Hôm nay, Quốc hội sẽ thảo luận về việc phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA).
Pháp Luật TP.HCMđã có cuộc trao đổi với PGS Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, về việc cách nào để pháp luật tương thích với EVFTA. Ông nhận định EVFTA cũng như CPTPP mà tiền thân của nó là TPP có những vấn đề toàn diện được đàm phán, kể cả về quyền con người nói chung và Việt Nam đã chấp nhận một “cuộc chơi” sòng phẳng với một trong những đối tác quan trọng trên thế giới.
Ràng buộc chặt về quyền con người
. Phóng viên: Thưa ông, những vấn đề như quyền con người... không phải là lần đầu tiên Việt Nam đàm phán trong các FTA?
+ PGS Trần Đình Thiên: Theo thời gian, trên nền tảng WTO, các FTA ngoài vấn đề thương mại thì đã đàm phán các vấn đề khác. Chẳng hạn như môi trường, quyền con người. Điều đó cũng do tiêu chuẩn ở các quốc gia khác nhau.
Chẳng hạn, một doanh nghiệp (DN) ở một nước nào đó sản xuất nhưng không bị ràng buộc các điều kiện môi trường, về mức lương tối thiểu của lao động… trong khi một DN ở Mỹ hay châu Âu lại bị ràng buộc và mất tính cạnh tranh. Như vậy, việc đàm phán các FTA sau này nảy sinh nhu cầu phải có các điều kiện bình đẳng, bảo đảm cạnh tranh.
Đấy là động lực của DN ở các nước phát triển, họ yêu cầu chính phủ của họ như vậy trong đàm phán các FTA với các nước đang phát triển. Những vấn đề có thể còn bao gồm như “hòa bình xanh”, đánh bắt cá voi, hải sản… Nói chung, các quốc gia trong đàm phán các FTA đều có tinh thần chung là phải chia sẻ trách nhiệm trong những vấn đề cụ thể như môi trường, lao động…
Hay với TPP lúc còn có Mỹ, bên cạnh những vấn đề về môi trường thì còn có cả “Signed Letter” (nghị định thư) với những ràng buộc rất chặt về các quyền con người, lao động. Việt Nam đã chấp thuận điều đó.
. EVFTA có những quy định về công đoàn của người lao động, ông đánh giá thế nào về nội dung này?
+ Xét về mặt nội dung thì EVFTA không chặt như TPP trước đây và cơ chế thực thi cũng đơn giản. Tuy vậy, đây lại là vấn đề mà EU rất quan tâm trong bối cảnh quyền con người cũng đã được Hiến pháp 2013 ghi nhận đầy đủ. Vả lại, EVFTA cũng có thời hạn để Việt Nam thực hiện các vấn đề này và thực tế Bộ luật Lao động sửa đổi cũng đã theo hướng này sau khi CPTPP có hiệu lực. Vấn đề còn lại là quá trình thực thi của Việt Nam được tiến hành ra sao theo như Bộ luật Lao động sửa đổi đã quy định mà thôi.
Chúng ta lưu ý rằng từ TPP đến CPTPP và EVFTA, Việt Nam đã chấp nhận “cuộc chơi” đó. Tất nhiên, quá trình tham gia cuộc chơi này thế nào thì Việt Nam vẫn giữ thế chủ động.
. Nhưng nhiều ý kiến cho rằng khi Nghị viện EU thông qua EVFTA thì cũng có nghĩa là ghi nhận những cải cách, nhất là về thể chế, của Việt Nam.
+ Đúng là Nghị viện EU đã ghi nhận những thành tựu và nỗ lực cải cách của Việt Nam. Không phải không có lý do, dù là trực tiếp hay gián tiếp, dù là hiện tại hay tương lai… mà EU đã thông qua điều này.
Chế biến thủy sản đông lạnh xuất khẩu tại khu công nghiệp Vĩnh Lộc, quận Bình Tân, TP.HCM. Ảnh: QUỐC THANH
Sức ép sửa pháp luật có lớn?
. Quan sát, so sánh hệ thống pháp luật của Việt Nam hiện nay với những cam kết, ràng buộc của EVFTA thì ông thấy thế nào?
+ Việt Nam có thể sửa nhanh hệ thống pháp luật để tương thích với các ràng buộc trong EVFTA. Chỉ có điều có một số quy định có thể khó khăn hơn một chút nhưng đó là các quy định cục bộ của ngành. Chẳng hạn với ngành gỗ, có một hiệp định riêng và EVFTA chỉ viện dẫn hiệp định đó. Việc truy xuất nguồn gốc gỗ là một vấn đề rất khó nhưng nếu làm được thì lại rất tốt cho Việt Nam. Hay vấn đề thủy sản cũng rất khắt khe, như vừa rồi chúng ta bị EU phạt thẻ vàng nhưng nếu làm được thì cũng tốt cho Việt Nam. Rồi có thể là các quy định về chỉ dẫn địa lý, chẳng hạn đối với rượu vang…
Nhưng nhìn chung, sức ép từ việc sửa đổi hệ thống pháp luật của Việt Nam để đáp ứng các ràng buộc của EVFTA không phải là quá lớn.
. Thưa ông, yêu cầu về minh bạch, nhất là trong đấu thầu cũng là vấn đề mà EVFTA đặt ra khá chi tiết?
+ Dù Việt Nam tham gia nhiều FTA rồi nhưng EVFTA là số ít FTA, bên cạnh CPTPP, đề cập đến vấn đề này. Việt Nam sẽ phải thay đổi để đấu thầu thực chất hơn nhằm tránh việc bị kiện do vi phạm trình tự đấu thầu. Bởi nếu khi có nhiều nhà thầu, trong đó có cả nhà thầu EU thì rất có thể nếu không minh bạch, chuẩn chỉnh thì việc thực hiện trình tự đấu thầu của Việt Nam có thể bị kiện nhiều hơn.
Điều này là một áp lực cần thiết để trình tự đấu thầu Việt Nam được tuân thủ tốt hơn. Chẳng hạn, một số DN viễn thông EU có thể đầu tư vào Việt Nam nhưng nếu bị cạnh tranh không lành mạnh thì họ có thể kiện. Chúng ta nên coi đây là một động lực để cải cách hơn nữa.
. Liệu đây có phải là một trong những lý do khiến EVFTA được tách ra thành hai hiệp định, trong đó có Hiệp định Bảo hộ đầu tư?
+ Thực ra Việt Nam từng ký bảo hộ đầu tư song phương. Dĩ nhiên, các quy định bảo hộ này có phải là “bảo hộ ngược” hay không còn là một vấn đề. Nhưng dễ thấy nhất là các quy định về bảo hộ đầu tư có thể sẽ khiến các cơ quan nhà nước, công chức, cán bộ các cấp đều phải tránh việc gây tổn hại cho nhà đầu tư. Bởi nguy cơ bị kiện từ việc cản trở kinh doanh của các nhà đầu tư là rất lớn. Nhà nước sẽ phải cẩn trọng hơn.
Tuy vậy, thực tế hiện nay việc tranh chấp giữa nhà đầu tư nước ngoài và Chính phủ Việt Nam vẫn diễn ra và điều đó là kinh nghiệm tốt cho Việt Nam ứng phó. Có điều, những việc này cũng có thể phải có cơ chế để Nhà nước trung ương, địa phương, cán bộ, công chức… phải học hỏi, rút kinh nghiệm.
. Nhìn một cách tích cực, và như Thủ tướng từng nói, phải biến “nguy” thành “cơ”. Tác dụng của những áp lực hoặc động lực chúng ta nói trên là gì, thưa ông?
+ Những điều đó đòi hỏi kỷ luật hành chính công vụ tốt hơn, trình độ cán bộ, công chức nói riêng và “đẳng cấp” của Nhà nước cũng phải được nâng lên. Bởi thực tế khi EVFTA có hiệu lực thì chuẩn mực công vụ cao sẽ tránh được việc một công chức, dù là vô tình hay cố ý, phương hại đến lợi ích của nhà đầu tư.
Bởi dù sao ta cũng phải thừa nhận kỷ luật công vụ của Việt Nam thực ra đang ở mức độ thấp. Nhiều vụ việc liên quan đến quan hệ công quyền - DN hiện nay nếu chiếu theo chuẩn mực của EVFTA thì nguy cơ xảy ra tranh chấp giữa nhà đầu tư và Chính phủ Việt Nam là hiện hữu.
. Xin cám ơn ông.