LTS: Kể từ năm 2009, khi Bộ luật Hình sự không xem hành vi sử dụng trái phép chất ma túy là tội phạm thì người sử dụng chất này ngày càng tăng nhưng chưa có cơ chế để quản lý họ hiệu quả. Điều này gây nhiều hệ lụy về an ninh trật tự và các hệ quả xấu khác do những người sử dụng ma túy gây ra.
Bộ Công an đang xây dựng dự thảo luật phòng, chống ma túy (sửa đổi), trong đó chú trọng việc quản lý người nghiện, người sử dụng ma túy và xem xét bỏ biện pháp cai nghiện bắt buộc tại cộng đồng...
Bộ Công an đang xây dựng dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi). Theo cơ quan này, một trong những sự cần thiết phải ban hành luật mới là do tình hình sử dụng trái phép chất ma túy tại Việt Nam ngày càng phức tạp, gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng.
Ma túy thu giữ tính bằng tấn!
“Trung bình trong năm năm gần đây, cả nước phát hiện khoảng 20.000 vụ với trên 30.000 người, số lượng ma túy thu giữ được tính bằng tấn” - Bộ Công an cho hay.
Theo Bộ Công an, tội phạm ma túy ngày càng tinh vi, manh động, tự trang bị vũ khí nóng để chống trả lại lực lượng chức năng khi bị phát hiện, bắt giữ. Chúng hình thành các toán, nhóm vũ trang vận chuyển ma túy từ bên kia biên giới vào trong nội địa, câu kết chặt chẽ với người nước ngoài càng tạo ra sự phức tạp.
Một vấn đề khác nổi lên là vấn đề quản lý tiền chất phức tạp, khó kiểm soát trong các khâu xuất nhập khẩu, lưu thông, sử dụng và tồn trữ. Một số doanh nghiệp thường xuyên xin cấp phép nhập khẩu tiền chất với số lượng lớn so với nhu cầu thực nhưng nhập khẩu ít hơn so với số lượng xin cấp phép. Vì thế làm cho việc thống kê, báo cáo không sát với thực tế, gây khó khăn cho cơ quan quản lý nhà nước.
Ngoài việc các băng nhóm đưa ma túy từ nước ngoài vào thì trong nước nhiều người tổ chức sản xuất ma túy càng làm cho tình hình thêm phức tạp.
Ngày 11-5-2019, lực lượng chức năng ập vào kho hàng ở Bình Chánh, TP.HCM bắt giữ 500 kg ma túy kentamin, trị giá khoảng 500 tỉ đồng. Ảnh: HT
Hiểm họa mang tên “ngáo đá”
Theo Bộ Công an, tính đến tháng 12-2019, Việt Nam có hơn 235.000 người nghiện có hồ sơ quản lý (tăng 160% so với năm 2009). Trong khi đó, công tác cai nghiện hiệu quả chưa cao, tỉ lệ tái nghiện nhiều.
Số người sử dụng trái phép chất ma túy có xu hướng gia tăng, nhất là từ khi Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) có hiệu lực, hành vi sử dụng trái phép chất ma túy không bị xử lý hình sự.
Trong tương tác tội phạm, tệ nạn ma túy và tình hình an ninh trật tự… thì thành tố người nghiện là thành tố trung tâm, chủ lực và nguy hiểm nhất... Năm 2008 và 2013 có tỉ lệ phạm pháp hình sự trên địa bàn TP cao nhất và khi soi lại nguyên nhân thì thấy rằng đây là lúc Nghị quyết 16/2008 về quản lý sau cai nghiện và Luật Xử lý vi phạm hành chính gây tồn đọng, số người nghiện trong cộng đồng không đưa đi cai được thì phạm pháp hình sự ngay lập tức gia tăng. Thiếu tướng PHAN ANH MINH, cựu phó giám đốc, thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM, phát biểu ngày 4-10-2019 |
Năm 2018, Việt Nam có gần 50.000 người sử dụng trái phép chất ma túy đang ở cộng đồng (gấp đôi so với năm 2008). Sự bùng nổ của các loại hình kinh doanh có điều kiện như vũ trường, quán bar, nhà hàng… là một trong các nguyên nhân dẫn tới hệ quả này.
Cũng theo Bộ Công an, nhiều trường hợp sử dụng ma túy, nhất là ma túy tổng hợp dẫn tới “ngáo đá”, dù mới chỉ sử dụng lần đầu nhưng đã gây ra nguy hiểm cho chính bản thân và xã hội. Thống kê cho thấy có tới 15,36% số người sử dụng trái phép chất ma túy vi phạm pháp luật, 1,46% gây bất ổn an ninh trật tự và 7,57% đang chấp hành án.
Nghiêm trọng nhất là việc người sử dụng ma túy tổng hợp gây ra các vụ thảm án, tai nạn thảm khốc làm hoang mang trong dân.
Theo Bộ Công an, dù thấy được tính chất nguy hiểm cũng như hậu quả sẽ gây ra cho xã hội nhưng công tác quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy chưa được quan tâm đúng mực.
Do vậy, cùng với việc quản lý người nghiện thì cần phải có cơ chế để quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy, từ đó phòng ngừa, ngăn chặn hậu quả của việc sử dụng trái phép chất ma túy gây ra cho xã hội.
Thảm án vì ma túy • Ngày 10-2-2019, sau khi sử dụng ma túy cùng bạn tại quán karaoke, Trương Mạnh Tuấn (một phó phòng của chi nhánh ngân hàng ở Nghệ An) đã cầm dao giết chết cha ruột, chém trọng thương mẹ và em gái đang mang thai. Gây án xong, Tuấn cầm dao bỏ chạy trong tinh thần hoảng loạn, tự sát nhưng bất thành. • Ngày 2-5-2019, sau khi sử dụng ma túy đá, Trương Tín (29 tuổi, trú tại TP.HCM) sát hại bà ngoại, mẹ và dì của mình. Gây án xong, Tín thản nhiên đi uống cà phê với bạn cho đến khi bị công an bắt giữ. • Ngày 26-12-2019, sau khi sử dụng ma túy, Hoàng Văn Chín (trú tại Định Hóa, Thái Nguyên) sát hại vợ và bốn người khác... Số vụ, số người bị bắt, số lượng ma túy đều tăng Theo thống kê năm 2008, toàn quốc phát hiện, bắt giữ gần 13.000 vụ, hơn 20.000 người, thu giữ hơn 156 kg heroin, gần 19 kg thuốc phiện, hơn 44.000 viên ma túy tổng hợp. Đến năm 2019 có gần 23.000 vụ (tăng 77%) bị phát hiện, hơn 35.000 người bị bắt giữ (tăng 73%), thu giữ gần 1.500 kg heroin (tăng 857%) và gần 1 triệu viên ma túy tổng hợp… |