Sau hai lần bị hoãn, chiều 10-5, Toà án nhân dân tỉnh Bình Dương tiếp tục đưa ra xét xử bị cáo Nguyễn Thái Dương (38 tuổi, thường trú tại tỉnh Hậu Giang) là tài xế điều khiển xe khách 29 chỗ biển số 51B-17641 chở khách từ Hậu Giang lên Bình Dương gây tai nạn với hai tội danh “Vi phạm quy định về tham giao thông đường bộ và sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan tổ chức.
Hình ảnh phiên tòa diễn ra vào chiều 10-5.
Đây là vụ án từng gây xôn xao dư luận xảy ra từ tháng 13-2-2017 khi hậu quả rất nghiêm trọng. Tài xế đã sử dụng bằng giả để điều khiển xe khách gây tai nạn, tuy nhiên trong một thời gian dài, cơ quan CSĐT nơi xảy ra tai nạn không khởi tố vụ án.
Chiếc xe khách gây tai nạn khiến hai bé gái tử vong xảy ra vào ngày 13-2-2017
Trước đó, PLOđã đưa tin, vụ tai nạn rất nghiêm trọng khiến hai bé gái con chị Lê Thị Kim Chung tử vong, chị Chung cũng bị thương tật tới 53%. Sau khi báo chí vào cuộc thì vụ tai nạn nghiêm trọng mới được khởi tố để điều tra.
Từ ngày 6-2-2018, Dương bị công an tỉnh Bình Dương bắt tạm giam cho tới nay.
Bị cáo Nguyễn Thái Dương khai nhận hành vi phạm tội.
Theo cáo trạng, tài xế Dương chỉ có bằng lái xe hạng B2 (được lái xe dưới 9 chỗ) nhưng đã nhờ người làm giả giấy phép lái xe lên hạng D để đủ điều kiện lái xe khách.
Tới tháng 2-2017, Dương lái xe khách 29 chỗ từ Hậu Giang lên Bình Dương. Trong quá trình lái xe, Dương đã thấy hệ thống phanh của xe khách có vấn đề nhưng không dừng lại sửa chữa mà tiếp tục chạy xe. Khi tới một giao lộ tại thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương, xe khách bị mất thắng hoàn toàn.
Vợ chồng chị Lê Thị Kim Chung vẫn chưa hết đau buồn trước sự ra đi tức tưởi của 2 người con của mình.
Khi rẽ vào đường Cây Da, xe khách này va quẹt với hai ô tô bán tải, sau đó tiếp tục tông vào bốn xe máy khiến hai bé gái tử vong tại chỗ và nhiều người khác bị thương và chỉ dừng lại khi tông vào trụ đèn đường.
Theo kết luận giám định của Phòng quản lý VTPT của sở Giao thông vận tải tỉnh Bình Dương vào ngày 21-2-2017 thì hệ thống phanh chính của xe, trước và sau tai nạn không đảm bảo an toàn kỹ thuật.
Tại phiên tòa, bị cáo Nguyễn Thái Dương thừa nhận các hành vi truy tố của VKS đưa ra.
Luật sư Nguyễn Tri Đức vẫn đặt ra câu hỏi: Ai là người thay đổi hệ thống phanh của chiếc xe khách gây tai nạn?
Tuy nhiên, vấn đề trợ lực phanh đã được thay đổi không đúng với kiểu loại của nhà sản xuất thì cả tài xế Dương, chủ xe là ông Trần Thanh Giống và ông Trần Thanh Sơn không ai nhận trách nhiệm. Các đăng kiểm viên của Trung tâm đăng kiểm số 6202D tại huyện Bến Lức (Long An) cũng khẳng định thực hiện kiểm định đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật. Hệ thống phanh lúc đăng kiểm đúng như mẫu nhà sản xuất.
Chính vì thế, không đủ chứng cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự với chủ xe là ông Trần Thanh Sơn, ông Trần Thanh Giống và các đăng kiểm viên.
Trao đổi với PLO bên lề phiên tòa, luật sư Nguyễn Tri Đức, Giám đốc Công ty luật 360, đoàn luật sư TP.HCM (người bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho bị hại) cho biết, tài xế và các đời chủ xe là ông Trần Thanh Sơn, ông Trần Thanh Giống không thay đổi hệ thống phanh này, thì ai thay đổi nó.
Tổng cộng các hình phạt VKS đưa ra đối với bị cáo Nguyễn Thái Dương là từ 9 năm đến 10 năm 6 tháng tù.
“Đến nay, cơ quan Cảnh sát điều tra vẫn không làm rõ vấn đề này. Tại phiên tòa, HĐXX, VKS cũng như vai trò là người bảo vệ quyền lợi cho bị hại tôi cũng có những câu hỏi đặt ra chất vấn. Tuy nhiên, những yếu tố, những chứng cứ làm rõ trách nhiệm đối với người có trách nhiệm thay đổi hệ thống phanh này vẫn còn mờ nhạt. Đây vẫn là một dấu chấm hỏi, cần phải làm rõ”, luật sư Đức nhấn mạnh.
Tại phần luận tội, VKS tỉnh Bình Dương đề nghị mức án từ 8 năm đến 9 năm tù về tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” và từ 1 năm đến 1 năm 6 tháng tù về tội “Sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”. Tổng cộng các hình phạt là từ 9 năm đến 10 năm 6 tháng tù. Ngoài ra, về trách nhiệm dân sự bị cáo buộc phải bồi thường cho các bị hại theo quy định của pháp luật.
Dự kiến, HĐXX Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương sẽ tuyên án vào ngày 13-5 tới đây.