Đại biểu Giàng A Chu, Phó chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội nói tại buổi thảo luận tổ sáng 23-5 rằng: xây dựng luật, pháp luật là rất quan trọng, và cần phải được tiến hành sát với nhu cầu của cuộc sống.
Đại biểu Giàng A Chu cho rằng: Luật biểu tình cũng cần được đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh 2018. Ảnh: CHÂN LUẬN
“Chẳng hạn Luật về hội không đến mức nhạy cảm mà không đưa vào. Chúng tôi đi tiếp xúc, cử tri bức xúc lắm”, ông Giàng A Chu nói.
Theo ông Chu, những tranh cãi đối với Luật về hội “cứ loanh quanh chuyện hội có được nhà nước giao nhiệm vụ hay không thì không được”.
Ngay cả với Luật Biểu tình, ông Giàng A Chu cũng cho rằng: công tác chuẩn bị cho dự luật này là rất tích cực.
“Hiện nay tình trạng đình công trong các khu công nghiệp, khu chế xuất vẫn tồn tại, nhưng lại không có luật. Tôi nghĩ luật này cũng không đến nỗi nhạy cảm. Tôi đề nghị đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh và đưa ra thảo luận tại kỳ họp thứ 6”, ông Giàng A Chu kiến nghị.
Đại biểu tỉnh Quảng Ngãi Phạm Thị Thu Trang cũng đồng tình và cho rằng: cần phải đưa Luật về hội vào chương trình.
Đại biểu Phạm Thị Thu Trang cũng đồng tình đưa Luật về hội vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh 2018. Ảnh: CHÂN LUẬN
“Kỳ họp thứ hai Quốc hội đã thảo luận về luật này rất nhiều nhưng lần này lại không thấy đâu”, đại biểu Trang nói và cũng đề nghị đưa Luật biện pháp khẩn cấp tạm thời vào chương trình vì đó là một luận rất quan trọng.
Đại biểu Tô Văn Tám của tỉnh Kon Tum thì nhận xét: Luật về hội rất quan trọng, Quốc hội đã hai lần thảo luận nhưng lần này cũng không thấy đâu. “Vậy không biết liệu năm 2018 chúng ta có bàn Luật về hội được không”, ông Tám băn khoăn và cho biết: cử tri hỏi rất nhiều về luật này.
Nhận xét chung về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, ông Tám cho rằng: các dự luật được đưa vào rồi lại rút ra nhiều quá.
Đại biểu Tô Văn Tám nói rằng: các đạo luật được đưa vào rồi lại rút ra nhiều quá. Ảnh: CHÂN LUẬN
“Có một số đạo luật đưa vào rồi nhưng lại bị rút ra. Còn một số đạo luật trước đây chưa được đưa vào thì lần này lại xuất hiện sớm hơn. Có thể vì những luật ấy dễ, làm nhanh hơn. Nhưng như vậy thì sinh ra tình trạng luật khó người ta không chịu làm”, đại biểu Tám nói.
Từ đó, đại biểu Tám đề nghị Chính phủ tăng cường chỉ đạo các cơ quan soạn thảo để chấm dứt dứt tình trạng “đưa vào rồi lại rút ra” đối với các dự luật.
Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho rằng: việc xây dựng luật và pháp lệnh phải gắn liền với công tác giám sát những vấn đề nóng của đất nước.