng” sau 18 tháng mới giám sát vấn đề đã từng giám sát. “Những vấn đề bức xúc, nóng bỏng có thể tái giám sát, thậm chí một năm làm ba lần để tạo sự chuyển biến” - bà Ngọc nói. Theo đó, bà Ngọc đề nghị QH lựa chọn giám sát nội dung cổ phần hóa DNNN vì 15 năm thực hiện nhưng vẫn còn đến 20% DNNN đang tiếp tục làm. Điều này cho thấy việc cổ phần hóa DNNN đang có vướng mắc, cần tháo gỡ.

Cùng ý này, ĐB Hoàng Văn Cường (Hà Nội) nêu ý kiến: “Đối với cổ phần hóa DNNN nếu không giám sát thì không biết vì sao nó đang chậm như thế, không giám sát thì sau này sẽ lòi ra nhiều sai phạm”. Bên cạnh đó, ông cũng đề nghị cần phải thực hiện giám sát việc sử dụng vốn vay trái phiếu chính phủ, nước ngoài vì vốn vay liên quan rất nhiều đến nợ công, vì thế cần phải giám sát. Theo ông, cả hai vấn đề cổ phần hóa DNNN và sử dụng vốn vay đều là những vấn đề kinh tế nóng, cần phải giám sát để tháo “nút thắt” trong phát triển kinh tế hiện nay.

Món nợ Luật Về hội và Luật Biểu tình

Sáng cùng ngày, thảo luận tổ về dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh và hoạt động giám sát của QH năm 2018, ĐB Dương Trung Quốc (Đồng Nai) nêu vấn đề Hiến pháp đã hiến định 70 năm rồi nhưng Luật Về hội vẫn chưa làm. Còn với Luật Biểu tình thì từ nhiệm kỳ QH khóa XIII, Thủ tướng đã công khai nói trước QH mà đến nay vẫn “nhập nhằng mãi, trong khi đó hiện tượng biểu tình thì ngày càng nhiều mà không có luật điều chỉnh làm cho dân không biết đúng hay sai”.

ĐBQH Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) cũng đặt vấn đề: “QH đã thảo luận Luật Về hội tại kỳ họp trước, sau đó nói là cần hoàn thiện và xin ý kiến cơ quan có thẩm quyền, đến kỳ họp này lại không nói năng gì nữa”. ĐB Xuyền bày tỏ băn khoăn tương tự đối với dự án Luật Biểu tình và cho rằng đây là dự án luật rất được quan tâm.

Liên quan đến nội dung này, ĐB Trương Trọng Nghĩa đặt câu hỏi: “Luật Về hội kỳ 3 chưa thấy, kỳ 4 cũng không thấy nói có đưa hay không. Đi trước nhiều nhưng Luật Biểu tình tới nay không thấy nói gì hết. Đề nghị báo cáo để cử tri biết”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới