Ông Trần Tiến Thành, chuyên viên môn văn, Sở GD&ĐT TP.HCM, chia sẻ đề thi tuyển sinh vào lớp 10 môn văn gồm ba phần là đọc hiểu, nghị luận xã hội và nghị luận văn học.
Môn văn cần kỹ năng làm bài
Ở phần đọc hiểu, văn bản được chọn có thể là văn bản nghị luận, thông tin, khoa học phù hợp lứa tuổi, gắn với thời sự. Câu hỏi được bố trí từ dễ đến khó, từ mức độ nhận biết, thông hiểu đến phân tích, suy luận và đánh giá, vận dụng.
Khi trả lời các câu hỏi đọc hiểu, thí sinh (TS) cần đọc toàn bộ văn bản để nắm nội dung, từ đó có câu trả lời ngắn gọn, rõ ràng, tránh dài dòng không cần thiết.
Đối với phần nghị luận xã hội, khi làm bài TS phải đảm bảo cấu trúc ba phần gồm mở bài, thân bài và kết bài. TS phải phân tích, xác định đúng vấn đề cần nghị luận; triển khai vấn đề thành các luận điểm; vận dụng tốt thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lý lẽ và dẫn chứng; rút ra bài học nhận thức và hành động.
Để làm tốt phần này, TS phải có thao tác lập luận giải thích, chứng minh, bình luận.
Kỳ thi vào lớp 10 công lập ở TP.HCM năm 2024 gồm ba môn toán, văn, ngoại ngữ. Trong đó, toán và văn có thời gian làm bài 120 phút, tiếng Anh 90 phút. Trường hợp TS có nguyện vọng thi vào lớp 10 chuyên, tích hợp sẽ thi môn chuyên hoặc tích hợp trong 150 phút.
Nội dung đề thi nằm trong chương trình THCS, chủ yếu ở lớp 9. Đề không chỉ dừng ở việc kiểm tra kiến thức mà còn chú trọng tiếp cận năng lực của TS qua vận dụng kiến thức đã học vào các tình huống thực tế, yêu cầu kỹ năng đọc hiểu và tư duy logic.
Ông NGUYỄN BẢO QUỐC,
Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM
Phần nghị luận văn học sẽ có hai đề để TS chọn lựa. Muốn làm bài tốt, TS cần nắm vững kỹ năng viết bài nghị luận văn học. Rèn luyện kỹ năng phân tích, cảm nhận tác phẩm văn học theo thể loại thơ, truyện.
Ngoài ra, TS nên đọc thêm các tác phẩm ngoài sách giáo khoa cùng thể loại và chủ đề với tác phẩm. Từ đó dùng kiến thức và trải nghiệm của mình để giải quyết một tình huống cụ thể.
Môn tiếng Anh nghiêng về kỹ năng, từ vựng
Ông Trần Đình Nguyễn Lữ, chuyên viên môn tiếng Anh, Sở GD&ĐT TP.HCM, cho hay đề thi tiếng Anh tuyển sinh vào lớp 10 năm 2024 về cơ bản giống như năm 2023.
Đề thi tiếng Anh bao gồm 40 câu hỏi. Trong đó, 70% câu hỏi ở mức độ nhận biết và thông hiểu, 30% mức vận dụng và vận dụng cao (câu hỏi vận dụng cao khoảng 10%).
Cũng theo ông Lữ, đề thi không chú trọng nhiều vào ngữ pháp mà sẽ tập trung vào kỹ năng và từ vựng. Vì thế, TS phải chú ý nhiều hơn vào phần này.
Nội dung đề vẫn có hai bài đọc nhằm kiểm tra năng lực đọc hiểu của TS. Những câu hỏi thuộc dạng phân hóa TS dự kiến sẽ nằm ở phần đọc - hiểu và viết lại câu.
Năm bài toán thực tế
Theo ông Dương Bửu Lộc, chuyên viên môn toán, Sở GD&ĐT TP.HCM, đề thi môn toán vẫn giữ ổn định về cấu trúc như các năm trước với tám bài.
Mức độ kiến thức nhận biết, thông hiểu chiếm 70%, vận dụng và vận dụng cao 30%. Về mức độ khó của bài thi cũng sẽ tương đương với đề tuyển sinh toán năm trước.
Cụ thể, bài 1 vẽ đồ thị - tìm giao điểm. Bài 2 về định lý Vi-et, nghiệm phương trình. Năm bài toán tiếp theo là toán thực tế. Bài số 8 là toán hình học với ba câu, câu cuối cùng là câu khó dùng để phân loại, chọn học sinh giỏi.
Thay đổi quy trình xét nguyện vọng tuyển sinh lớp 10
Trên cơ sở rút kinh nghiệm kỳ tuyển sinh lớp 10 năm học 2023-2024, Sở GD&ĐT TP.HCM đang xây dựng các phương án thay đổi toàn bộ quy trình xét các nguyện vọng vào lớp 10 ở các trường THPT công lập.
Các phương án được xây dựng trên cơ sở rút ngắn thời gian công bố kết quả, hỗ trợ học sinh tăng tỉ lệ khả năng trúng tuyển vào các trường công lập theo nguyện vọng đăng ký. Từng bước giảm dần số lượng TS trúng tuyển nhưng không nộp hồ sơ qua từng năm.
Ông NGUYỄN VÕ ĐĂNG KHOA, Phó Trưởng phòng Khảo thí và kiểm định chất lượng, Sở GD&ĐT TP.HCM
Dừng tuyển sinh lớp 10 không chuyên tại hai trường chuyên
Theo Thông tư 05/2023 ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của trường THPT chuyên của Bộ GD&ĐT, việc tuyển sinh vào các lớp không chuyên của trường THPT chuyên được thực hiện đến hết năm học 2023-2024.
Do vậy, từ kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 tại TP.HCM năm học 2024-2025 sẽ không tuyển sinh lớp 10 không chuyên tại Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa và Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong.
Bà Phạm Thị Bé Hiền, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, cho biết từ năm tới, khi không còn tuyển sinh lớp 10 không chuyên, trường sẽ xây dựng lại kế hoạch giáo dục, tập trung nguồn lực đầu tư cho các lớp chuyên để phù hợp với định hướng giáo dục của trường chuyên.
Riêng các lớp không chuyên đã được tuyển sinh và tổ chức trong trường THPT chuyên vẫn tiếp tục thực hiện cho đến khi học hết lớp 12.