Đề nghị thu hồi nhiều hồ sơ thương binh giả ở Hà Nội

Bộ LĐ-TB&XH vừa có văn bản đề nghị Bộ tư lệnh Thủ đô và Sở LĐ-TB&XH TP Hà Nội ban hành quyết định thu hồi quyết định công nhận thương binh và trợ cấp thương tật đối với các trường hợp khai man, giả mạo hồ sơ thương binh.

Kết quả giám định cho thấy nhiều hồ sơ thương binh được làm giả mạo. Ảnh: V.LONG

Giám định phát hiện giả mạo
Theo đó, quá trình thanh tra, đoàn thanh tra Bộ LĐ-TB&XH nghi ngờ một số hồ sơ thương binh tại Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội khai man, giả mạo. Sau đó, đoàn thanh tra quyết định rút hồ sơ gốc từ các quân khu để giám định tại Phòng giám định kỹ thuật hình sự (Bộ Quốc phòng). 
Quá trình giám định 263 trường hợp thương binh, đoàn thanh tra phát hiện 46 tài liệu không đảm bảo tính pháp lý đã được dùng làm căn cứ xác lập hồ sơ thương binh với các hành vi như tẩy xóa, viết lại nội dung mới không đúng với nội dung cũ; hình dấu trên tài liệu được hình thành bằng phương pháp kẻ, vẽ hoặc in phun màu; ghi thêm nội dung bị thương để làm cơ sở lập hồ sơ.
Chẳng hạn, hồ sơ ông NXT, ngụ Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) ghi Trung đoàn 1, Sư đoàn 324. Tuy nhiên, hình dấu cũ mang tên Trung đoàn 3, cấp cho ông Đỗ Quang Trung, ngụ Đường Lâm, thị xã Sơn Tây.
Hồ sơ ông LTL, phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) tồn tại chữ viết ghi thông tin người khác, đó là ông NĐĐ, 23 tuổi. Đặc biệt, hồ sơ ông ĐĐC, ngụ huyện Đan Phượng (Hà Nội) bị tẩy xóa bằng chất lỏng để viết lại nội dung như hiện tại.
Cạnh đó, đoàn thanh tra cũng phát hiện hai trường hợp thương binh được xác lập trên bản sao danh sách quân nhân bị thương nhưng kết quả xác minh tại đơn vị lại không có tên trong danh sách quân nhân bị thương.

Các bài báo phản ánh nạn giả hồ sơ thương binh trên báo Pháp Luật TP.HCM.

Đề nghị thu hồi
Từ kết quả thanh tra, Bộ LĐ-TB&XH đề nghị Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội ban hành quyết định thu hồi quyết định công nhận thương binh và trợ cấp thương tật đối với 48 trường hợp thương binh nêu trên. “Cạnh đó, chỉ đạo Cục Chính trị chủ trì, phối hợp với Sở LĐ-TB&XH TP Hà Nội tiến hành thủ tục thu hồi giấy chứng nhận bị thương, quyết định công nhận thương binh, thẻ thương binh đối với các trường hợp này…” - Bộ LĐ-TB&XH nêu rõ.
Bộ LĐ-TB&XH cũng đề nghị Bộ tư lệnh Thủ đô thông báo bằng văn bản đến từng đối tượng về sai phạm của hồ sơ. Tổ chức đối thoại trực tiếp với đối tượng để giải thích rõ về sai phạm của hồ sơ, lý do không đủ điều kiện để tiếp tục hưởng trợ cấp trước khi thu hồi quyết định công nhận thương binh và đình chỉ chế độ.
Giám đốc Sở LĐ-TB&XH được bộ này giao nhiệm vụ thu hồi số tiền gần 10 tỉ đồng đối với các đối tượng hưởng sai để nộp vào ngân sách nhà nước.

11.320 hồ sơ có nghi vấn phải giám định

Trước đó, Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với Bộ Quốc phòng thanh tra liên ngành việc xét duyệt, xác nhận hồ sơ thương binh do cơ quan quân đội thực hiện tại bảy quân khu (các quân khu 1, 2, 3, 4, 5, 7, 9) và Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội từ năm 2015 đến 2019.

Theo đó, sau khi kiểm tra hơn 66.000 hồ sơ gốc đang được lưu tại các quân khu, đoàn thanh tra đã phát hiện 11.320 hồ sơ có nghi vấn phải giám định, xác minh.

Theo Bộ LĐ-TB&XH, trong các hồ sơ nghi vấn trên có gần 7.500 hồ sơ xác lập trên cơ sở giấy tờ gốc nghi vấn giả mạo cần giám định, gần 3.000 hồ sơ xác lập trên cơ sở bản sao danh sách quân nhân bị thương cần kiểm tra, xác minh và hơn 1.000 hồ sơ cần bổ sung theo quy định.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới