Tuy không nói thẳng tình trạng “cả họ làm quan” nhưng cả báo cáo của Chính phủ và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đều thừa nhận tình trạng “bổ nhiệm cán bộ không đúng quy định, gây bức xúc dư luận”.
Nhưng có lẽ không chỉ bức xúc mà dư luận còn mất niềm tin đối với tình trạng đề bạt, bổ nhiệm người nhà, người thân đang ngày một tràn lan và chưa có dấu hiệu dừng lại. Con số chín địa phương có tình trạng cả nhà làm quan mà Chính phủ để ở phụ lục của báo cáo chưa phản ánh hết tình trạng này. Bởi những vụ việc cả nhà làm quan, bổ nhiệm sai… vẫn tiếp tục được phanh phui và dư luận tiếp tục dị nghị.
Cả nhà làm quan chắc chắn sẽ làm mất đi niềm tin nơi công chúng vào sự minh bạch, công khai trong đề bạt, tuyển dụng cũng như nguyên tắc cơ hội bình đẳng cho tất cả công dân tham gia trực tiếp vào việc điều hành và quản lý nhà nước. Bởi nói gì thì nói, việc đề bạt, bổ nhiệm người nhà, người thân bao giờ cũng gây ra bất công và khiến xã hội bất bình. Cả nhà làm quan thì đương nhiên cơ hội, quyền, lợi sẽ chỉ rơi vào tay một nhóm người chứ không phải mang lợi ích chính đáng cho tất cả nhân dân, chủ thể của quyền lực nhà nước.
Cả nhà làm quan tất yếu sẽ lẫn lộn công tư, ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh lẫn hiệu năng công quyền của các cấp. Nếu trong một địa phương, các cơ quan đại diện, hành pháp, tư pháp đều có sự hiện hữu của người thân trong cùng một họ thì việc nước, việc nhà sao có thể phân định? Quan hệ ruột thịt, thân hữu nếu là quan hệ chủ yếu khi cả nhà làm quan thì kỷ cương, đạo đức công vụ sẽ chẳng thể nào xác lập và thi hành triệt để. Niềm tin vốn là nền tảng của công quyền sẽ chẳng thể nào có được nơi công chúng.
Bởi khi đó những xung đột lợi ích chắc chắn sẽ xảy ra và làm mất đi sự công bằng, tính dân chủ, công khai trong quản trị và điều hành xã hội.
Mấy trăm năm trước Luật Hồi tị thời vua Lê Thánh Tông đã nghiêm cấm “những người thân như anh em, cha con, thầy trò, bạn bè cùng học, người cùng quê… không được làm quan cùng một chỗ”. Thậm chí còn nghiêm cấm cả quan lấy vợ và tậu tài sản, ruộng vườn ở nơi mình cai quản. Tất cả điều nghiêm cấm này đều nhằm triệt tiêu sự thiên vị, đề cao sự công tâm và thúc đẩy đạo đức công vụ.
Hiện nay nội dung và phạm vi quản lý nhà nước có thể khác thời vua Lê Thánh Tông nhưng nguyên lý tránh xung đột lợi ích, không thiên vị, đề cao tính công bằng, tuân thủ nguyên tắc công khai, minh bạch vẫn là nền tảng.
Một khi những sự đề bạt, bổ nhiệm dù đúng quy trình nhưng vẫn gây ra sự dị nghị nơi công luận thì dứt khoát sự đề bạt, bổ nhiệm ấy đã vi phạm những nguyên tắc thiết yếu của công quyền.
Và vì vậy, dù muốn dù không, tình trạng “cả họ làm quan” phải được chấm dứt. Nhân dân cả nước đợi câu trả lời ấy từ Chính phủ, hy vọng là ở kỳ họp gần nhất tới đây.