Hàng loạt vụ án mạng đặc biệt nghiêm trọng liên tiếp xảy ra mà nguyên nhân có khi từ những việc không đâu làm nhiều người hoang mang. Trên diễn đàn Quốc hội, các đại biểu cũng lo lắng về tình trạng này.
nói về nguyên nhân, giải pháp hạn chế tình trạng này, Trung tá Đào Trung Hiếu, chuyên gia nghiên cứu tội phạm học, Bộ Công an, đã đề cập đến nhiều vấn đề.
Nhiều thảm án vì mâu thuẫn xã hội
. Phóng viên: Ông đánh giá thế nào về tình trạng các vụ thảm án đặc biệt nghiêm trọng xảy ra gần đây?
Trung tá Đào Trung Hiếu, chuyên gia nghiên cứu tội phạm học, Bộ Công an
+ Trung tá Đào Trung Hiếu: Một số vụ án mạng gần đây tựu trung do các nguyên nhân chính như giết người, cướp tài sản (thường khi bị lộ sẽ sát hại cả gia đình nạn nhân); giết người do mâu thuẫn gia đình, tình ái, va chạm giao thông; giết người do tâm thần, ngáo đá…
Trong đó, án giết người do mâu thuẫn xã hội xảy ra nhiều nhất. Chỉ mới đây thôi, Đỗ Văn Bình ở Hà Nội liên tiếp sát hại ba người sau khi xảy ra va chạm giao thông; hay như vụ Nghiêm Thị Nhi ở Lâm Đồng ra tay sát hại ba bà cháu; giết người rồi đổ bê tông ở Bình Dương…
Án giết người do ngáo đá có thể kể đến như vụ Trương Tín ở TP.HCM sát hại ba người thân vào đầu tháng 5-2019; Hoàng Nam sát hại bốn người trong tình trạng ngáo đá vào tháng 3 vừa qua…
. Có vẻ những vụ thảm án hơn ba nạn nhân cùng lúc ngày càng nhiều hơn. Với người chuyên nghiên cứu tội phạm học, ông có thể lý giải nguyên nhân do đâu, thưa ông?
+ Đạo đức xã hội đang xuống cấp một cách nghiêm trọng, phải khẳng định như vậy. Đạo đức kéo theo sự vô cảm lớn dần trong mỗi cá nhân. Người ta không cảm thấy căm phẫn, ghét bỏ trước những cái xấu, cái tiêu cực và cũng không cảm thấy hứng thú, rung động trước những điều tốt đẹp trong xã hội một khi đạo đức xuống cấp.
Cùng với đó, kẻ gây án thường hạn chế về mặt nhận thức, tâm lý coi thường pháp luật. Rất nhiều người trẻ bị ảnh hưởng vì họ là đối tượng rất dễ bị tổn thương, nhiễm nhanh những giá trị lệch chuẩn của xã hội.
Chưa kể những khó khăn trong đời sống kinh tế đã tạo cho người ta bế tắc. Khoảng cách giàu nghèo, thất nghiệp… khiến họ dễ bị lôi kéo bởi các nhóm trên mạng, các băng nhóm lưu manh, côn đồ ngoài xã hội. Một người có việc làm tử tế, thu nhập tốt thì không dễ dùng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn, cũng không đi cướp của, giết người. Trong các vụ trộm cướp tài sản, nghi phạm thường ra tay sát hại nhiều người bởi tâm lý sợ bị lộ.
Còn với những vụ xuất phát từ mâu thuẫn xã hội, thù tức, ghen tuông hay tình ái, như đã nói, số lượng chiếm tỉ lệ rất cao. Thủ phạm có thể bột phát từ những xích mích rất đơn giản, có thể chỉ là va chạm giao thông trên đường, trên bàn nhậu rồi sẵn sàng rút dao, kiếm đâm chém nhau.
Cơ quan chức năng khám nghiệm, điều tra vụ thảm án ở Bình Dương. Ảnh: Lê Ánh
Người trẻ thiếu kỹ năng sống
. Một điều dễ thấy là thủ phạm trong rất nhiều vụ án là người trẻ tuổi, lý do nào dẫn tới điều này?
+ Chúng ta vẫn thường sử dụng khái niệm “trẻ hóa” trong tội phạm, nghĩa là độ tuổi của người phạm tội ngày càng giảm.
Như đã nói, do đạo đức xuống cấp, giới trẻ thì thiếu kỹ năng quản lý cảm xúc bản thân, thiếu khôn ngoan khi ứng xử.
Nhiều người trẻ không tiền án, tiền sự nhưng ra tay tàn ác, điều này cho thấy tâm lý bất ổn, thiếu cân bằng, chới với trong cuộc sống vì những mục tiêu chưa đạt được. Thay vì phải định hướng lại, kiên trì để giải quyết vấn đề thì nhiều người lại tìm cách sống vội vàng, dẫn đến hành vi nhẫn tâm với đồng loại.
Người trẻ cũng dễ dàng tiếp nhận văn hóa ngoại lai, văn hóa phẩm độc hại, trò chơi bạo lực và hình thành thói quen sử dụng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn trong đời thường.
Việc giáo dục kỹ năng sống cho trẻ còn chưa được chú trọng, chúng bị nhồi nhét kiến thức mà không được trang bị kỹ năng sống và khi gặp vấn đề, chúng không biết phải ứng xử thế nào nên tìm đến bạo lực như giải pháp…
. Thống kê cho thấy thảm án xảy ra rất nhiều ở các tỉnh miền núi, vùng nông thôn hoặc những khu vực có sự phức tạp về dân cư?
+ Chính xác! Vài năm trước, hàng loạt vụ thảm án xảy ra ở khu vực các tỉnh phía Bắc (Lào Cai, Yên Bái…). Còn thời gian gần đây, Bình Dương, TP.HCM là một trong những địa phương có nhiều án mạng nghiêm trọng nhất.
Hai tỉnh, thành trên có mức gia tăng dân số cơ học rất cao, lượng người nhập cư lớn. Chính vì nhiều thành phần dân cư nên rất dễ dẫn tới xuất hiện các băng nhóm…, đặt ra bài toán về quản lý cư trú và các vấn đề xã hội khác.
Còn tại vùng nông thôn, những nông dân hiền lành, chất phác bị sức ép cuộc sống, khó khăn về kinh tế, điều kiện cơ sở vật chất… tạo ra sự ức chế với những thứ xung quanh. Chính vì vậy mà những va chạm rất nhỏ như trâu bò ăn lúa, bị làm hỏng mương dẫn nước, hủ tục… là người ta nghĩ và giải quyết bằng bạo lực.
. Theo ông, cần có giải pháp gì để ngăn chặn tình trạng này?
+ Đầu tiên cần xử nghiêm tất cả hành vi vi phạm pháp luật, không có ngoại lệ, điều này sẽ tạo ra uy lực của pháp luật. Khi người dân cảm thấy pháp luật là phương tiện để bảo vệ mình thì họ sẽ tự nguyện chấp hành.
Cấp cơ sở cần làm tốt công tác phòng ngừa tội phạm, nắm bắt và giải quyết triệt để các mâu thuẫn khi vừa mới xuất hiện. Tội phạm không phải điều gì xa lạ, nó bước ra từ bất cứ ngôi nhà nào. Ngay từ cấp tổ dân phố phải làm tốt việc phòng ngừa.
Cùng với đó, phải thay đổi từ tế bào của xã hội là gia đình. Gia đình phải tốt đã. Muốn gia đình tốt thì những con người trong đấy phải tốt. Tôi nghĩ rằng điều đầu tiên đó là cha mẹ phải nêu gương cho các con.
Các thành viên trong gia đình phải có trách nhiệm với nhau, thương yêu, đùm bọc nhau. Trẻ sẽ học được đức hy sinh, bao bọc, che chở từ cha mẹ chúng.
Chúng ta cũng cần xem xét lại chương trình đào tạo, giáo dục. Chúng ta đã và đang cho ra những lớp trẻ giàu kiến thức lý thuyết nhưng lại thiếu kỹ năng sống.
Ngoài ra, việc quản lý người bị bệnh tật, người tâm thần, người nghiện cần chặt chẽ hơn. Những đối tượng này sống trong gia đình có nguy cơ gây hậu họa rất lớn, phải có giải pháp quản lý, cách ly…
. Xin cám ơn ông.
Các vụ thảm án xảy ra gần đây - Ngày 25-5-2019, Công an tỉnh Lâm Đồng bắt giữ Nghiêm Thị Nhi (48 tuổi, trú huyện Đức Trọng), nghi phạm sát hại một cụ bà 71 tuổi cùng hai người cháu rồi chôn thi thể trong vườn cà phê. Người phụ nữ khai nhận động cơ gây án là vì có mâu thuẫn trước đó với con trai và con dâu của nạn nhân, vì vậy ra tay để trả thù. - Ngày 17-5-2019, Công an TP Hà Nội bắt giữ Đỗ Văn Bình (38 tuổi, trú huyện Mê Linh, Hà Nội, làm nghề mổ thịt heo). Sau khi xảy ra va chạm giao thông với hai người đàn ông, do bị đối phương hành hung nên Bình dùng dao lần lượt sát hại cả hai để trả thù. Tiếp đó, vì biết không thể thoát tội, Bình tiếp tục sát hại một phụ nữ, đâm trọng thương một phụ nữ khác vì cho rằng họ phụ tình mình.
- Khuya 2-5-2019, tại phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân (TP.HCM), Trương Tín (29 tuổi) trong lúc phê ma túy đá đã ra tay sát hại mẹ, dì và bà ngoại. - Ngày 25-4-2019, Công an tỉnh Bình Dương bắt giữ Trần Trọng Luận, nghi phạm ra tay sát hại hai mẹ con cùng đứa cháu ngoại bảy tuổi. Luận khai nguyên nhân gây án là vì nạn nhân thường xuyên có lời nói, thái độ coi thường mình. - Ngày 12-3-2019, Nguyễn Hoàng Nam (26 tuổi, trú huyện Hóc Môn, TP.HCM) bị bắt giữ vì gây ra vụ thảm sát ba người thân (cha mẹ và bà nội) cùng một người khác ở Long An trước đó một ngày. - Ngày 6-11-2018, Công an tỉnh Hưng Yên bắt giữ Đoàn Hữu Khơi (17 tuổi, trú thị trấn Trần Cao, huyện Phù Cừ, Hưng Yên). Khơi đi trộm và bị phát hiện nên sát hại nạn nhân và chém hàng xóm. - Ngày 16-2-2018, Công an TP.HCM bắt giữ Nguyễn Hữu Tình (18 tuổi, quê An Giang), nghi phạm sát hại năm người trong một gia đình ở quận Bình Tân. Nguyên nhân gây án là vì thường xuyên bị vợ chồng ông chủ mắng chửi nên sinh thù hận… |
Đại biểu Quốc hội LƯU BÌNH NHƯỠNG: Cần giải pháp tổng thể Đại biểu Quốc hội LƯU BÌNH NHƯỠNG Tôi cho rằng các vụ thảm án xảy ra thì suy đồi đạo đức là nguyên nhân chủ yếu. Vì khi đạo đức suy đồi sẽ dẫn đến các hành vi, hành động bất chấp luân thường, trong đó có trọng án, thảm sát. Cùng với đó là ma túy, băng nhóm… gây ra mọi hành vi không chuẩn mực. Về nguyên nhân trực tiếp, theo quan sát của tôi thì ma túy là một trong các nguyên nhân, thậm chí có kẻ còn phải sử dụng ma túy để “hỗ trợ tinh thần” khi gây án. Phải có giải pháp tổng thể, có sự tham gia chiều sâu của cả hệ thống để lý giải được vi phạm đạo đức xã hội có nguyên nhân từ đâu. Hệ thống giáo dục đã coi trọng luân lý và tiếp tục duy trì đạo đức truyền thống hay chưa hay vẫn theo các xu hướng, trào lưu mới? Vai trò của gia đình hiện nay đối với việc duy trì đạo đức, truyền thống của dòng họ, dân tộc hiện nay như thế nào? Đạo đức truyền thống, tính cố kết của cộng đồng phải được duy trì và phát triển. Giáo dục, tôi vẫn nghĩ không chỉ dạy những kiến thức thông thường, đạo đức thông thường, kể cả về pháp luật, mà phải chú trọng những vấn đề luân lý nói trên. Phải sử dụng luân lý, đạo đức truyền thống làm rường cột cho giáo dục nhân bản. Sự can thiệp của Nhà nước bằng các quy định pháp luật cũng đóng vai trò quan trọng. Các quy định có rất nhiều nhưng có thể thiếu sự kiểm soát hoặc triển khai các quy định còn có chỗ lệch. Chẳng hạn, tại sao lại coi người nghiện ma túy là con bệnh và ứng xử với họ như người bệnh? Cuối cùng tôi nghĩ là biện pháp phòng, chống cho gia đình các nạn nhân. Rất có thể vì điều nọ điều kia mà trong cách ứng xử xã hội, ứng xử trong gia đình đã kích thích người ta phạm tội một cách hung bạo hơn, quyết tâm hơn… Tôi cho rằng những vấn đề trên là nguyên nhân trực tiếp và muốn ngăn ngừa thì có giải pháp tổng thể. Ông TRẦN VĂN ĐỘ, nguyên Phó Chánh án TAND Tối cao: Bức xúc xã hội không lối thoát Ông TRẦN VĂN ĐỘ, nguyên Phó Chánh án TAND Tối cao Các vụ thảm án là do bối cảnh xã hội. Tôi nghiên cứu vấn đề này ở nhiều nước và Việt Nam, tôi thấy bối cảnh xã hội đã gây tình trạng trầm cảm. Tình trạng này khiến nhiều người đôi khi không kiểm soát được bản thân dẫn đến phạm tội. Trầm cảm khiến chồng giết vợ rồi ôm con tự tử, vợ giết chồng ôm con nhảy sông quyên sinh. Làm gì có người mẹ nào vứt con xuống giếng, con giết cha… nếu không phải vì trầm cảm, bí bách, không kiểm soát được mình. Đó là do bức xúc mà không có phương cách giải tỏa, giải quyết vấn đề. Những điều này là do bối cảnh xã hội, bối cảnh kinh tế. Không phải cứ sử dụng hình phạt nặng, chế tài cao, không phải cứ tử hình là giải quyết được vấn đề. Vì như tôi đã nói nhiều lần, tử hình không giải quyết được vấn đề. Tử hình chỉ thỏa mãn được sự bức xúc nhất thời của dư luận. Mà sự bức xúc không phải lúc nào cũng chính đáng. Nhiều người cứ đổ cho vì pháp luật không nghiêm. Tôi không nghĩ vậy. Nhiều người cứ nói do “chế tài không nghiêm, cần tăng hình phạt, chế tài…”. Không phải, sức dân có hạn. Thu nhập một tháng của người dân có mấy triệu mà chế tài mấy chục triệu thì triệt đường sống của dân hay sao? Vấn đề quan trọng là phải làm sao để quản lý nhà nước, giáo dục, văn hóa, kinh tế phát triển bền vững, thực chất hơn. Chứ càng tăng hình phạt, tăng chế tài không khéo bức xúc, áp lực xã hội càng tăng và tình trạng thảm án như trên lại càng… phát sinh. Ngay như trong gia đình, với một đứa con hư, nếu cha mẹ thủ thỉ khuyên răn, kiên trì bảo ban sẽ tốt hơn chuyện mắng mỏ, đánh hoặc đuổi con hư ra khỏi nhà, chỉ khiến đứa con đó hư thêm. Nếu Nhà nước đối xử với công dân vi phạm như cha mẹ đối xử không đúng với những đứa con hư, tình hình sẽ ngày càng phức tạp. Bởi vậy tôi cho rằng cần phải thay đổi nhận thức về các phương pháp phòng ngừa tội phạm. Khi có nhận thức đúng đắn thì các phương pháp phòng ngừa mới giảm thiểu được các vụ thảm án như chúng ta đã thấy. |