Đề nghị giảm thuế và chưa tăng lương cơ sở

Sáng 20-5, tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 9, Quốc hội (QH) khóa XIV, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội (KT-XH) và ngân sách.

Đại dịch tác động mạnh, vẫn có những “điểm sáng”

Mở đầu bản báo cáo, Thủ tướng nêu bật trong những tháng đầu năm 2020, tình hình quốc tế, trong nước có những biến động lớn, chưa từng có trong nhiều thập niên do tác động của đại dịch COVID-19. Kinh tế thế giới rơi vào tình trạng suy thoái; các nước, đối tác lớn của Việt Nam đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Thủ tướng nhấn mạnh tác động của đại dịch COVID-19 đến nước ta là rất nghiêm trọng do nền kinh tế hội nhập sâu rộng, độ mở lớn, tính tự chủ và khả năng chống chịu còn hạn chế. Cạnh đó, biến đổi khí hậu, thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn, mưa đá, dịch tả heo châu Phi… cũng gây thiệt hại lớn ở nhiều vùng, địa phương và tình hình Biển Đông diễn biến phức tạp.

Trong bối cảnh như vậy, chúng ta tập trung thực hiện “mục tiêu kép” - vừa quyết liệt phòng, chống dịch bệnh vừa duy trì và phát triển các hoạt động KT-XH, bảo đảm đời sống nhân dân.

Cũng theo người đứng đầu Chính phủ, mặc dù gặp khó khăn, thách thức lớn, chúng ta vẫn có những “điểm sáng” trong phát triển kinh tế, nhất là duy trì được nền tảng vĩ mô ổn định và các cân đối lớn của nền kinh tế, tạo thuận lợi cho phục hồi và phát triển KT-XH sau dịch.

Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được, Thủ tướng thừa nhận một số hạn chế, yếu kém và khó khăn, thách thức trên các lĩnh vực. Cụ thể, đời sống của một bộ phận người lao động, người dân còn gặp nhiều khó khăn; triển khai các chính sách hỗ trợ có nơi còn chậm; còn xảy ra tham nhũng, vi phạm pháp luật trong mua sắm thiết bị y tế…

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và  Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dự khai mạc kỳ họp. Ảnh: TTXVN

Chưa tăng lương cơ sở từ 1-7

Thủ tướng cho rằng so với thời điểm cuối năm 2019, tình hình hiện nay có sự thay đổi rất lớn, khó khăn hơn nhiều. Mục tiêu tăng trưởng đã đặt ra 6,8% cho năm 2020 là thách thức lớn và khó đạt được.

“Chính phủ đề nghị QH xem xét, điều chỉnh một số chỉ tiêu kế hoạch năm 2020, trong đó có chỉ tiêu tăng trưởng GDP và một số chỉ tiêu vĩ mô khác như thu ngân sách nhà nước (NSNN), bội chi NSNN, nợ công” - Thủ tướng nói.

Chính phủ cũng đề nghị QH xem xét, thông qua chủ trương về một số cơ chế, chính sách đặc thù trong tình hình mới. Cụ thể, cho phép Chính phủ chủ động điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2020 giữa các bộ, cơ quan trung ương và địa phương trong phạm vi dự toán chi đầu tư phát triển năm 2020. Đồng thời, thực hiện các giải pháp đặc thù để huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển trong bối cảnh khó khăn.

Chính phủ cũng xin chuyển đổi phương thức đầu tư các dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía đông và dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ từ đối tác công tư sang đầu tư từ nguồn vốn NSNN. Nguyên nhân chuyển đổi phương thức trên là do việc huy động nguồn vốn tín dụng cho các dự án đối tác công tư rất khó khăn.

Đồng thời, Chính phủ đề nghị miễn, giảm một số nghĩa vụ thuế, nộp ngân sách của các lĩnh vực, đối tượng chịu thiệt hại nặng nề do đại dịch COVID-19, trong đó giảm thuế thu nhập doanh nghiệp (DN) đối với DN nhỏ và siêu nhỏ.

Đáng chú ý, Chính phủ đề nghị QH xem xét, cân nhắc trước mắt chưa tăng mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và lương hưu từ ngày 1-7 để cùng chia sẻ khó khăn với người lao động do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và có thêm nguồn lực cho các mục tiêu cấp bách…

Kiên quyết chống sự tha hóa quyền lực

Về một số giải pháp cụ thể khác, Thủ tướng khẳng định Chính phủ sẽ tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án tuyến đường bộ cao tốc Bắc-Nam, Cảng hàng không quốc tế Long Thành và các dự án quan trọng, cấp bách khác có tính lan tỏa cao, kết nối vùng, miền.

Đồng thời, Chính phủ sẽ tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm người đứng đầu, xác định rõ trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, cá nhân liên quan. Bảo đảm công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình; xử lý nghiêm những trường hợp làm chậm, vi phạm quy định, thất thoát, lãng phí.

Người đứng đầu Chính phủ cũng nhấn mạnh việc kiên quyết chống sự bảo thủ, trì trệ; tư duy cục bộ, lợi ích nhóm; sự tha hóa quyền lực, tham nhũng, lãng phí, xuống cấp về đạo đức và trách nhiệm xã hội.

“Kiên quyết chống tư tưởng trì trệ, thái độ vô cảm, vô trách nhiệm trong một bộ phận cán bộ, công chức đối với người dân và DN” - Thủ tướng nói.

Nắm chắc tình hình, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo

Tại bản báo cáo của Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu trong thời gian tới cần tiếp tục theo dõi, nắm chắc tình hình thế giới, khu vực, kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo đảm tuyệt đối an toàn đại hội Đảng các cấp. Đấu tranh ngăn chặn hiệu quả hoạt động chống phá của các thế lực thù địch.

Thẩm tra báo cáo của Chính phủ về KT-XH và NSNN, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Vũ Hồng Thanh cho hay cơ quan này cơ bản nhất trí với các kết quả đạt được của Chính phủ. Tuy vậy, báo cáo thẩm tra cũng lưu ý nhiều vấn đề nổi lên như số DN ngừng hoạt động và DN không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký tăng cao…

Liên quan đến việc xuất khẩu gạo, Ủy ban Kinh tế nhận định: “Việc phối hợp điều hành xuất khẩu gạo thiếu đồng bộ, thiếu nhất quán gây ảnh hưởng lớn đối với hoạt động của DN và bức xúc cho xã hội”.

Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị Chính phủ báo cáo kết quả xử lý 12 dự án, DN chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương; tái cơ cấu Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy. Cùng đó là hiệu quả hoạt động của các ngân hàng mua bắt buộc, việc tính toán giá điện…

Ủy ban Kinh tế cũng nêu tình hình chặt phá rừng ở Tây Nguyên thời gian gần đây diễn ra phức tạp. Một số án giết người nghiêm trọng đã xảy ra. Một số vụ việc liên quan đến bảo kê, băng nhóm gây bức xúc trong dư luận xã hội cũng được nói đến.

Trong những nhiệm vụ, giải pháp cho những tháng cuối năm 2020, Ủy ban Kinh tế cho rằng Chính phủ cần chủ động xây dựng các kịch bản phát triển KT-XH trong ngắn hạn, dài hạn, trong đó có kịch bản với dự báo chưa thể khống chế dịch bệnh trong năm 2020.

“Có ý kiến đề nghị đánh giá về tình hình và các giải pháp bảo vệ chủ quyền ở Biển Đông” - Ủy ban Kinh tế nêu.

Ủy ban Kinh tế cũng yêu cầu đánh giá lại các chỉ tiêu, các cân đối lớn của nền kinh tế cho cả năm 2020 và cho cả giai đoạn 2016-2020. 

Chống đại dịch: Nhân dân đồng hành, quốc tế đánh giá cao

Sáng 20-5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dành thời gian báo cáo trước Quốc hội về phòng, chống dịch COVID-19. Người đứng đầu Chính phủ khái quát lại tình hình dịch bệnh trên toàn cầu và nhấn mạnh hiện vẫn chưa có vaccine, thuốc đặc trị, cũng như chưa dự báo chính xác được thời điểm kết thúc dịch.

Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm xuyên suốt là “chống dịch như chống giặc”; huy động sức mạnh và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng xã hội; “lấy phòng dịch làm ưu tiên”, “khóa chặt nguy cơ lây bệnh từ bên ngoài, kiên quyết cách ly tập trung, khoanh vùng dập dịch triệt để từ bên trong, chữa trị hiệu quả”, “chấp nhận hy sinh lợi ích kinh tế trước mắt để bảo vệ tốt nhất sức khỏe, tính mạng của người dân”.

Thủ tướng cho biết toàn tuyến biên giới trên đất liền được chốt chặt bởi trên 1.600 tổ, đội, 11.000 cán bộ, chiến sĩ quân đội, công an, dân quân. “Thực hiện nghiêm phương châm “bốn tại chỗ”, “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”, kịp thời xác định những người có nguy cơ lây nhiễm và thực hiện cách ly phù hợp” - ông nói.

Thủ tướng thông tin liên tục trong hơn một tháng qua, chưa có trường hợp nào lây nhiễm trong cộng đồng (các ca nhiễm gần đây đều là người Việt Nam nhập cảnh); trong khi nhiều quốc gia phát triển, có nền y tế hiện đại vẫn đang gặp nhiều khó khăn trong công tác phòng, chống dịch. Đạt được kết quả quan trọng này là do chúng ta đã sớm nhận thức đúng, có đối sách phù hợp, kịp thời, tập trung chỉ đạo liên tục, hành động quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả. Các tổ chức quốc tế, nhiều quốc gia, nhiều hãng truyền thông, chuyên gia uy tín đánh giá Việt Nam có mô hình chống dịch hợp lý, hiệu quả, chi phí thấp, được nhân dân ủng hộ. “Mặc dù đã và đang kiểm soát tốt dịch bệnh nhưng chúng ta không được chủ quan, lơ là, phải luôn đề cao cảnh giác, kiên quyết không để dịch bệnh quay trở lại” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Người đứng đầu Chính phủ cũng cho hay trong phong trào toàn dân ủng hộ phòng, chống dịch xuất hiện nhiều gương người tốt, việc tốt, thể hiện trách nhiệm với xã hội, với cộng đồng… Những mô hình “ATM gạo”, “Siêu thị 0 đồng”... đã giúp đỡ thiết thực nhiều người nghèo trong giai đoạn khó khăn…

“Nhân dịp này, Chính phủ trân trọng cám ơn toàn thể đồng bào, chiến sĩ cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài, các cấp, các ngành, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, các tổ chức chính trị - xã hội đã nỗ lực khắc phục khó khăn, đồng lòng chia sẻ và chung tay hành động trong công tác phòng, chống dịch bệnh” - Thủ tướng nói.

ĐỨC MINH - CHÂN LUẬN 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm