Chiều 16-9, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM đã tổ chức hội thảo góp ý dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi). Tại đây, nhiều đại biểu đã bày tỏ băn khoăn về tình trạng tái nghiện, quản lý người nghiện tại cộng đồng…
Nỗi lo từ người ngáo đá
Trung tá Phan Ngọc Hoàng, Đội trưởng Đội CSĐT tội phạm về ma túy, Công an quận 12, cho biết qua quá trình đấu tranh thực tế, hằng năm số người nghiện đều tăng, đây là nguồn phát sinh các loại tội phạm. Chỉ trong chín tháng đầu năm 2020, Công an quận 12 đã đưa hơn 1.000 người nghiện vào cơ sở cai nghiện.
Theo Trung tá Hoàng, hiện nay tình trạng ngáo đá đang gây hệ lụy rất lớn. Với các trường hợp này, khi có nơi cư trú ổn định thì sẽ đưa đi cắt cơn giải độc 15 ngày, sau đó vận động gia đình đưa vào cơ sở cai nghiện tư nhân. Tuy nhiên, đa số gia đình đều khó khăn nên chỉ cai nghiện một thời gian rất ngắn rồi xin con, em ra.
“Người ngáo đá lâu năm thì không nhận thức được về hành vi, tư duy, hoạt động, gây ra những vụ án lớn khiến xã hội lên án. Vậy tại sao chúng ta không đưa những người này đi cai nghiện bắt buộc luôn. Vì nhiều trường hợp hành động theo bản năng, từ cột điện bay xuống dưới đất, nhảy xuống sông luôn…” - Trung tá Hoàng nêu vấn đề.
Trung tá Hoàng cũng cho rằng hiện nay buộc cai nghiện trong sáu tháng là quá ngắn. Bởi nhiều trường hợp cai nghiện 24 tháng xong về vẫn tái nghiện. Số người nghiện bỏ luôn ma túy chỉ tính trên đầu ngón tay. Bởi đa số người nghiện tái nghiện là do khi về cộng đồng không có việc làm. Vì vậy, nên đưa chương trình tư vấn tâm lý, đào tạo nghề cơ bản cho người nghiện trong quá trình cai nghiện tại các cơ sở.
“Công việc sẽ cuốn họ theo, họ sẽ quên, sẽ bớt tái nghiện. Chứ về nhà, ăn rồi ở không, lại tiếp cận bạn bè thì trước sau cũng nghiện trở lại. Mà khi tái nghiện thì họ thường di chuyển đi nơi khác nên quản lý nơi cư trú là rất quan trọng” - Trung tá Hoàng phân tích thêm.
Trung tá Phan Ngọc Hoàng, Công an quận 12 nêu tình trạng "ngáo đá" đang gây hệ lụy lớn. Ảnh: LÊ THOA
Phải xử lý hình sự người tái nghiện
Thượng tá Trương Minh Đức, Phó Trưởng Công an huyện Hóc Môn, cho biết trên thực tế có khoảng 80% người cai về nhà thì tái nghiện. Từ đó, Thượng tá Đức đề nghị trong dự thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) nên đề cập đến trách nhiệm của người sau cai nghiện.
“Anh vi phạm tái nghiện bao nhiêu lần thì sẽ bị điều chỉnh bởi luật hình sự? Chứ giờ nói tìm một biện pháp quản lý người nghiện là khó lắm. Vì vậy, sau khi cai nghiện về địa phương, nếu một cơ quan pháp luật, tổ chức xã hội phát hiện anh tái nghiện thì chuyển qua xử lý hình sự. Chứ mãi xử lý hành chính thì không đủ sức răn đe” - Thượng tá Đức nói.
Ông Trần Hữu Nghĩa, đại diện Ủy ban MTTQ Việt Nam TP, cũng nhìn nhận cai nghiện tại cộng đồng thực sự rất khó. Thực tế các đoàn thể, mặt trận có phân công người phụ trách người nghiện. Nhưng chủ yếu là thực hiện tuyên truyền, vận động thuyết phục, còn cảm hóa thì chưa hiệu quả. Chưa kể đoàn thể không thể đi theo xuyên suốt quá trình sinh hoạt của người nghiện tại địa phương.
Ý kiến khác nhau về nơi cư trú của người nghiện Trung tá Phan Thanh Bình, Phó Trưởng Công an quận 8, cho rằng thời gian qua, việc cai nghiện tại cộng đồng không hiệu quả. Bởi “khi người ta nghiện ma túy là gia đình đã muốn từ bỏ luôn rồi, chúng ta không có sự hợp tác từ gia đình, bộ phận chuyên trách cũng không có”. Chưa kể, có tình trạng người nghiện nay ở chỗ này, mai ở chỗ khác, không được quản lý. “Vì vậy, rất cần có quy định rõ như thế nào là nơi cư trú ổn định để làm cơ sở cho việc buộc người nghiện cai tại cộng đồng hoặc đưa đi cai tập trung!” - Trung tá Bình nói. Ông Bùi Trường Giang, Phó Trưởng phòng Tư pháp quận 1, cho rằng không nên phân biệt người nghiện có nơi cư trú hay không có nơi cư trú ổn định mà “đã nghiện rồi thì nên đưa đi cai nghiện bắt buộc”. “Chứ đợi đi xác minh thì mất hết thời gian, thậm chí gửi xác minh thì không nhận được câu trả lời, làm trễ hồ sơ, công an phải trả hồ sơ về” - ông Giang nói. Ông Giang cũng đưa ra đề xuất, ai không có nơi cư trú thì đưa vào cơ sở bảo trợ xã hội. Từ đó sẽ giải quyết được số người lang thang. |