Trên hai số báo trước, Pháp Luật TP.HCM đăng tải bài “Sinh viên thực tập bị bỏ rơi” nêu một số trường hợp sinh viên đi thực tập như “người thừa” tại cơ quan, doanh nghiệp. Số báo này, chúng tôi giới thiệu ý kiến của những người làm công tác đào tạo.
Ông Hoàng Ngọc Vinh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD&ĐT):
Doanh nghiệp “săn” nhân tài ở trường
Chất lượng đào tạo hiện nay nói chung chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp. Về nguyên nhân chủ quan, chủ yếu do yếu kém của đội ngũ giảng viên (thiếu kinh nghiệm thực tế), chương trình đào tạo, suất đầu tư trên một sinh viên thấp, động lực học tập của một bộ phận sinh viên còn chưa cao... Nguyên nhân khách quan có thể do thị trường lao động chưa hoàn thiện, doanh nghiệp chưa có vai trò nhiều trong việc xác định nhu cầu đào tạo cũng như các chuẩn đào tạo và sự hỗ trợ hạn chế của doanh nghiệp đối với nhà trường... Để khắc phục nguồn lực dành cho đào tạo hạn chế, bất kể quốc gia nào cũng đều có chính sách liên kết nhà trường với doanh nghiệp. Những doanh nghiệp khôn ngoan đều rất năng động tìm đến trường đại học có chất lượng cao để “săn” nhân tài.
Nguyên nhân tình trạng sinh viên bị coi là “người thừa” khi đi thực tập là do một số doanh nghiệp chưa có nhận thức, tầm nhìn xa về việc tìm kiếm nhân tài. Một số doanh nghiệp sợ lộ bí quyết công nghệ hoặc sợ sinh viên làm hỏng máy móc đắt tiền. Nhiều doanh nghiệp còn lo những sinh viên này thiếu kỹ năng thực hành, lý luận xa rời thực tế không thể đáp ứng với những máy móc, công nghệ hiện đại và những thay đổi không ngừng của doanh nghiệp. Nhiều sinh viên chưa rõ tường tận về mục đích của việc thực tập ngoài trường, thiếu tìm hiểu về văn hóa doanh nghiệp, lớ ngớ, không biết nhà trường và doanh nghiệp kỳ vọng gì vào mình (mình sẽ làm được gì) khi hết đợt thực tập.
Một lý do không kém phần quan trọng là thái độ và năng lực giao tiếp của sinh viên khi đến thực tập. Trong trường, các em không được dạy cẩn thận về kỹ năng giao tiếp cũng như tác phong làm việc ngoài doanh nghiệp.
Để sinh viên có được một kỳ thực tập hiệu quả, có chất lượng, doanh nghiệp và nhà trường cần tìm đến nhau, tìm thấy lợi ích cho mình từ sự hợp tác. Bộ đang chỉ đạo các trường thành lập trung tâm hỗ trợ quan hệ với doanh nghiệp để cung cấp thông tin về đào tạo của các trường, thúc đẩy quan hệ trường và doanh nghiệp, tìm kiếm hợp đồng đào tạo với doanh nghiệp, theo dõi số lượng sinh viên có việc làm sau khi ra trường.
Thạc sĩ Trần Đình Lý - Giám đốc Trung tâm Sinh viên và quan hệ doanh nghiệp, Trường ĐH Nông lâm TP.HCM:
Nhà trường phải chủ động kết nối với doanh nghiệp
Nhà trường phải biết chủ động kết nối với doanh nghiệp tìm kiếm thông tin ngành nghề, lĩnh vực cần sinh viên thực tập và phải nắm rõ sinh viên cần tìm chỗ thực tập nào cho phù hợp. Điều đó sẽ tránh được những chệch choạc về việc sinh viên thực tập sai chỗ, còn doanh nghiệp thì nhận bừa hoặc miễn cưỡng nhận sinh viên.
Theo tôi biết, trên mọi lĩnh vực ngành nghề, hầu hết doanh nghiệp đều rất cần sinh viên đến thực tập. Bởi vì khi sinh viên đến thực tập, doanh nghiệp có thêm người phụ việc, đồng thời sinh viên có khả năng khám phá ra những đề tài nghiên cứu, đề xuất thực hiện những dự án mà doanh nghiệp đó cần và đặt hàng. Chính lợi thế này mà sau khi sinh viên thực tập xong được doanh nghiệp nhận vào làm việc luôn.
Hiện nay, mỗi trường ĐH, CĐ đều có những cách thức hoạt động giới thiệu sinh viên thực tập và tìm việc làm khác nhau. Nhưng nhìn chung tính hiệu quả thì vẫn còn hạn chế. Một số trường ĐH, CĐ có mô hình “doanh nghiệp đồng hành với sinh viên năm cuối”. Không chỉ doanh nghiệp tạo điều kiện cho sinh viên năm cuối thực tập và nhận vào làm việc mà còn nhận cả sinh viên đang học năm thứ hai, thứ ba vào tham quan doanh nghiệp.
Hồ Trần Anh Ngọc, giảng viên khoa Cơ khí Trường CĐ Công nghệ, ĐH Đà Nẵng:
Cần một giáo viên hướng dẫn có trách nhiệm
Việc thực tập của sinh viên khối kỹ thuật thường được chia làm bốn loại: thực tập nhận thức; thực tập chuyên môn; thực tập công nhân, hay còn gọi là thực tập công nghiệp; thực tập tốt nghiệp.
Để thực hiện tốt đợt thực tập công nhân, giáo viên phụ trách sẽ lên đề cương thực tập chi tiết, thông qua khoa đề xuất trường làm quyết định đi thực tập bên ngoài nhà trường, làm giấy giới thiệu để đi liên hệ thực tập tại cơ sở bên ngoài.
Giáo viên phụ trách sẽ theo dõi và có trách nhiệm liên hệ các khâu liên quan một cách cụ thể như đi lại, địa điểm thực tập công trình, ăn ở tạm trú, người phụ trách, công việc phải làm, an toàn, thẻ... Nói chung, giáo viên phụ trách phải là người có trách nhiệm cao, có quan hệ rộng, có uy tín mới đạt được hiệu quả thiết thực và đợt thực tập an toàn.
Ở đợt thực tập tốt nghiệp, sinh viên thường phải tự liên hệ với một đơn vị để đi thực tập nhằm lấy số liệu thực tế phục vụ cho đề tài tốt nghiệp của mình. Để đợt thực tập này đạt kết quả, trước hết phụ thuộc vào giáo viên hướng dẫn tốt nghiệp có sâu sát, có trách nhiệm hướng dẫn hay không. Đặc biệt là phụ thuộc vào khả năng, trình độ của sinh viên, kỹ năng ngoại giao của sinh viên với đơn vị cơ sở.
Sinh viên thực tập hưởng lương 1-3 triệu đồng Từ nhiều năm nay, Trường ĐH dân lập Lạc Hồng (Đồng Nai) được xem là trường ĐH có mô hình giới thiệu sinh viên thực tập và tìm việc hiệu quả nhất so với các trường ĐH khác. Tất cả sinh viên đi thực tập của trường này đều được hưởng mức lương 1-3 triệu đồng, tùy theo ngành thực tập. Mỗi khoa có ngành nghề đào tạo là có người phụ trách khâu liên lạc với các doanh nghiệp, thường xuyên nắm bắt nhu cầu của doanh nghiệp. Nhà trường ký hợp đồng với doanh nghiệp đưa sinh viên đến thực tập theo yêu cầu của doanh nghiệp. Nhà trường có trung tâm quan hệ doanh nghiệp do hiệu trưởng trực tiếp chỉ đạo thực hiện. Ông Lâm Thành Hiển, Hiệu phó Trường ĐH dân lập Lạc Hồng, cho biết hiện nay các doanh nghiệp đều cho rằng thời gian thực tập sáu tháng là phù hợp nhất. Thời gian 2-3 tháng thì quá ngắn, sinh viên thực tập vừa vào làm quen công việc là đã hết thời gian. Vì vậy, nhà trường cũng đã quy định thời gian thực tập cho sinh viên là sáu tháng. Do đó, sinh viên có nhiều thời gian làm việc với doanh nghiệp, thêm nhiều kinh nghiệm. TRƯƠNG HIỆU |
TỐ NHƯ - TRƯƠNG HIỆU ghi